Theo Reuters, dự thảo nghị quyết do Anh trình lên có nội dung lên án cuộc chính biến, kêu gọi quân đội Myanmar kiềm chế và đe dọa xem xét “các biện pháp mạnh hơn”.
Tối 9/3, Trung Quốc, Nga và một số nước khác đã đề xuất không đề cập đến đe dọa xem xét biện pháp mạnh trong nghị quyết, các nhà ngoại giao cho biết.
Hội đồng Bảo an đã bắt đầu thảo luận về nghị quyết sau cuộc họp về tình hình Myanmar ngày 5/3.
Để được thông qua, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải có sự đồng thuận của 15 nước thành viên.
Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Reuters tiếp cận được kêu gọi "quân đội kiềm chế tối đa, nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an đang theo dõi sát sao tình hình và tuyên bố sẵn sàng xem xét các biện pháp mạnh hơn".
Dự thảo cũng lên án "việc sử dụng bạo lực với những người biểu tình ôn hòa".
Ngoài ra, dự thảo kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ ngay lập tức.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 9/3 không đạt được đồng thuận để đưa ra tuyên bố về cuộc chính biến ở Myanmar. Ảnh: Reuters. |
Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội giành quyền kiểm soát đất nước từ chính phủ dân cử của đảng NLD, bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và các quan chức khác vào ngày 1/2.
Vào tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp do quân đội Myanmar áp đặt. Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ, nhưng không lên án cuộc chính biến vì sự phản đối của Nga và Trung Quốc.
“Mỗi quốc gia thành viên đều có vai trò cá nhân và tập thể. Nói chung, chúng tôi luôn cố gắng thúc đẩy tuyên bố và hành động mạnh mẽ từ Hội đồng Bảo an”, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên vào ngày 9/3.