Trong một cuộc họp từ xa với chỉ huy quân sự trên khắp Indonesia, Tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Andika Perkasa, tỏ dấu hiệu rằng lực lượng này sẽ kết thúc thông lệ “kiểm tra trinh tiết” kéo dài hàng thập niên qua đối với nữ giới khi tham gia quân đội, Guardian đưa tin ngày 6/8.
Mọi người sẽ được lựa chọn dựa trên khả năng của họ để tuân theo quy trình giáo dục của quân đội, tướng Perkasa cho hay.
“Sẽ không có cuộc kiểm tra y tế nào ngoài mục đích đó”, tướng Perkasa nói. “Có những cuộc kiểm tra không liên quan, chúng tôi sẽ không thực hiện kiểu kiểm tra như vậy nữa. Chúng tôi tuyển dụng nữ giới giống như với nam giới”.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cuộc kiểm tra trinh tiết vẫn sẽ được thực hiện đối với nữ hôn thê của các sĩ quan quân đội.
Ở Indonesia, thủ tục này gọi là “kiểm tra bằng hai ngón tay”. Trong quá trình kiểm tra, các bác sĩ sẽ đưa hai ngón tay vào bên trong âm đạo người phụ nữ để xem màng trinh họ có còn nguyên vẹn hay không. Nếu không phải trinh nữ, họ sẽ bị từ chối.
Nếu không còn trong trắng, nữ tân binh sẽ không thể tham gia quân đội tại Indonesia. Ảnh: AFP. |
Nhiều tổ chức nhân quyền đã hoan nghênh quyết định chấm dứt kiểm tra trinh tiết của quân đội Indonesia.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng những thay đổi tướng Perkasa nêu trong cuộc họp đã ám chỉ “bài kiểm tra trinh tiết mà quân đội Indonesia thực hiện trong nhiều thập niên là lạm dụng, phi khoa học và phân biệt đối xử với các tân binh nữ”.
Có thông tin cho rằng hải quân và không quân cũng sẽ có động thái tương tự quân đội Indonesia. Hiện quân đội chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Động thái này được phụ nữ Indonesia hoan nghênh.
Anindi - người đã trải qua bài kiểm tra này 23 năm trước khi ứng tuyển vào vị trí hải quân ở Yogyakarta - nhớ lại mình bị từ chối dù các bài kiểm tra khác đạt điểm cao.
“Quả là một bước đột phá nếu họ dừng bài kiểm tra này lại”, cô nói. “Khi đến lượt tôi kiểm tra, tôi đã bảo bác sĩ dừng lại. Không phải tôi sợ bác sĩ phát hiện ra mình không còn trinh mà vì tôi cảm thấy không thoải mái với thủ thuật này. Đây từng là cái giá các tân binh nữ phải trả nếu muốn nhập ngũ”.
Alim Qibtiyah, ủy viên tại Ủy ban Quốc gia về Bạo lực với Phụ nữ, cho biết điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội nhập ngũ cho phụ nữ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 tuyên bố kiểm tra trinh tiết là phi khoa học, gây tổn hại và vi phạm nhân quyền của phụ nữ, mang lại hậu quả trước mắt và lâu dài, gây bất lợi cho sức khỏe thể chất và tâm lý cho những ai tham gia kiểm tra.