Theo nhiều cách, những tranh cãi xung quanh trang phục thi đấu Olympic Tokyo 2020 đã thúc đẩy mọi người đánh giá lại những gì đang diễn ra trong lĩnh vực thể thao, theo New York Times.
Mọi người bắt đầu tập trung vào vấn đề phân biệt giới tính, tình trạng coi cơ thể nữ giới như một món đồ và xem xét xem ai mới là người có quyền quyết định loại trang phục nào được coi là “phù hợp” trong thi đấu thể thao.
Những cuộc đối thoại đã diễn ra từ lâu
Cuộc tranh luận về trang phục xuất hiện khắp văn phòng, trường cao đẳng, trường trung học, trong hội trường Quốc hội, trên máy bay và đài truyền hình, đặc biệt khi cá nhân có xu hướng nổi dậy chống lại các quy tắc ăn mặc truyền thống và mang tính phân biệt giới tính.
Đó có thể là vấn đề mặc comle và đeo cà vạt, lệnh cấm mặc quần legging hay yêu cầu phải đi giày cao gót.
Thể thao như là biên giới cuối cùng của trận chiến, theo New York Times, một phần vì thể thao được xây dựng trên nền tảng phân biệt giới tính, thể hiện qua trang phục, hệ thống cấp bậc và lợi ích về tài chính.
Phong trào #MeToo cùng với các phong trào xã hội khác đã thúc đẩy lời kêu gọi công bằng và bao trùm như chúng ta đang thấy. Điều này tác động đến cách cá nhân - trong trường hợp này là các nữ vận động viên - thể hiện bản thân họ, đối lập với cách giải thích cổ hủ về khế ước xã hội - một cấu trúc quyền lực mang tính lịch sử và hầu như luôn được chi phối bởi những người đàn ông da trắng.
Mặc dù phong trào phản kháng bộc lộ rõ ràng nhất trong các kỳ Thế vận hội, sự phản đối tồn tại ở mọi cấp độ thể thao, từ giải Little League cho đến giải vô địch thế giới. Và tuy vấn đề xoanh quanh quần áo đôi khi cũng ảnh hưởng tới nam giới (ở một số ít môn như bơi, bóng nước và lặn, cơ thể nam giới phải phô bày và thường bị đối tượng hóa nhiều hơn nữ giới), vấn đề này lại ảnh hưởng nặng nề hơn với phụ nữ.
“Thật lạ là chúng ta vẫn đang bàn luận về những gì phụ nữ có thể và không thể mặc”, Brandi Chastain - cựu thành viên của đội tuyển bóng đá quốc gia Mỹ tại Olympic và World Cup, người từng thu hút sự chú ý khi lột áo ăn mừng bàn thắng và để lộ áo ngực thể thao - chia sẻ. “Nhưng ít nhất chúng ta cũng đã nói về điều này”.
Brandi Chastain ăn mừng sau khi ghi bàn thắng quyết định trong loạt luân lưu với Trung Quốc tại World Cup 1999. Ảnh: Guardian. |
Luôn bị kiểm soát về trang phục
Kể từ khi phụ nữ tham gia thi đấu thể thao, luôn có một thế lực kiểm soát những gì họ mặc: trang phục phải nữ tính hơn, hoặc bớt tính nữ đi; ăn mặc kín đáo vì có thể quá thu hút nam giới, hoặc hở hang một chút để lôi kéo đàn ông bỏ tiền mua vé tham gia trận đấu; hoặc mặc thế nào để hạ thấp ý tưởng về quyền lực và nâng cao ý tưởng về sự nữ tính sáo rỗng.
Bởi vì thể thao vốn dựa trên nền tảng thể chất, hầu như không thể tách rời ý tưởng về tình dục khỏi vận động viên. New York Times nhận định thực sự ngớ ngẩn khi có một số người nghĩ rằng vận động viên dù là nữ hay nam, tất cả những gì họ nghĩ về trong lúc tham gia thi đấu là quyến rũ khán giả.
Ý tưởng này thể hiện rõ nhất trong môn quần vợt.
Năm 1919, tay vợt người Pháp nổi tiếng Suzanne Lenglen gây chấn động Giải vô địch Wimbledon khi mặc một chiếc váy dài đến bắp chân, không có váy lót và áo nịt ngực. Mọi người gọi hành động này là “không đứng đắn”.
Chuyện xảy ra một lần nữa sau 30 năm, khi tay vợt người Mỹ Gertrude Moran mặc chiếc váy tennis dài đến giữa đùi. Một lần nữa, ban tổ chức Wimbledon tuyên bố vận động viên đã “mang lại sự thô tục và tội lỗi vào môn quần vợt”.
Gertrude Moran tại giải Wimbledon năm 1949, mặc trang phục bị đánh giá là “mang lại sự thô tục và tội lỗi vào môn quần vợt”. Ảnh: AP. |
Năm 1955, khi mới 12 tuổi, Billie Jean King - vận động viên quần vợt người Mỹ, từng giữ vị trí số một thế giới - bị cấm tham gia cuộc thi bắn súng theo nhóm tại câu lạc bộ quần vợt vì bà mặc quần đùi chứ không phải váy ngắn. Năm 2018, Serena Williams gây xôn xao khi mặc bộ đồ catsuit bộ trang phục liền bó sát cơ thể - trên sân quần vợt tại giải Pháp mở rộng.
Ngay trước thềm Thế vận hội London 2012, Hiệp hội Quyền anh Quốc tế nghiệp dư từng đề xuất các nữ võ sĩ mặc váy, chứ không phải mặc quần đùi, để phân biệt với võ sĩ nam. Theo sau đó là một nỗ lực bất thành khác vào năm 2011 của Liên đoàn Cầu lông Thế giới nhằm bắt các tay vợt nữ mặc váy.
Khi liên đoàn bóng đá nữ và các cầu thủ bắt đầu vận động hành lang yêu cầu được đối xử bình đẳng, Sepp Blatter - lúc đó là chủ tịch của FIFA, liên đoàn bóng đá quốc tế - đề nghị họ nên chơi trong những chiếc quần đùi chật hơn, nhỏ hơn, để “mang lại tính nữ nhiều hơn”.
"Đây chẳng khác gì hàm ý cho rằng cách duy nhất để người hâm mộ bỏ tiền mua vé xem trận đấu, về cơ bản, là cầu thủ phải bán thân xác của mình", New York Times kết luận.
Không thể đổ lỗi cho văn hóa thể thao
Nếu người ngoài hành tinh đổ bộ xuống Trái Đất, họ sẽ được tha thứ vì không thể phân biệt váy của vận động viên nữ trong môn quần vợt, khúc côn cầu trên cỏ, bóng quần và bóng vợt. Tương tự như vậy, chẳng có nghĩa lý gì khi nam giới và nữ giới mặc quần áo hoàn toàn khác nhau ở môn điền kinh, trong khi ở các môn thể thao như chèo thuyền, bóng rổ và bóng mềm, họ mặc gần giống nhau.
Nhiều người đổ lỗi trang phục như vậy thuộc về văn hóa của môn thể thao đó. Văn hóa, nếu hiểu theo nghĩa này, sẽ đồng nghĩa với truyền thống và di sản.
Tuy nhiên, trước khi được đính hàng nghìn viên pha lê, bộ trang phục thể dục dụng cụ chỉ làm đúng chức năng của nó và không trang trí thêm gì cả. Chiều dài quần đùi bóng rổ cũng tăng và giảm theo thời gian.
Vận động viên Sarah Voss của đội thể dục dụng cụ Đức tranh tài ở Olympic Tokyo. Ảnh: SBS News. |
“Văn hóa có thể được sử dụng như một lý do và một cái cớ, nhưng nó không khiến mọi chuyện trở nên đúng đắn”, Cassidy Krug - thành viên của đội lặn của Mỹ tại Olympic 2012 - cho biết.
Nền văn hóa của thể thao cũng cho thấy quyền lực tập trung trong tay cơ quan quản lý theo phong cách thiết quyền - chính sách xử lý tình huống một cách rất nghiêm khắc và tàn nhẫn.
Trong nhiều năm, tiếng nói của các vận động viên đã không được lắng nghe. Vấn đề lạm dụng tình dục xảy ra ở nhiều bộ môn và cuộc tranh luận xung quanh vấn đề trang phục trở nên gay gắt hơn.
Mạng xã hội đã cho phép các vận động viên tạo ra quyền lực cho riêng mình. Sân chơi đã thay đổi, cho phép họ lên tiếng theo cách trước đây họ chưa từng.
Ai có quyền quyết định?
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép Ủy ban Olympic mỗi quốc gia tự ra quy tắc về trang phục cho phái đoàn thể thao của họ, với lưu ý “không được gây phản cảm”. New York Times cho rằng ranh giới giữa “phản cảm” và “phù hợp” thường mang tính chủ quan cao.
Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế đã thay đổi các quy tắc vào năm 2012, cho phép vận động viên nữ mặc quần đùi và áo có tay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn mặc bikini để tránh cảm giác khó chịu khi bị cát dính vào quần áo, theo Jennifer Kessy - vận động viên bóng chuyền bãi biển chuyên nghiệp người Mỹ - nói với chương trình Today.
Kessy cũng cho biết cầu thủ gọi bộ đồng phục của họ là “trang phục thi đấu”, chứ không phải là “bộ bikini” - công chúng đừng nghĩ đó là sự khiêu khích bởi đây là màn thi đấu của các vận động viên.
Cả đội bóng chuyền bãi biển nữ của Mỹ (trái) và Trung Quốc (phải) đều chọn bikini trong trận đấu sơ loại Olympic. Ảnh: New York Times. |
Vận động viên mặc thế vì chính bản thân họ và vì là một phần của tập thể, chứ không phải vì người xem. Vận động viên không muốn bộ quần áo làm phân tán trận đấu. Đó là sự cân bằng của một cá nhân đại diện cho bản thân họ, đại diện cho cả một đội. Và tại Olympic, đó là đại diện cho cả một quốc gia.
“Qua nhiều nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nếu vận động viên cảm thấy thoải mái khi mặc bộ trang phục đó, họ sẽ thi đấu tốt hơn”, Catherine Sabiston - giáo sư tâm lý học thể thao và tập thể dục tại Đại học Toronto - cho biết.
Và chỉ có vận động viên mới là người xác định được trang phục nào khiến họ cảm thấy dễ chịu. Có thể đó là quần đùi, có thể là quần bơi lửng bó chặt, có thể đó là bộ đồ áo liền quần.
Hoặc thậm chí đó có thể là bộ đồ bikini.