Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Olympic vẫn là nơi đầy rẫy bất bình đẳng nam - nữ

Thành tựu về bình đẳng giới tại Olympic Tokyo 2020 không thể nào xóa nhòa những phát ngôn không đúng mực và lỗ hổng trong cách vận hành của IOC liên quan đến các nữ vận động viên.

binh dang gioi tai Olympic anh 1

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập cách đây 125 năm, Thế vận hội Olympic đã gần chạm đến ngưỡng bình đẳng giới về mặt số lượng, theo New York Times.

Theo số liệu từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), trong số khoảng 11.000 vận động viên đến Olympic Tokyo 2020, gần 49% là nữ giới - tăng từ con số 45,6% tại Olympic Rio de Janeiro 2016 và 44,2% tại Olympic London 2012. (IOC không có dữ liệu về số lượng vận động viên phi nhị giới tại các Thế vận hội này).

Tuy nhiên, thành tích ấn tượng này lại bị lu mờ bởi hàng loạt các sai lầm trong phát ngôn của quan chức cấp cao IOC, cùng với lỗ hổng chưa thể lấp đầy trong cấu trúc và cách vận hành của tổ chức này để đạt được bình đẳng giới thực sự.

Nhiều cử chỉ tượng trưng cho sự bình đẳng

Người sáng lập IOC, Nam tước Pierre de Coubertin, đã cấm phụ nữ thi đấu trong Thế vận hội đầu tiên vào năm 1896.

Mãi đến năm 1900, 22 người phụ nữ được chào đón tham gia thi đấu 5 môn thể thao dành cho nữ - trong đó có môn croquet (bóng cửa). 975 người đàn ông khác thi đấu ở tất cả môn, từ điền kinh đến chèo thuyền.

binh dang gioi tai Olympic anh 2

Trận chung kết bộ môn chạy 100 m của nữ tại Olympic năm 1928. Ảnh: Olympic.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia thi đấu không quá 10% cho đến năm 1952. Phụ nữ không được phép thi đấu ở mọi môn thể thao cho đến năm 2012.

Phải đến tận năm 2014, chương trình của IOC mới bao gồm kế hoạch “đạt 50% nữ giới tham gia Olympic”.

Lần đầu tiên, IOC khuyến khích mỗi quốc gia tham dự cử một người nam và một người nữ cầm cờ trong lễ khai mạc. Đối với một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc và Mông Cổ, điều đó có nghĩa lần đầu tiên nữ giới là người cầm cờ.

Trước lễ khai mạc diễn ra vào ngày 23/7, Mỹ, Australia, Vương quốc Anh, Canada và Trung Quốc đã công bố đội hình vận động viên có nữ nhiều hơn nam.

Đây là Thế vận hội mùa hè đầu tiên mà Anh có nhiều vận động viên nữ (201) hơn số vận động viên nam (175).

Một số môn thể thao mới cũng ra mắt trong Olympic 2020: bóng chày, bóng mềm, karate, trượt ván, thể thao leo núi và lướt sóng. Tất cả đều có cuộc thi dành cho nam và nữ, đưa nhiều tài năng thể thao mới đến Thế vận hội.

18 môn phối hợp nam và nữ cũng được tổ chức, bao gồm cả môn thể thao nổi tiếng như chạy hay bơi lội tiếp sức, ba môn phối hợp, bóng bàn, judo, bắn cung và bắn súng.

Sai phạm làm lu mờ thành tích

Tuy nhiên, một số môn thi vẫn không cho phép phụ nữ tham gia, ví dụ như mười môn điền kinh phối hợp.

Vận động viên đạt kỷ lục thế giới 10 môn phối hợp của nữ Jordan Grey đang dẫn đầu một chiến dịch nhằm thúc đẩy sự thay đổi vào Olympic 2024. Bộ môn điền kinh 50 km đi bộ cũng chỉ là sân đấu của phái nam.

Ngay cả khi gần đạt được thành tích trên sân đấu, tỷ lệ nam giới tại IOC vẫn áp đảo phía sau cánh gà. Phụ nữ chỉ chiếm 33,3% trong ban điều hành, trong khi chỉ có 37,5% thành viên của ủy ban là nữ.

Những tháng gần đây, IOC đã phải vật lộn giải quyết một loạt các sai phạm liên quan đến giới tính. Ngày 21/7 vừa qua, Phó chủ tịch IOC ông John Coates đã có một cuộc trao đổi đầy căng thẳng với Thủ hiến bang Queensland của Australia, bà Annastacia Palaszczuk.

Ông gần như “ra lệnh” cho bà phải tham dự buổi lễ khai mạc, dù bà Palaszczuk không đồng ý.

“Bà sẽ phải tham dự lễ khai mạc”, ông Coates khoanh tay, nói một cách nghiêm nghị.

binh dang gioi tai Olympic anh 3

Cuộc trao đổi căng thẳng giữa Phó chủ tịch IOC John Coates với Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk (áo hồng) khiến dư luận phẫn nộ. Ảnh: AFP.

Trước đó, Chủ tịch ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã bị thay đổi sau khi ông công khai cho rằng phụ nữ nói quá nhiều trong các cuộc họp.

Vào tháng 3, giám đốc sáng tạo của buổi lễ khai mạc đã từ chức sau khi người ta phát hiện ông đã có những nhận xét xúc phạm ngoại hình của Naomi Watanabe, nhà thiết kế thời trang ngoại cỡ.

Trong khi ủy ban lên tiếng ca ngợi sáng kiến ​​thúc đẩy bình đẳng giới, các vận động viên Olympic đã phàn nàn rằng hạn chế phòng dịch liên quan đến Covid-19 ở Tokyo đã cấm họ mang con đến Thế vận hội - một thách thức đối với những người đang nuôi con nhỏ.

Cuốn tháng 6, IOC đã đảo ngược quyết định, cho phép các bà mẹ có con bú mang theo con của họ.

Tuy nhiên, một số vận động viên, bao gồm cả vận động viên bơi lội người Tây Ban Nha Ona Carbonell, cho biết những quy định phòng dịch về chỗ ở vẫn không thực tế bởi đứa trẻ sẽ phải ở ngoài làng Olympic và chịu kiểm dịch nghiêm ngặt.

Không chỉ là câu chuyện ở Olympic

Nhiều quốc gia ghi nhận những bước tiến đột phá trong việc thay đổi chính sách, tăng cường tài trợ và quảng bá vận động viên nữ trên các phương tiện truyền thông chính thống.

Tuy nhiên, với một vài quốc gia khác, sự bình đẳng vẫn còn xa vời: Vận động viên nam nhận được nhiều nguồn tài trợ, độ phủ sóng tin tức, thời lượng lên sóng truyền hình, vị trí thuận lợi trong các cuộc đua, trận đấu và cơ hội nghề nghiệp lớn hơn so đồng nghiệp nữ, theo New York Times.

“Khi mọi người có các chính sách và nguồn lực thể thao dành riêng trẻ em gái và phụ nữ, họ sẽ thu được số lượng và thành tích cao tương đương”, Nicole M. LaVoi - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về trẻ em gái và phụ nữ trong lĩnh vực Thể thao tại Đại học Minnesota, Mỹ - cho biết. “Tuy nhiên, rõ ràng nhiều quốc gia nhận thấy đây là điều không dễ dàng gì”.

binh dang gioi tai Olympic anh 4

Kang Chae-young, thành viên của đội bắn cung quốc gia Hàn Quốc, tập luyện tại quê nhà vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: New York Times.

“Vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa cơ hội của nam giới với cơ hội của nữ giới trong thể thao”, tiến sĩ Heather Dichter - phó giáo sư về lịch sử thể thao tại Đại học De ​​Montfort, ở Leicester, Anh - cho biết. "Cho đến gần đây, nhận tài trợ vẫn được gắn liền với thành công”.

Bà cho rằng vấn đề tài trợ cho vận động viên giống như câu chuyện con gà và quả trứng. Một số quốc gia tài trợ cho vận động viên của họ dựa trên thành tích trước đó, khiến vận động viên phải tự thành công trước khi nhận được tài trợ.

"Rất nhiều quốc gia mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn này: Liệu họ nên tài trợ cho các vận động viên ưu tú, có thành tích cao hay tài trợ cho các cơ sở thể thao đào tạo vận động viên?”, tiến sĩ Dichter nói.

Hỗ trợ vận động viên ưu tú có thể dẫn đến việc nhiều người thi đấu tại Olympic hơn, trong khi đổ tiền vào các cơ sở huấn luyện có thể gia tăng đội ngũ vận động viên tiềm năng.

Tất nhiên, rất hiếm có quốc gia nào tài trợ cho cả hai nguồn.

“Điểm mấu chốt ở đây là phụ nữ ở một số quốc gia - chủ yếu là người da trắng, đến từ các nước phương Tây - thực sự vượt trội hơn đồng đội nam, mặc dù thực tế là họ nhận được ít nguồn lực hơn, ít hỗ trợ hơn, ít hơn mọi thứ”, bà LaVoi nói.

“Mặc dù vậy, họ vẫn vượt trội so với những người đàn ông”, bà nói thêm, nhấn mạnh vào sức mạnh bền bỉ của các vận động viên nữ. "Điều đó thật tuyệt vời”.

Tổng thống Macron gặp thủ tướng Nhật Bản sau lễ khai mạc Olympic

Không chỉ ca ngợi Olympic Tokyo 2020, hai nhà lãnh đạo còn bàn luận về biến đổi khí hậu và hợp tác quốc phòng vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Chuyên gia NUS: Cần phạt mạnh tay người vi phạm cách ly tại nhà

Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói cần có biện pháp cứng rắn để răn đe hành vi vi phạm khi thực hiện cách ly F1 tại nhà.

Phương Linh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm