“Đợt giãn cách vừa rồi tôi thấy đàn mèo lũ lượt được mang đi, quán đóng cửa dán biển cho thuê nhà. Trong khi trước đây khách ra vào quán liên tục từ sáng đến tối”, người dân ở cạnh quán cà phê mèo Katholic (quận 4) cho biết.
Khác với dịch vụ trông giữ thú cưng được khách trả phí, những quán cà phê chó mèo thời gian qua còn phải chi thêm tiền để nuôi chúng trong khi doanh thu bằng 0.
Bên cạnh đó, các chủ quán và nhân viên vẫn sống cùng hàng chục con vật suốt mùa dịch mà không ngại nguy cơ lây nhiễm.
Bù lỗ giữ “nhà” cho thú nuôi
Katholic là một trong số các quán cà phê thú cưng ở TP.HCM không may phải ngừng kinh doanh sau nhiều tháng giãn cách. Còn ít quán đang cầm cự giữ lại đàn chó mèo chờ ngày được hoạt động trở lại.
Anh Hoài Nam (chủ cà phê mèo Catfe, quận 1) đã ở lại quán với 25 con mèo trong suốt thời gian siết chặt giãn cách xã hội.
“Tôi vẫn phải chi tiền mặt bằng, điện nước, thức ăn, cát vệ sinh cho chúng. Vì có nhiều con nên phải bật máy hút mùi, máy lạnh cả ngày là tốn nhất. Dù được giảm tiền thuê nhà nhưng không thấm vào đâu”, anh Nam chia sẻ với Zing.
Anh Quốc Huy (chủ quán Yuna Alaska Coffee, quận Bình Thạnh) thì không thể đến quán trong thời gian giãn cách, nên giữ hai nhân viên ở lại trông nom.
Quán anh Huy có nhiều chó lớn nên cần không gian rộng để nuôi, khó có thể mang về nhà hay vận chuyển đến nơi khác, chưa kể chi phí thức ăn cho chó tốn nhiều hơn.
“Trước đây mấy bé có thể tự nuôi nhau từ doanh thu mang lại cho quán, nay tôi phải tự bỏ tiền túi, duy trì từ tháng 5 đến giờ”, anh Huy nói. Trong giãn cách, thiếu người trông giữ, nhiều chó con, mèo con đã ra đời, vô tình tăng thêm “gánh nặng” cho chủ quán.
Đặc trưng của quán cà phê chó mèo là cho khách dùng món tại chỗ để tiếp xúc vui chơi cùng con vật. Chính vì thế, dù hàng quán được bán mang đi thì mô hình cà phê thú cưng cũng không mấy khả quan khi mở cửa.
Một phần bầy mèo của quán Catfe được tập trung lại một chỗ để chủ dọn dẹp xung quanh. Ảnh: NVCC. |
Áp lực lớn nhất của chủ quán Catfe là không biết mình có duy trì quán được nữa không nếu tình hình dịch còn căng thẳng. Nhiều chủ quán chọn cách dừng lại để tránh tổn thất tài chính.
Những chủ quán vì thương yêu chó mèo hơn mục đích kinh doanh như anh Nam, anh Huy sẽ cố cầm cự. Họ cũng bày tỏ sự thông cảm với những chủ quán cà phê thú cưng khác buộc phải bán hoặc cho bớt để giảm áp lực tài chính.
Từ đầu tháng 5 khi tình hình dịch phức tạp, các quán đã vắng khách cho đến khi phải đóng cửa theo lệnh giãn cách.
Phận chủ quán kiêm “con sen” thời giãn cách
Phương Thùy và một nhân viên khác được anh Quốc Huy tin tưởng giao phó chăm sóc 23 con chó và 20 con mèo tại quán Yuna Alaska Coffee.
Công việc mỗi ngày của Thùy là cho chó mèo ăn 2 bữa, thả chó 2 lần sáng chiều ra sân cho chúng đi vệ sinh, chạy nhảy, đồng thời phải phân chia con đực với cái tránh cho chúng tiếp xúc cắn nhau hoặc có thêm chó con; với mèo thì phải dọn vệ sinh chậu cát, chưa kể tắm rửa.
“Chăm đàn chó khá vất vả, do phải nấu ăn nhiều, chất thải nhiều, tắm rửa tốn đến 2-3 giờ mỗi con. Tuy nhiên đã yêu thương chúng thì mình không ngại”, Thùy nói.
Bầy chó được thả trên sân thượng (tầng thứ 4 của căn nhà, khách không được vào), cùng đàn mèo thả ở không gian tiếp khách của quán. Ảnh: Ý Linh. |
Không có nhân viên, anh Nam ở quán Catfe phải tự nấu ăn, gỡ xương, xay thịt, dọn cát, tắm rửa, chữa bệnh cho mèo.
“Mỗi ngày tôi mất khoảng 5-6 giờ để dọn dẹp và chăm sóc 25 con mèo. Tính ra vẫn phải làm việc nhưng không có thu nhập mà còn tốn thêm”, anh Nam hài hước nói.
Hiện anh Nam nhận thêm dịch vụ spa, tắm rửa, trông giữ để có thêm một chút doanh thu đỡ đần chi phí thức ăn cho bầy vật nuôi.
Mong khách yên tâm đến quán sau dịch
Chủ quán Catfe và Yuna Alaska Coffee đang tất bật làm đẹp lại cho bầy thú cưng và dọn dẹp quán, chờ ngày thành phố cho đón khách tại chỗ. Họ mong được mở cửa vào tháng 11.
Nói về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ thú nuôi, hai chủ quán cà phê trên cho biết không lo ngại. Song họ sợ khách hoặc người dân xung quanh còn hiểu sai và tiêu cực về vấn đề này.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM), một vật nuôi không thể nhiễm SARS-CoV-2 và lây bệnh cho người qua đường hô hấp tương tự giữa người với người. Chúng chỉ có thể trở thành vật chủ mang virus trên lông tương tự các đồ vật khác.
Bác sĩ đưa lời khuyên tránh tiếp xúc, ôm, hôn chó, mèo lạ ở bên ngoài do không thể biết liệu chúng có từng tiếp xúc F0.
“Khi hàng quán được phục vụ tại chỗ, chắc chắn đa số người dân đã tiêm vaccine đầy đủ hoặc là F0 miễn dịch với Covid-19. Đồng thời quán sẽ kiểm tra thẻ xanh của khách vào, do đó không quá lo chuyện lây nhiễm giữa người với vật”, anh Nam cho hay.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.