Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người dân TP.HCM nhớ tuổi thơ ở Thảo Cầm Viên

Sở thú 157 tuổi đã chào đón bao thế hệ người dân thành phố tham quan, vui chơi. Với bà Trang, Thảo Cầm Viên những năm 1970 là nơi chứa kỷ niệm đầy ắp tiếng cười của cả gia đình.

Thao Cam Vien Sai Gon anh 1

“Không biết tụi trẻ bây giờ thế nào, chứ chúng tôi những năm cuối thế kỷ trước vui gấp bội khi được cha mẹ dẫn đi Thảo Cầm Viên”, bà Lê Thị Thu Trang (55 tuổi, quận 4) hồi tưởng.

Thảo Cầm Viên là điểm du lịch nổi tiếng TP.HCM từ năm 1869 đến nay. Nhắc đến nơi này, người dân có tuổi thơ ở thành phố sẽ nhớ lại ít nhất một lần từng được đến sở thú chơi.

Điểm vui chơi của các gia đình

Từ những năm 1970, Thảo Cầm Viên là nơi dã ngoại quen thuộc của gia đình bà Trang. Gia đình bà ở quận 4, cách sở thú khoảng 4,5 km.

“Thành phố bấy giờ chẳng có công viên nước hay công viên giải trí. Do đó, sở thú là điểm vui chơi ‘số một’ trong lòng những đứa trẻ, trong lòng chị em tôi”, bà Trang chia sẻ.

Nhiều dịp cuối tuần, cứ thấy cha mua bánh mì, thịt nguội, nước ngọt, là chị em bà Trang lại mừng rỡ vì biết sắp được đi dã ngoại Thảo Cầm Viên.

“8 chị em rồng rắn theo cha vào chọn gốc cây mát, trải tấm nhựa dưới đất rồi cả nhà ngồi quây quần ăn uống cho đã. Ai mệt thì ngồi lại, ai khỏe thì đi vòng vòng coi thú. Xung quanh còn có nhiều gia đình khác”, bà Trang nhớ lại.

Nhà đông con, chị em bà Thu Trang đến Thảo Cầm Viên thường thích ngồi chung trên chiếc xe ba gác “mui trần”, chứ không tách lẻ đi xích lô như nhà khác. Lúc đó bà Trang khoảng 10-13 tuổi, là thời gian gia đình bà đi chơi đủ đầy và vui vẻ nhất.

Những năm ấy, bà kể rằng Thảo Cầm Viên cũng là nơi nhiều đôi nam thanh nữ tú hẹn hò, là nơi tụ họp bạn bè, chứ không chỉ có mỗi trẻ con xem thú.

"Khi có con, chúng cũng được tôi dẫn đến Thảo Cầm Viên chơi. Tụi nhỏ bây giờ đã tầm 30 tuổi, rồi sau này vẫn sẽ đưa cháu chắt của tôi đến đây thôi. Kỷ niệm từ thời ông cha ở thành phố này mà", bà Trang hạnh phúc nói.

Khung trời tuổi thơ của thế hệ 9X

Thao Cam Vien Sai Gon anh 6

Những năm 2000, Thảo Cầm Viên cho khách tham quan chụp hình cùng đười ươi, nay không còn. Ảnh: Cao Trí.

Nguyễn Phúc Cao Trí (quận Bình Thạnh) sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Sở thú trăm tuổi cũng là điểm đến đầy kỷ niệm với anh.

“Thời mình bé ở thành phố chỉ có vài công viên giải trí. Trong đó, Đầm Sen và Suối Tiên ở xa nhà, Đại Thế Giới là công viên nước nên ba má sợ nguy hiểm không dám cho đi, nên chỉ được đi Thảo Cầm Viên là chủ yếu”, Trí nói.

Cậu bé Trí thế hệ 9X đời đầu thích nhất là được cho voi ăn mía, đi qua cầu ngắm cá sấu và xem con công xòe chiếc đuôi rực rỡ. Sau này, chàng sinh viên trường Nhân Văn (Đại học KHXH&NV) thường rủ đám bạn qua đó hóng mát.

“Trường ngay gần Thảo Cầm Viên, chúng mình đi bộ sang. Giá vé rẻ nên tụi mình vô ngồi chơi, ngồi học trong đó cả ngày, chẳng cần đi xa dã ngoại”, anh cho biết.

Không chỉ được cha mẹ đưa đi chơi hồi bé, khi học lên cấp 2, Dương Kim Long (hiện 28 tuổi) vẫn chọn Thảo Cầm Viên là nơi đi chơi cùng đám bạn. Trường anh nằm đối diện Thảo Cầm Viên, suốt 4 năm học ở đây anh có dấu ấn đặc biệt với vườn bách thảo này.

“Mỗi ngày mình đều thấy nhiều con chim bay từ sở thú sang, đậu trên mái và sân trường hót lảnh lót, thậm chí kêu cả ngày ảnh hưởng đến việc học. Những dịp dã ngoại do trường tổ chức, cũng chỉ vài bước chân sang Thảo Cầm Viên, nên mình nhớ rõ nơi này lắm”, Long kể.

Long thích được nằm trên bãi cỏ, nhìn lên những tán cây cao vút, ngắm nhìn con thú chậm rãi nhai lá. Anh buồn vì đã đi Thảo Cầm Viên bao lần nhưng chưa có cơ hội cho voi ăn được lần nào, vì voi toàn bỏ đi.

Nói đến ấn tượng mạnh nhất, có lẽ là lần Kim Long chứng kiến con hổ tức giận chồm về phía anh. Do bạn anh thử xem phản ứng của hổ, đã làm động tác khiêu khích con vật.

“May mà chuồng hổ lúc đó là tấm kính cường lực, chứ mình không biết sự sợ hãi lúc đó và hậu quả xảy ra là gì. Âu cũng là bài học nhớ đời cho đám choai choai chúng mình”, anh nói.

Chăm sóc các loài thú cả trong dịch bệnh

Chàng trai Cao Trí cho biết một trong những sự kiện “rầm rộ” vào thời điểm năm 2003-2004 là dịch cúm HN51 bùng phát, người ta thiêu hủy gia cầm khắp nơi và có nhiều nỗi lo ngại từ bầy chim ở Thảo Cầm Viên.

Có người vì sợ hãi mà một thời gian lâu sau vẫn không dám đến nơi này, nhiều người còn đòi sở thú đóng cửa để tránh gây hại cho người dân.

“Lúc đó mình lo lắng, buồn phát khóc, vì nơi ấy quen thuộc với mình, vả lại mình cũng thương tụi chim cò trong đó”, Trí bồi hồi.

Lớn lên, khi được đến nhiều vườn thú, khu bảo tồn ở các quốc gia, Cao Trí có lúc dao động suy nghĩ, không thích Thảo Cầm Viên nữa. Anh từng cho rằng không gian đó không phải bảo tồn giống như nước ngoài, mà đơn thuần là vườn thú phục vụ du lịch, kinh doanh trên con vật.

Trí quyết định tìm hiểu thêm về sở thú và đã thay đổi định kiến. Anh biết được nhiều con thú trong đây đa phần là quà ngoại giao, là động vật bị săn bắt trộm và nhiều cá thể không còn bản năng sống ở tự nhiên, đều được Thảo Cầm Viên chăm sóc.

Tháng 8/2020, là một dịp gây nhiều xúc cảm với người dân và cả anh Cao Trí, anh Kim Long hay bà Thu Trang. Ế ẩm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, Thảo Cầm Viên lên tiếng "kêu cứu" xin hỗ trợ kinh phí chăm sóc động vật. Cùng thời điểm này năm nay, sở thú lại một lần nữa nhờ đến đóng góp của người dân.

"Mấy đứa đi Thảo Cầm Viên, vừa có chỗ vui chơi ngoài cà phê cà pháo, lại vừa mua vé ủng hộ người ta chăm mấy con thú. Ở trỏng có mấy con voi từ thời má đó", bà Trang nói với con mình.

Hiện, Thảo Cầm Viên chăm sóc hơn 1.300 động vật thuộc 125 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm và khoảng hơn 2.500 cây xanh.

Sở thú được người Pháp xây dựng từ năm 1864 và mở cửa đón khách 5 năm sau đó. Đến nay, Thảo Cầm Viên là một trong 8 vườn thú lâu đời nhất thế giới.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Saigon Talk: 'Alo mi ơi, bữa ni răng rồi?'

Những lời hỏi thăm từ bạn cũ, cây hy vọng của đội tình nguyện viên, thành phố náo nhiệt trở lại là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.

Người nước ngoài ở TP.HCM nhớ Trung thu quê nhà

Trung thu ở Hàn Quốc như Tết của người Việt. Với anh Kim Hyung-il, đó là một dịp hiếm hoi đại gia đình tụ họp, nhưng năm nay thì không được như vậy.

Ký ức Trung thu trong lòng người TP.HCM

Góc phố “Sám Tố” rực rỡ đèn lồng, một góc phần tư chiếc bánh Trung thu là những kỷ niệm mà nhiều người chỉ có thể hồi tưởng trong những ngày giãn cách xã hội năm nay.

Ý Linh

Bạn có thể quan tâm