Qatar - đất nước sa mạc nhỏ bé không khao khát gì hơn là được thế giới biết đến và ghi danh trên trường quốc tế khi tuyên bố đăng cai World Cup vào năm 2009.
Quyết định này khởi đầu những nỗ lực không tưởng hướng đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, tiêu tốn nhiều chi phí hơn bất kỳ giải đấu nào khác trong lịch sử về cả tiền bạc, thời gian và con người.
Đến đêm 18/12, khi pháo hoa lấp lánh trên bầu trời Lusail, khi các cổ động viên Argentina cất tiếng hát và ngôi sao của họ - Lionel Messi - rạng rỡ bước lên bục nhận chiếc cúp vàng danh giá mà anh chờ đợi suốt 18 năm sự nghiệp, mọi người đều biết đến Qatar.
Như để khắc ghi dấu ấn cuối cùng của đất nước trong kỳ World Cup đầu tiên ở Trung Đông, Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đã đón Messi và khoác lên vai anh chiếc áo choàng màu vàng đen được gọi là Bisht - loại trang phục truyền thống thường được sử dụng trong các dịp đặc biệt ở vùng Vịnh.
Do đó, thay vì nâng cao chiếc cúp vô địch trong màu áo sọc trắng xanh quen thuộc của tuyển Argentina, Messi đã khoác lên mình chiếc áo truyền thống của Qatar.
Lễ bế mạc kết thúc một thập kỷ đầy biến động cho một giải đấu bị phủ bóng bởi một số tranh cãi liên quan tới World Cup trị giá 200 tỷ USD của Qatar.
Hấp dẫn và rắc rối
Trong một tháng, Qatar đã trở thành trung tâm của thế giới, tạo nên một kỳ tích mà không nước láng giềng nào trong thế giới Arab có thể đạt được - thành quả mà người hâm mộ khó có thể tưởng tượng khi cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter thông báo trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar vào ngày 2/12/2010.
Khi đó, Qatar được cho là không phù hợp với một giải đấu quy mô lớn như World Cup vì thiếu sân vận động, cơ sở hạ tầng và lịch sử. Song quốc gia này đã tận dụng lợi thế tài chính của họ.
Tiểu vương Qatar khoác áo choàng truyền thống cho Messi. Ảnh: Reuters. |
Qatar đã bắt tay vào xây dựng hàng loạt công trình để phục vụ cho giải đấu bóng đá kéo dài một tháng. Hàng tỷ USD đổ vào 7 sân vận động mới, cùng các dự án cơ sở hạ tầng khác. Vượt ngoài biên giới, Qatar còn mua lại các CLB trị giá hàng tỷ USD, đồng thời thuê các ngôi sao thể thao và người nổi tiếng để ủng hộ con đường đăng cai.
Và những điều đó đã được phô diễn vào đêm 18/12, khi trận chung kết diễn ra ở sân vận động Lusail trị giá một tỷ USD.
Trận đấu được chiếu khắp Trung Đông trên kênh beIN Sports - đài truyền hình thể thao khổng lồ được thành lập sau khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup.
Quốc gia này cũng sở hữu hai cầu thủ giỏi nhất trên sân, Messi của Argentina và ngôi sao người Pháp Kylian Mbappé. Cả hai đều đang ký hợp đồng với câu lạc bộ Paris St.Germain thuộc sở hữu của Qatar.
Mbappé, người đã ghi hat-trick đầu tiên trong một trận chung kết sau hơn nửa thế kỷ, đã kết thúc trận đấu khi ngồi trên cỏ và được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - vị khách quý của tiểu vương Qatar - an ủi.
Giải đấu đã mang đến những câu truyện hấp dẫn và đôi khi cả rắc rối, chẳng hạn với lễ khai mạc mang đậm tính chính trị tại sân vận động Al Bayt.
Khi đó, tiểu vương Qatar đã ngồi cạnh Thái tử Saudi Arabida Mohammed bin Salman, chưa đầy ba năm sau khi thái tử dẫn đầu một cuộc tẩy chay Qatar. Song trong một tháng, nhiều thỏa thuận và liên minh trong khu vực đã được thiết lập.
Cũng có những thách thức khác, chẳng hạn lệnh cấm bán đồ uống có cồn trong khuôn viên sân vận động chỉ hai ngày trước trận đấu đầu tiên - quyết định phút chót khiến Budweiser, nhà tài trợ lâu năm của tổ chức bóng đá thế giới, rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Vào ngày thứ hai của giải đấu, FIFA cũng dập tắt chiến dịch đeo băng đội trưởng của một số quốc gia châu Âu, nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT. Sau đó, Qatar cũng từ chối nỗ lực ủng hộ biểu tình của người hâm mộ Iran.
Vấn đề còn bỏ ngỏ
Song trên sân, các cầu thủ vẫn cho thấy màn trình diễn đẹp mắt. Có những bàn thắng và trận đấu tuyệt vời, những pha đảo lộn ngoạn mục và vô số pha ghi bàn đầy bất ngờ tạo nên những người hùng mới. Đáng chú ý nhất là trong thế giới Arab.
Người lao động nhập cư xem trận đấu giữa Qatar và Ecuador hôm 20/11 tại Doha. Ảnh: Reuters. |
Đầu tiên là Saudi Arabia - đội hiện có thể tuyên bố đánh bại nhà vô địch World Cup ở vòng bảng.
Sau đó là Morocco - quốc gia châu Phi đầu tiên tiến vào bán kết, với chuỗi chiến thắng khó tin trước các đối thủ nặng ký từ châu Âu như Bỉ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo. Những kết quả đó đã khơi dậy niềm vui trên khắp thế giới Arab và một số thủ đô lớn ở châu Âu.
Cây bút John Feinstein của Washington Post cho rằng sau đêm chung kết, “mọi người sẽ không ngừng nói về sự xuất sắc của những cầu thủ đã xuất hiện trong suốt kỳ World Cup này”.
“Họ đúng nhưng họ cũng bỏ lỡ nhiều vấn đề”, ông viết.
Trong một số trận đấu tại Qatar, khi tiếng còi khai cuộc vang lên, trên khán đài vẫn còn những dãy ghế trống. Khu vực này sau đó nhanh chóng được lấp đầy khi nhà tổ chức mở cửa miễn phí cho khán giả - chủ yếu là người nhập cư từ Nam Á.
Họ phần lớn đến từ Ấn Độ, Bangladesh và Nepal, để tham quá trình xây dựng World Cup 2022. Những lao động này cũng là tình nguyện viên tại các sân vận động, phục vụ thức ăn và điều phối ga tàu điện ngầm, đánh bóng sàn nhà, tay vịn và tay nắm cửa ở nhiều khách sạn hay khu chung cư mới xây.
Chính phủ Qatar cho biết họ đã ban hành cải cách lao động, nâng mức lương tối thiểu hàng tháng lên 275 USD, Reuters đưa tin.
Đến cuối giải đấu, hầu hết nhóm lao động nhập cư này đã rời đi, chỉ còn lại những người Argentina đến cổ vũ trận chung kết. Trong trang phục sọc xanh trắng, đám đông người hâm mộ Argentina tập trung tại sân vận động Lusail vào tối 18/12, tạo nên bầu không khí World Cup đích thực.
New York Times nhận định Argentina đã có được chính xác những gì họ muốn ở World Cup. Và Qatar cũng vậy.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...