Khi giới chức y tế toàn cầu vật lộn trong cuộc chiến với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, với thiếu hụt trầm trọng cả về nhân lực lẫn trang thiết bị, các cường quốc đã nhanh chóng tham gia vào cuộc chạy đua cứu trợ, từ quốc gia tuyên bố đã chiến thắng đại dịch là Trung Quốc, hay những nước mà dịch bệnh đang trên đà lan rộng như Mỹ và Liên minh châu Âu EU.
Các bước đi của Bắc Kinh, mà truyền thông nước này miêu tả là "giải pháp của Trung Quốc để chống lại đại dịch", đã nhận được những phản ứng trái ngược.
Giới chuyên gia nhận định chiến lược "ngoại giao khẩu trang" mà Bắc Kinh đang tiến hành sẽ khó có thể gây được thiện cảm với những người chỉ trích tại các nước phương Tây, theo South China Morning Post.
Chạy đua viện trợ
Hai tuần trước đây, khi Italy nổi lên trở thành tâm điểm dịch bệnh toàn cầu, Bắc Kinh đã gửi nhóm chuyên gia y tế và hàng tấn thiết bị y tế hỗ trợ tới quốc gia bên bờ Địa Trung Hải. Khi đó, Trung Quốc đã vượt qua đỉnh điểm dịch bệnh sau hai tháng áp dụng các biện pháp phong tỏa mạnh tay.
Các quốc gia khác cũng tham gia vào nỗ lực hỗ trợ Italy cũng như các quốc gia khác chống lại cuộc khủng hoảng y tế được đánh giá là tồi tệ nhất trong 100 năm qua.
Các bệnh viện tại Đức tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ Italy và Pháp, hai quốc gia mà hệ thống y tế đã quá tải.
Trung Quốc đã gửi nhiều thiết bị y tế tới Italy. Ảnh: Xinhua. |
Trong khi đó, quân đội Mỹ đồn trú ở châu Âu cho biết đã cung cấp trang thiết bị y tế, gồm giường bệnh, chăn đệm và giá treo bình truyền dịch tới vùng Lombardy, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Italy.
Ngoại trưởng Mike Pompeo trước đó cũng thông báo khoản viện trợ thiết bị y tế trị giá 100 triệu USD cho nhiều quốc gia.
Hôm 26/3, Hội đồng châu Âu cho biết khối EU sẽ phân bổ 41,7 triệu USD cho khu vực y tế cùng 416 triệu USD hỗ trợ các nước Balkan hồi phục kinh tế xã hội, nhằm tái khẳng định cam kết đoàn kết với khu vực này trong cuộc chiến chống Covid-19.
"Ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc
Trên toàn cầu, hơn 3 tỷ người đang sống dưới các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Tới thời điểm hiện tại, hơn 590.000 người đã dương tính với Covid-19, trong đó hơn 27.000 bệnh nhân đã tử vong.
Sau khi tuyên bố ngăn chặn thành công đại dịch với hơn 80.000 người nhiễm bệnh và 3.200 ca tử vong, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch cung cấp hỗ trợ cho các nước châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, nhưng Bắc Kinh miêu tả đây là chiến dịch hỗ trợ lớn nhất kể từ 1949.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui hôm 26/3 tuyên bố Bắc Kinh đã cung cấp cứu trợ khẩn cấp, trong đó có khẩu trang và các bộ xét nghiệm, tới 83 quốc gia xuất phát từ "sự cảm thông và thiện chí cung cấp những gì các quốc gia cần" của Trung Quốc.
Ông Luo cũng cho biết Trung Quốc muốn chia sẻ kinh nghiệm chiến thắng đại dịch Covid-19 với toàn thế giới.
Tuy nhiên, những bước đi của Trung Quốc đã tạo ra sự lo ngại tại phương Tây. Các ý kiến chỉ trích cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách kéo sự tập trung ra khỏi nội địa nước này, cho rằng Trung Quốc che giấu thông tin khi dịch bệnh mới bùng phát.
Một số chuyên gia nhận định việc Trung Quốc không minh bạch cung cấp sớm thông tin đã gây hại tới các nỗ lực toàn cầu đối phó với dịch bệnh.
Đoàn chuyên gia y tế Trung Quốc có mặt tại Italy. Ảnh: AP. |
Marcin Przychodniak, nhà phân tích từ Viện Quan hệ quốc tế Ba Lan, cho biết các quốc gia nhận được hàng hóa viện trợ, cụ thể tại Trung và Đông Âu, sẽ trân trọng thiện chí của Bắc Kinh, tuy nhiên vẫn tồn tại động cơ kinh tế và chính trị phía sau những hỗ trợ này.
Ông Przychodniak cho biết các chính phủ phải "cộng tác trực tiếp với nhà chức trách Trung Quốc để có thể đặt hàng thiết bị y tế".
"Có thể tồn tại những ràng buộc kèm theo, ví dụ buộc các đối tác châu Âu thừa nhận thông điệp "người lãnh đạo sáng suốt" và "hệ thống chính trị thành công" đã giúp Trung Quốc vượt qua khủng hoảng", ông Przychodniak nói.
Hôm 23/3, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell đã lên tiếng cảnh báo chiến dịch áp đặt quyền lực mềm của Bắc Kinh thông qua các gói cứu trợ.
Ông Borrell cho biết châu Âu "phải nhận thức được yếu tố địa chính trị bao gồm áp đặt ảnh hưởng" phía sau bước đi của Trung Quốc.
Khó cải thiện hình ảnh
Miwa Hirono, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản cho biết chính sách "ngoại giao khẩu trang" được liên kết với giả thuyết "Trung Quốc tìm cách giành quyền lãnh đạo thế giới thông qua cải thiện hình ảnh và củng cố quyền lực mềm bằng cách cung cấp khẩu trang".
Tuy nhiên, ông Hirono cho rằng cách giải thích này không phản ánh toàn diện động cơ của Bắc Kinh.
"Nhiều quốc gia khác cũng đã cung cấp viện trợ. Tất cả đều tìm cách cải thiện hình ảnh, không chỉ Trung Quốc. Dù những lo ngại này có hợp lý thế nào, việc gắn mọi điều Trung Quốc làm với tham vọng lãnh đạo thế giới mà không xem xét tới bối cảnh và lịch sử hỗ trợ nhân đạo sẽ khiến chúng ta quên mất bản chất các hành động của Trung Quốc", ông Hinoro nói.
Các quốc gia khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bất chấp căng thẳng với phương Tây, Nga đã điều động 14 máy bay quân sự gửi chuyên gia và thiết bị y tế tới hỗ trợ Italy chống đại dịch. Đại sứ Nga tại Washington cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong thời gian khủng hoảng này.
Hàng viện trợ y tế của Trung Quốc được vận chuyển đến Áo. Ảnh: News AT. |
Cuba, đảo quốc hàng chục năm nằm dưới lệnh cấm vận của Mỹ, đã gửi đoàn chuyên gia y tế tới Italy. Cuba cũng có bước đi tương tự tới các quốc gia Trung và Nam Mỹ như Venezuela, Nicaragua, Suriname, Jamaica và Grenada.
Tại châu Á, Hàn Quốc đã hỗ trợ 15.000 bộ xét nghiệm cho Philippines, đồng thời viện trợ Việt Nam 500.000 USD để chống đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Đài Loan cho biết sẽ gửi 100.000 khẩu trang y tế tới Mỹ mỗi tuần. Chính quyền Đài Loan cho biết cam kết viện trợ Paraguay 1 triệu khẩu trang y tế, sau khi Bắc Kinh đưa ra đề nghị tương tự.
"Trong ngắn hạn, các nước nhận khẩu trang và thiết bị y tế sẽ biết ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc. Nhưng trong dài hạn, thật khó để tưởng tượng những nước vốn có quan ngại về ứng xử quốc tế của Bắc Kinh, như vấn đề nhân quyền, bẫy nợ, cùng nhiều vấn đề khác, sẽ đột nhiên quên đi mọi vấn đề trước kia và cắn câu vào bẫy quyền lực mềm của Bắc Kinh, chỉ bởi vì họ nhận được vài chiếc khẩu trang", ông Hinoro nói.