Siddhart Sehgal và các thành viên trong gia đình nhận được tin nhắn với nội dung kỳ lạ: "virus corona đang yếu đi tại Ấn Độ nhờ vào sóng âm thanh cấp độ vũ trụ", theo AP.
Tin nhắn cùng lúc đó lan truyền trên khắp đất nước 1,3 tỷ dân, khẳng định rằng tiếng vỗ tay của các nhân viên y tế, do Thủ tướng Narendra Modi sắp xếp, đã tạo ra sóng âm đẩy lùi virus corona, và một vệ tinh sinh học đã xác nhận điều này.
Không lâu sau đó, gia đình của Sehgal nhận được tin nhắn khác, tán dương Thủ tướng Modi làm vị cứu tinh của Ấn Độ, khi đã giúp đẩy lùi Covid-19.
Dĩ nhiên, không có tin nhắn nào trong số đó là sự thật, hay ít nhất là chưa thành sự thật.
Chính phủ bất lực trước tin giả
Khi Ấn Độ và các quốc gia Nam Á đang vật lộn trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của virus corona, chính quyền các nước lại lâm vào một cuộc chiến khác, đó là sự phát tán của thông tin sai sự thật.
Trong bối cảnh đại dịch lan rộng và reo rắc nỗi sự hãi tới hang cùng ngõ hẻm của các quốc gia, các trang mạng xã hội bỗng chốc đầy rẫy những phương thuốc chữa trị thiếu cơ sở khoa học, những câu chuyện về phương pháp chữa bệnh thần kỳ, hay thậm chí những lời khuyên y tế mà thực ra cực kỳ có hại cho sức khỏe.
Các chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo "tin giả về virus corona" có thể gây ra những hậu quả thảm khốc, đồng thời khuyến cáo người dân hết sức chọn lọc thông tin.
Tin giả tràn lan trên các ứng dụng nhắn tin tại Ấn Độ. Ảnh: AP. |
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều khu vực trên thế giới. Các chính phủ kêu gọi người dân không tin theo hay lan truyền tin đồn không đúng sự thật về đại dịch.
Tới thời điểm hiện tại, lời kêu gọi của các chính phủ không có tác dụng tại Nam Á, khu vực mà thông tin sai sự thật đăng tải trực tuyến đã gây ra những hậu quả chết chóc như đốt phá, bạo loạn, xung đột giữa người dân các vùng miền trong quá khứ.
Hôm 24/3, chính phủ Ấn Độ ban bố tình trạng phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày, yêu cầu toàn bộ người dân ở trong nhà. Trong bài phát biểu trước quốc dân, Thủ tướng Modi cũng nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc lan truyền tin giả.
"Tôi kêu gọi người dân hãy cẩn thận với bất cứ loại tin đồn hay mê tín dị đoan nào", Thủ tướng Modi nói. Trước đó, những lời kêu gọi của chính phủ chống lại tin đồ thất thiệt liên quan tới virus corona không cho thấy tác dụng.
Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các công ty cung cấp mạng xã hội phát động các chiến dịch nâng cao ý thức người sử dụng đối với thông tin sai lệch về virus corona.
Một kênh liên lạc thông qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp cũng được chính phủ đưa vào vận hành, cho phép người dân đặt câu hỏi cũng như điều tra tin đồn mà họ nghe được về virus.
Bất chấp nhiều nỗ lực của New Delhi, tin tức sai lệch vẫn tiếp tục lan rộng.
Thuốc sâu từ trên trời, thổi vỏ ốc xà cừ ngăn bệnh
Tại Ấn Độ, doanh số buôn bán gia cầm đã lao dốc sau tin đồn thất thiệt về việc gà có liên quan tới đại dịch. Xuất hiện ngày càng nhiều cuộc tấn công vì lý do sắc tộc nhắm vào người dân từ các quốc gia Đông Bắc Á, sau khi có thông tin những người này có thể mang virus.
Hôm 22/3, người dân tại một vùng hẻo lánh bang Manipur tự nhốt mình trong nhà bởi xuất hiện tin đồn thuốc sâu được phun từ trên không để diệt virus.
Hôm 23/3, một ngôi sao danh tiếng của điện ảnh Ấn Độ có 40 triệu người theo dõi trên Twitter là Amitabh Bachchan đăng trên Twitter cá nhân thông điệp vỗ tay và thổi vỏ ốc xà cừ có thể ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus. Bachban sau đó phải xóa dòng chia sẻ vì nhận nhiều chỉ trích.
Một đại diện của đảng Bharatiya Janata cầm quyền cũng chia sẻ phương thức chữa Covid-19 kỳ quặc, từ sử dụng nước tiểu và phân bò cho tới dùng cây đinh hương "được niệm thần chú".
Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất tại Nam Á rơi vào vòng xoáy của tin đồn thất thiệt. Tại Bangladesh, một số giáo sĩ tuyên bố người Hồi giáo sẽ không bị ảnh hưởng bởi virus corona và hô hào cuộc tập trung lên tới 10.000 người để tham gia cầu nguyện, bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Một nhà thuyết giáo tuyên bố đã phỏng vấn, trong giấc mơ, một người Italy để tìm phương pháp chữa trị. Khi phóng viên một hãng thông tấn địa phương đưa tin về thông tin sai lệch, người này nhận được những đe dọa sát hạt.
Cảnh sát Pakistan bắt giữ người vi phạm lệnh phong tỏa. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi đang giám sát và làm phần việc của mình, nhưng thông tin sai lệch đến từ nhiều nguồn, nối tiếp nhau. Có rất nhiều việc phải làm", Zakir Hossain, phát ngôn viên Ủy ban Giám sát thông tin Bangladesh, cho biết.
Trong khi đó, Pakistan phải đối phó với các thủ lĩnh tôn giáo, khi những người này hô hào tín đồ tụ tập cầu nguyện, tuyên bố đức tin sẽ giúp bảo vệ họ khỏi dịch bệnh.
Một giáo sĩ ở Lahore đăng tải đoạn video khẳng định các tín đồ sẽ không bị nhiễm virus khi đang cầu nguyện, thề sẽ tự treo cổ nếu mình nói sai. Cảnh sát Pakistan sau đó bắt giữ giáo sĩ này, buộc người này phải đăng tải một đoạn video khác khuyến cáo tín đồ cẩn trọng trước dịch bệnh và rửa tay thường xuyên.
Tại ngoại ô thủ đô Islamabad, quân đội Pakistan được huy động để đóng cửa một nhà thờ Hồi giáo sau khi thủ lĩnh một nhóm tín đồ vẫn tiếp tục mở cửa cơ sở này bất chất đã xuất hiện triiệu chứng nhiễm bệnh.
Trong khi đó, nhà chức trách Sri Lanka cảnh báo các biện pháp pháp lý sẽ được sử dụng đối với người lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội, thực tế nhiều người đã bị bắt tại nước này.
Cơ quan chính phủ cũng đưa tin sai lệch
Sumaiya Shaikh, biên tập viên website kiểm tra sự xác thực của thông tin ALT News, theo dõi thông tin sai lệch trên các ứng dụng nhắn tin ở Ấn Độ từ trước khi đại dịch bùng phát. Hồi tháng 1, khi dịch bệnh chủ yếu chỉ ở Trung Quốc, Shaikh cho biết tin đồn đã xuất hiện tại Ấn Độ, cho rằng cảnh sát Trung Quốc bắn người nghi mang virus.
Khi dịch bệnh lan tới Ấn Độ, những tin đồn về phương pháp chữa bệnh bắt đầu xuất hiện. "Thông tin sai lệch như vậy xuất hiện trên quy mô rất lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới y tế cộng đồng", Shaikh cho biết.
Tìm kiếm thông tin chính xác về virus corona tại Ấn Độ được đánh giá là phức tạp do các khuyến cáo được đưa ra bởi 2 cơ quan y tế cấp bộ song song.
Một trong hai cơ quan y tế cấp bộ của Ấn Độ có tên AYUSH được lập ra năm 2014 để thúc đẩy các liệu pháp điều trị như yoga. Cơ quan này khuyến nghị người dân sử dụng các loại thảo mộc và vi lượng đồng căn để chữa virus corona, cùng với việc sử dụng gừng, nghệ, húng quế pha với nước sôi.
Một loại thuốc do cơ quan y tế AYUSH khuyến nghị sử dụng bị cáo buộc là không có cơ sở khoa học. Ảnh: AP. |
P.C. Joshi, chuyên gia y tế từ Đại học Delhi, cho biết khuyến nghị trên của AYUSH có thể được xếp vào loại "thông tin sai lệnh gây nguy hại cho y tế cộng đồng". AYUSH sau đó đã từ chối bình luận về tính khoa học của khuyến nghị do cơ quan này đưa ra.
Tại Ấn Độ, thông tin được lan truyền trực tuyến, thường thông qua chia sẻ giữa bạn bè, người thân, khiến nhiều người không dám tin tính xác thực của thông tin họ nhận được.
Khi tin nhắn về việc viurs corona bị đẩy lùi lan truyền trên WhatsApp, gia đình Sehgal muốn rời khỏi nhà và cùng tham gia lễ ăn mừng bên ngoài. Nhưng Sehgal đã ngăn họ lại.
"Gia đình tôi thường tin ngay những gì họ nhận được trên WhatsApp về virus. Thật khó để giải thích cho họ hiểu phần lớn thông tin đó là giả", Sehgal nói.