Hình ảnh tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) hồi đầu năm. Ảnh: Thành Nam. |
Zing News giới thiệu tham luận "Phục hưng lễ hội truyền thống ở Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế'" của GS.TS Lê Hồng Lý. Tham luận của GS.TS Lê Hồng Lý tham dự hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, từ giữa năm 2022 và đầu năm 2023, mọi phương diện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng đã có nhiều khởi sắc. Nhiều sự kiện văn hóa của Trung ương đã diễn ra trên địa bàn Thành phố như: Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” hay hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”… đã tạo thêm động lực cho hoạt động văn hoá của Hà Nội phát triển.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.
Cụ thể là Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cùng với các hoạt động nhằm đưa những nghị quyết vào cuộc sống. Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” được tổ chức thành công cùng những hoạt động văn hóa đa dạng khác của Hà Nội đã khẳng định điều đó.
Sự trở lại của các hoạt động văn hóa không chỉ tạo nên sự phấn khởi, vui tươi của người dân, mà còn là sự phát triển của văn hóa trong một bối cảnh mới trên mọi lĩnh vực, trong số đó là lễ hội truyền thống, nơi chứa đựng không chỉ những di sản văn hóa đa dạng, phong phú của cha ông, mà còn luôn luôn thể hiện sự sáng tạo và phục hưng văn hóa của người dân các địa phương.
Từ đó, bên cạnh sự phục hưng những lễ hội truyền thống vốn có từ xa xưa, còn đóng góp vào việc đưa lễ hội truyền thống vào trong đời sống xã hội hiện đại một cách mạnh mẽ hơn.
Khởi đầu mùa lễ hội năm mới Quý Mão 2023 là lễ hội Gò Đống Đa mùng 5 tháng Giêng, lễ hội cướp cầu làng Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hoàng Mai) và ngay ngày hôm sau, mùng 6 tháng giêng là một loạt các lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội như hội Gióng (Sóc Sơn), hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), hội đền Cổ Loa, hội Chùa Hương.
Chỉ tính riêng hội đền Cổ Loa, dù ngày 6 tháng giêng mới khai hội, song từ ngày mùng 5 tháng giêng, du khách đã nườm nượp đổ về dự lễ, đặc biệt tối 5 tháng giêng huyện Đông Anh đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Lễ hội Cổ Loa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia một cách long trọng càng thu hút du khách mọi miền về dự hội.
Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử nghìn năm văn hiến, nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.396 di tích đã được xếp hạng, 1.182 di tích quốc gia, 1.202 di tích cấp Thành phố. Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội có 1.793 di sản, trong đó 1.206 lễ hội. Như vậy, có thể thấy tiềm năng lễ hội truyền thống của Hà Nội rất phong phú, hầu hết di tích đều có lễ hội được tổ chức tại đó.
Thêm vào đó, Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống của cả nước. Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 số làng nghề với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu. Mỗi làng nghề đó từ xa xưa vốn đã có truyền thống mở hội thờ tổ nghề và vinh danh nghề thủ công nổi tiếng của họ như một phong tục lâu đời.
Phục hưng lễ hội truyền thống ở Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ ở một tầm cao mới. Điều này có thể nhìn nhận ở nhiều khía cạnh.
Sau dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã có kinh nghiệm với việc chống dịch và cùng tồn tại với dịch bệnh, coi nó như một loại cúm mùa, hiện tượng bình thường trong cuộc sống, một cách “sống chung với lũ” để tồn tại và phát triển.
Một mặt, sau ba năm dồn nén do không có các hoạt động lễ hội nói riêng, văn hóa nói chung, nên năm nay lễ hội truyền thống nở rộ. Mặt khác, nhu cầu tâm linh là một đòi hỏi luôn thường trực trong tâm thức mỗi con người cần được giải tỏa. Hơn nữa, càng phát triển kinh tế bao nhiêu thì nhu cầu văn hóa càng được đòi hỏi nhiều bấy nhiêu.
Đó là chưa kể đến sự sôi động từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 của Đảng và nhà nước làm cho văn hóa càng được coi trọng hơn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Chính vì thế, khi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, các hoạt động lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội, cũng như cả nước được phục hồi một cách mạnh mẽ. Một trong những lý do đó là việc ghi danh vào danh mục văn hóa phi vật thể hàng năm của quốc gia được đẩy mạnh từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Chẳng hạn như gần đây nhất (năm 2022), những di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, trong đó là lễ hội truyền thống như rối nước Đào Thục, di sản Mo Mường, lễ hội Cổ Loa, mà lễ đón nhận vừa diễn ra tối mùng 5 Tết Quý Mão cùng một số di sản văn hóa phi vật thể khác được công nhận. Tất cả điều đó như một động lực thúc đẩy sự phục hưng của lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội.
Cả thế giới cũng đang trong xu thế bình thường mới, mọi hoạt động trong đó đặc biệt là du lịch không phải chỉ là trở lại trạng thái bình thường, mà là một sự bùng nổ sau ba năm kìm nén. Do đó, du khách trong nước như được “sổ lồng”, còn du khách quốc tế đang háo hức quay trở lại Việt Nam, mà Hà Nội luôn là điểm đến được lựa chọn.
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội đã chứng minh điều đó, “chỉ từ ngày 21 đến 26/1/2023 (tức từ 30 đến mùng 5 Tết) Hà Nội đón khoảng 332.000 khách du lịch trong đó có 32.000 khách quốc tế, còn lại 300.000 khách nội địa”.
Những thông tin này báo hiệu sự khởi sắc của tiềm năng du lịch Hà Nội trong thời gian tới. Những tiền đề này là điều kiện tốt để những di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội được phát huy cho sự phát triển của Thủ đô.
Bằng chứng của sự phục hưng các lễ hội truyền thống của Hà Nội có thể kể đến hàng loạt những sự chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu năm Quý Mão 2023. Mọi nơi có lễ hội truyền thống đều được chuẩn bị chu đáo và có những đổi mới trong công tác tổ chức và khai thác những giá trị cổ truyền làm cho lễ hội phong phú hơn, đa dạng hấp dẫn hơn.
Trước tiên, có lẽ nên nhắc đến những hoạt động chuẩn bị năm mới với chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2023” do Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố Cổ Hà Nội tổ chức từ ngày 8/1 đến 28/2/2023.
Ban quản lý đã khai thác nét mới của năm nay là sự tham gia của các đoàn nghệ thuật từ Bạc Liêu, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ, Hải Phòng, mang theo di sản đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế, múa Xòe, hát Xoan, múa hát Cửa đình… góp phần làm phong phú các hoạt động tôn vinh quảng bá di sản dịp đầu năm mới tại khu Phố Cổ Hà Nội.
Phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như: Đoàn rước dâng lễ cửa đình, Lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng tổ nghề, lễ dựng cây Nêu… diễn ra từ 13 giờ 30 ngày 8/1.
Tại Đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc), khách tham quan sẽ được thưởng lãm không gian Tết cũng như giới thiệu con giáp của năm Quý Mão, dựng cây nêu, ông đồ viết thư pháp, giới thiệu các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ… Ngoài ra các hoạt động tại Ngôi Nhà di sản (87 Mã Mây), Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) và Không gian Bích họa phố Phùng Hưng… đều có những hoạt động mới, hấp dẫn khách du lịch.
Hội đền An Dương Vương khu vực đường chính từ trước cổng đền đến ngã ba đường liên thôn ra quốc lộ số 3, các hàng quán được dẹp vào từng khu riêng biệt, tránh gây ách tắc cho người đi hội. Trò chơi bắn nỏ nhằm gợi nhớ đến câu chuyện nỏ thần thời vua An Dương Vương, năm nay được Ban quản lý khu di tích Cổ Loa tổ chức thu hút số người tham gia đông đảo và thích thú.
Do là năm đầu tiên Lễ hội Cổ Loa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên quy mô tổ chức cũng được mở rộng hơn nên ngay từ ngày mùng 4 Tết du khách đã đến dự rất đông. Với hội Gióng đền Sóc “UBND huyện Sóc Sơn phân công Công an huyện có phương án tổ chức bảo vệ đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và đoàn rước trầu cau thôn Đan Tảo; xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng”.
Việc phục hồi kiệu rước Cô Tướng thời gian qua năm nay tiếp tục được duy trì và tổ chức hoành tráng, nghiêm ngặt hơn, đẹp hơn thu hút du khách chiêm ngưỡng một nét đẹp văn hóa của lễ hội này. Lễ hội chùa Hương, một lễ hội lớn nhất, dài nhất trong năm của cả nước trên địa bàn Hà Nội đã cải tiến việc bán vé bằng công nghệ nhằm đảm bảo sự thông thoáng, nhanh chóng cho du khách, các khu vực đỗ thuyền hợp lý, xoá bỏ những nhà hàng treo thịt thú rừng gây phản cảm cho du khách.
Bên cạnh đó những nghi thức cũng như những nơi thờ tự được dọn dẹp sạch sẽ, khang trang gây tâm lý bình an cho du khách đi lễ.
Một trong những sự phục hưng lễ hội ở Hà Nội quan trọng trong thời gian này phải kể đến việc huyện Đông Anh đã quyết định triển khai Đề án xây dựng đền thờ Ngô Quyền trong khu vực di tích Cổ Loa, nơi Ngài đã làm lễ xưng vương lập quốc sau 1000 năm Bắc thuộc.
Kèm theo việc xây dựng đền thờ là Đề án tổ chức lễ hội về nhân vật và sự kiện quan trọng này. Đây sẽ là một điểm nhấn cho khu di tích Cổ Loa và sẽ đem lại sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa cho một quận mới trong tương lai - quận Đông Anh. Công việc đang được các cấp chính quyền tiến hành để sớm có một điểm di sản vật thể và phi vật thể quan trọng tại Hà Nội.
Khi đó, một lần nữa chúng ta lại có thêm bằng chứng về sự kết hợp hài hoà và thành công giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Điều mà đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam - ông Christian Manhart, đã đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc kết nối di sản vật thể với di sản phi vật thể.
Một ví dụ nữa về sự phục hưng lễ hội ở Hà Nội là việc quận Đống Đa đang tiến hành khôi phục đám rước của lễ hội chùa Láng. Đám rước này có từ lâu đời, thời gian vừa qua do điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện giao thông khó khăn, nên bị lãng quên, nay đang được người dân bảy làng Tổng Hạ, Thượng Quyết xưa tha thiết đề nghị khôi phục lại.
Bởi vì đây là một đám rước hoành tráng và ý nghĩa, rước kiệu thánh Từ Đạo Hạnh từ chùa Láng qua sông Tô Lịch, sau đó đi dọc bờ sông về phía Cầu Giấy, qua chùa Hoa Lăng thăm mẹ, chùa Tam Huyền thăm cha.
Một hành trình dọc bờ sông kéo dài mấy cây số về gần Cầu Giấy, đi qua các làng cổ bên sông Tô xưa thật sự là một đám rước tuyệt đẹp ngay giữa khu vực nay đã là nội thành của Hà Nội.
Do đó, đây sẽ là một sự kiện văn hóa thu hút khách du lịch đông đảo của Hà Nội trong tương lai. Kế hoạch phục dựng lại đám rước hoành tráng này đang được Quận Đống Đa triển khai như một sự phục hưng đáng kể của lễ hội truyền thống ở Hà Nội.
Trên đây mới chỉ là một vài ví dụ cụ thể, còn nhiều những hoạt động phục hưng lễ hội truyền thống ở Hà Nội đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên địa bàn Thủ đô.
Lý do của việc “phục hưng” này có thể thấy ngoài những điều đã trình bày trên đây, còn cho thấy một vấn đề quan trọng đó là càng ngày nhà nước cũng như chính quyền thành phố Hà Nội càng coi trọng vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế của đất nước, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của văn hoá, trong đó là lễ hội truyền thống.
Đúng như lời đại diện cho tổ chức UNESCO tại Hà Nội “cho biết một thuận lợi khác là việc Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ giá trị của văn hóa và di sản, với vai trò động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã rất nỗ lực để thúc đẩy du lịch dựa trên văn hóa và bảo tồn các địa điểm văn hóa và thiên nhiên”. Những hội thảo quốc gia diễn ra trong năm 2022 đã chứng minh điều đó.
Có thể thấy văn hóa không còn chỉ là một món ăn tinh thần thuần túy mà đang là một nguồn lực để phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Văn hóa không phải chỉ là tiêu tiền mà còn góp phần làm ra tiền, vì sự phát triển của đất nước bên cạnh là động lực của sự phát triển, là “soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Vai trò nuôi dưỡng phần hồn của văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng vẫn là một nhiệm vụ chính, song trong thời buổi kinh tế phát triển thì những giá trị của nó đã thực sự là nguồn lực tạo ra vật chất cho xã hội hôm nay.
Thực tế du lịch văn hóa thời gian qua đã chứng minh. Với số lượng du khách đông đảo, và càng ngày sẽ càng đông bởi nhu cầu tâm linh, nhu cầu giải trí của con người trong xã hội hiện đại ngày càng cao thì sự phục hưng các lễ hội và những hoạt động dịch vụ của nó sẽ là một mỏ vàng cho các nhà kinh doanh.
Bởi vậy, không ngạc nhiên khi tất cả lễ hội truyền thống ở các làng hay trong phố của Hà Nội đang cố gắng duy trì những giá trị vốn có của lễ hội đồng thời khai thác triệt để hơn những gì bị quên lãng hay mai một để các lễ hội truyền thống trở lại như xưa, đồng thời sáng tạo thêm những giá trị mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay.
Hơn thế, sự phát triển của lễ hội truyền thống sẽ là nguồn lực dồi dào cho sự phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Du khách đến Hà Nội, một Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và Thành phố văn hóa thì vai trò của văn hóa luôn được quan tâm hàng đầu.
Lễ hội truyền thống luôn kèm theo các tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân địa phương, các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn... của riêng Hà Nội, đó chính là những giá trị văn văn hóa đặc sắc để hấp dẫn và níu chân du khách ở lại Hà Nội. Và đây cũng chính là nguồn lực tiềm tàng để Hà Nội có thể khai thác cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô nghìn năm văn hiến, trái tim của Tổ quốc.