Ngày 20/3, thông tin sách mất được ông Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chia sẻ trên mạng xã hội và miêu tả là một thông tin "kinh hoàng".
Bài đăng này nhanh chóng được lan truyền trong cộng đồng người quan tâm đến di sản văn hóa.
Tối cùng ngày, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã đưa ra thông cáo chính thức về kho sách sưu tầm tại Viện. Theo đó, phía Viện Hán Nôm đã xác định thông tin thiếu sách trong kho sưu tầm, đặt ký hiệu ST.
Cụ thể, thông cáo viết như sau: "Sau quá trình rà soát, đối chiếu, chiều ngày 15/3/2023, Hội đồng kiểm kê đã họp và báo cáo về kho ST (sưu tầm), phát hiện thấy thiếu 121 quyển (trong đó có 11 quyển nằm trong danh sách 25 quyển đã báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), bên cạnh đó có 339 quyển đã vào sổ nhưng lẫn lộn các kí hiệu sách, chưa xác định rõ có nằm trong 121 sách thiếu hay không".
"Nhóm kiểm kê rà soát lại toàn bộ 17.712 sách sưu tầm và xác định có 877 quyển (5%) thuộc loại hư hại nặng. Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức thông báo tình hình đến chi bộ và cán bộ chủ chốt cũng như Hội đồng khoa học trong hai cuộc họp vào sáng ngày 16/3 và sáng 17/3".
Viện này cho biết đang mời các chuyên gia tham gia đối chiếu các sách lẫn ký hiệu với các sách thiếu để sàng lọc; đồng thời lập hội đồng đánh giá tình trạng của 877 sách hư hại để có phương án xử lí phù hợp.
Đây không phải lần đầu Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thông tin thất lạc sách. Ngày 21/12/2022, thông tin Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất 25 cuốn sách cổ cũng được lan truyền trên mạng. Viện này đã đăng thông cáo xác nhận chưa tìm được các cuốn sách cổ và rằng Viện vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các cuốn sách thất lạc.
Viện này cho biết đã báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Ngay sau đó, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có công văn mời cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ sự việc mất tài sản, hiện chưa có kết quả cuối cùng.
Kết thúc Thông cáo, Viện Hán Nôm khẳng định "đã và đang tổ chức các biện pháp để xử lý vấn đề một cách công khai, minh bạch, với tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan".
Về kho sách sưu tầm của Viện Hán Nôm
Chia sẻ về lịch sử kho sách sưu tầm, bài viết cho biết các kho sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được đánh ký hiệu A (do người Pháp sưu tầm) và kí hiệu V (do người Việt Nam sưu tầm). Tổng số sách của cả 2 kho lên đến khoảng 16.000 đơn vị.
Bên cạnh đó, Viện cũng tổ chức sưu tầm thêm sách Hán Nôm, lập ra kho ST (sưu tầm). Theo sổ sách ghi chép, có 2 đợt sưu tầm: đợt 1 giai đoạn 1988-2001, Viện sưu tầm được 2.586 quyển; đợt 2 giai đoạn 2002-2008, kho có thêm 15.126 quyển.
"Tổng hai đợt sưu tầm là 17.712 đơn vị sách. Giá thu mua theo quy định của nhà nước tại thời điểm sưu tầm từ 100.000 đến 200.000 đồng một quyển, tùy theo tình trạng sách. Tính đến nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã thực hiện tu bổ được gần 10.000 đơn vị", thông cáo viết.
Theo đó, Viện Hán Nôm có một đợt kiểm kê tài liệu từ giữa năm 2022. Trong quá trình kiểm kê kho sách Hán Nôm, một phần sách sưu tầm chưa tu bổ, "còn bó lại thành từng bó để trong kho", đã chưa được đối chiếu với sổ đăng kí cá biệt. Đơn vị này cho biết sau khi phát hiện ra thiếu sót, đầu năm 2023, Viện Hán Nôm đã tổ chức kiểm kê lại toàn bộ kho ST, đối chiếu và đánh dấu vào sổ đăng ký cá biệt.
Có lẽ chính trong đợt kiểm kê này mà tình trạng đáng tiếc về hàng trăm cuốn sách cổ được phát hiện. Thông cáo cho biết đây là lần đầu tiên từ khi nhập kho (1988-2009), các sách ST được kiểm kê một cách chi tiết.
Dù theo một thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những sách trong kho của Viện Hán Nôm đã có bản scan màu hoặc bản photocopy, nội dung sách được đảm bảo, việc những di sản văn hóa cổ và quý như vậy bị thất lạc hay hư hỏng vẫn là một tin khiến nhiều người yêu văn hóa bức xúc.
Viện Nghiên cứu Hán - Nôm giải thích việc mất 25 cuốn sách cổ
Một ngày sau khi thông tin 25 cuốn sách cổ của Viện Nghiên cứu Hán - Nôm bị mất được đăng lên mạng, hôm 21/12, Viện này đã đăng thông cáo xác nhận chưa tìm được các cuốn sách cổ.
Tại sao sách cổ thường đắt
Xuất bản vào thời xa xưa, có nội dung phản ánh các khía cạnh của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của một quốc gia, một cộng đồng qua các thời kỳ nên sách cổ rất quý.
Người xưa đặt tên hiệu như thế nào?
Sách “Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam” giải thích ngọn nguồn cách đặt tên tự, tên hiệu, biệt hiệu, đồng thời chỉ ra mối quan hệ, ý nghĩa và cách sử dụng chúng.