Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam do PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh biên soạn là sách công cụ, có giá trị không chỉ trong nghiên cứu mà còn hữu ích trong giảng dạy, học tập.
Cuốn sách đưa ra 1.173 tên tự, tên hiệu, đạo hiệu và biệt hiệu khác nhau của 791 tác giả Hán Nôm, được trích xuất từ các thư tịch, văn khắc hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm. Bên cạnh đó là hệ thống bảng tra cứu cần thiết cho các nhà nghiên cứu.
Đặc biệt, cuốn sách còn đưa ra phần giải thích ngọn nguồn cách đặt tên tự, tên hiệu và chỉ ra mối quan hệ giữa chúng; cũng như ý nghĩa của việc đặt tên, hiệu, tự và cách sử dụng danh, hiệu, tự trong giao tiếp, trong trước thuật (viết sách nói chung)...
Cách đặt tên tự, tên hiệu và mối quan hệ giữa chúng
Tác giả Trịnh Khắc Mạnh cho biết các thời kỳ phong kiến, nhà Nho, nhà thơ, nhà văn, hàng ngũ quan lại, ngoài tên chính thức, còn đặt tên tự, tên hiệu.
Theo tác giả Trịnh Khắc Mạnh tên (danh) là tên riêng do ông bà cha mẹ đặt cho. Việc đặt tên cũng có những phép tắc nhất định.
Tự (tên chữ) thường giải thích và bổ sung cho danh. Giữa danh và tự có mối liên hệ chặt chẽ về ý nghĩa, biểu thị cho sự hô ứng (kẻ gọi người đáp) và bổ sung cho danh, nên còn được gọi là biểu tự.
Tên tự được đặt khi đã thành niên (theo sách Lễ ký con trai 20 tuổi thì đội mũ và đặt tên tự) và thường do cha mẹ hoặc bề trên đặt cho, cũng có khi do chính bản thân đặt. Việc đặt tên tự chứng tỏ người đó bắt đầu được xã hội công nhận và tôn trọng.
Khi đặt tên tự, người ta thường căn cứ danh để chọn từ ngữ liên quan và trợ giúp cho danh, như Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh ("lượng" là "sáng" còn "khổng minh" là "rất sáng").
Ngô Tuấn (1019-1105) người Thăng Long, tên tự là Thường Kiệt, sau được ban quốc tính họ Lý, nên được gọi là Lý Thường Kiệt. Danh và tự của ông hoàn toàn hỗ trợ cho nhau ("tuấn" là tài hoa hơn người còn "kiệt" là tài năng xuất chúng).
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh. Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Ngô Thời Nhậm (1746-1803) người Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam, lấy tự là Hy Doãn với hàm ý là hy vọng làm nên sự nghiệp như Y Doãn thời nhà Thương.
Cũng có tự và danh lấy câu chữ trong cổ thư như Tào Tháo tự Mạnh Đức lấy từ câu “phì thị chi vị đức tháo” trong Tuân Tử (dịch nghĩa: Đó là phẩm hạnh của đức).
Danh và tự của người xưa còn được dùng để chỉ quan hệ thứ bậc, biểu thị anh em trong gia đình và thường thêm chữ "bá" (mạnh) là lớn, "trọng" là thứ hai, "thúc" là em, "quý" là út…
Còn tên hiệu (hiệu) là tên gọi được đặt khi khi người ta đã thực sự trưởng thành. Các sĩ phu và văn nhân thời phong kiến thường có tên hiệu hoặc biệt hiệu của mình, như Lý Bạch đời Đường lấy hiệu là Thanh Liên Cư Sĩ, Chu Văn An lấy hiệu là Khang Tiết Tiên Sinh…
Tên hiệu do người sử dụng thường đặt không bị chi phối bởi gia tộc, thứ bậc trong gia đình.
Thông qua việc đặt tên hiệu, người ta có thể tự do gửi gắm tư tưởng tình cảm, biểu lộ chí hướng và hoài bão, thể hiện sở thích của mình trong cuộc sống. Việc đặt tên hiệu, biệt hiệu đôi khi còn mang cả dấu ấn địa phương, quê hương bản quán của mình.
Ví dụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương lấy hiệu là Bạch Vân Am và Tuyết Giang Phu tử để nói lên ý nguyện và tình yêu quê hương xứ sở.
Trần Nguyên Đán (1352-1390) người xã Tức Mặc, lộ Thiên Trường lấy hiệu là Băng Hồ, lấy ý trong câu thơ Đường “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” (dịch nghĩa là: Một tấm lòng trong trắng trong bình ngọc), để thể hiện tấm lòng của mình đối với nhà Trần.
Một người có thể thay đổi khá nhiều tên hiệu hoặc biệt hiệu, và thông qua sự thay đổi này có thể hiểu quan niệm sống, tâm tư, tình cảm, tư tưởng của người đó trong từng thời kỳ khác nhau.
Sách Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hiền. |
Cách sử dụng tên tự, tên hiệu
Theo tác giả Trịnh Khắc Mạnh, danh, tự và hiệu, hay biệt hiệu đều là tên người, nhưng khi sử dụng không thể tùy tiện mà phải tuân theo nguyên tắc nhất định. Do người xưa trọng lễ nghĩa nên cách dùng danh, tự và hiệu cũng rất cầu kỳ.
Trong giao tiếp, danh thường được dùng trong trường hợp khiêm xưng (khi xưng thì khiêm nhường), hoặc trên gọi dưới, còn những người ngang hàng thì chỉ gọi danh khi thật thân mật.
Trường hợp không phép mà gọi thẳng danh của người đang nói chuyện là bất lễ, danh của cha mẹ mà nhắc tới là bất kính, còn danh của vua chúa mà nhắc tới là đại nghịch.
Tự và hiệu dùng trong trường hợp người dưới gọi người trên, hoặc những người ngang hàng nhau gọi.
Bên cạnh việc dùng trong giao tiếp, tên tự, hiệu còn được dùng tên trước tác của người đó.
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh
Như người đời thường gọi Chu Văn An là Tiều Ẩn, Nguyễn Trãi là Ức Trai tiên sinh, gọi Nguyễn Thiếp là La Sơn Phu Tử hay Hạnh Am hoặc Lạp Phong, gọi Lê Hữu Trác là Hải Thượng Lãn Ông, gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm là Tuyết Giang Phu Tử, gọi Ngô Thời Sĩ là Nhị Thanh Cư Sĩ (những người lấy hiệu “Cư Sĩ” thường coi khinh lợi lộc, khẳng định mình là người thanh cao)...
Bên cạnh việc dùng trong giao tiếp, tên tự, hiệu còn được dùng tên trước tác của người đó. Cách làm này là tương đối phổ biến, nhưng cũng đặt ra cho người đời sau tìm hiểu về tác gia và tác phẩm Hán Nôm.
Chu Văn An dùng tên hiệu để đặt tên sách Tiều Ẩn thi tập, Tiều Ẩn quốc ngữ thi tập. Trần Nguyên Đán đã dùng tên hiệu của mình để đặt cho sách là Bằng Hồ ngọc hác tập.
Ngô Thời Nhậm đã dùng tên tự để đặt tên cho các sách: Ngô gia văn phái Hy Doãn công tập, Hy Doãn công di thảo. Nguyễn Tiếp dùng các tên hiệu để đặt cho các sách: Hạnh Am di văn, Lạp Phong văn cảo.
Nguyễn Tư Giản dùng tên tự và tên hiệu để đặt cho các sách: Nguyễn Tuân Thúc thi tập, Thạch Nông thi tập, Thạch Nông toàn tập, Thạch Nông văn tập…
Như vậy, khi gọi và khi viết về người khác, người xưa rất ít nêu thẳng tên (danh) mà thường thay bằng tên tự, tên hiệu hoặc biệt hiệu.
Tuy nhiên, theo tác giả Trịnh Khắc Mạnh, điều này lại gây ra những khó khăn cho thế hệ ngày nay khi nghiên cứu tìm hiểu về người xưa, nhất là đối với tác giả Hán Nôm, cùng những văn bản viết bằng chữ Hán và chữ Nôm hiện còn lưu giữ đến ngày nay.
Giải thưởng Sách Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3 sẽ diễn ra vào 20h ngày 9/10 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Sungroup, Công ty Phú Long và HDBank.