Ảnh minh họa: Vũ Minh Quân. |
Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” diễn ra ngày 21/3. Zing News giới thiệu tham luận "Nhận diện văn hóa Thăng Long - Hà Nội truyền thống và hiện đại - nguồn lực cho sự phát triển Thủ đô Hà Nội 'văn hiến - văn minh - hiện đại'" của PGS.TS Lê Quý Đức.
Trong tham luận này, chúng tôi sẽ trình bày các nguồn lực văn hóa của Thăng Long - Hà Nội một cách khái quát dựa theo sự phân loại nguồn lực văn hóa của Chuyên đề: Lý luận chung về nguồn lực văn hóa và cơ cấu nguồn lực văn hóa được trình bày trong hội thảo khoa học “Phát huy vốn văn hóa trong phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội”.
Đó là các nguồn lực: nội thể hóa (trí tuệ, tri thức, năng lực tinh thần tích lũy trong mỗi con người); sản phẩm tinh thần (phi vật thể) và các thiết chế vật thể hóa của văn hóa. Nguồn lực văn hóa của Thăng Long - Hà Nội truyền thống và hiện đại đang hiện diện trong đời sống xã hội hiện nay rất phong phú và đa dạng; nếu biết khai thác sẽ trở thành nguồn vốn to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội trước mắt và lâu dài.
Chúng tôi cũng đồng ý rằng sự phân loại các nguồn lực văn hóa nói chung và nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng không thể rạch ròi. Bởi trên thực tế, các nguồn lực văn hóa luôn có sự liên quan mật thiết với nhau: gắn bó, tác động, biểu hiện qua nhau. Sự phân chia nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội thành nguồn lực văn hóa truyền thống và nguồn lực văn hóa hiện đại cũng chỉ có ý nghĩa tương đối.
Do vậy, để trình bày vấn đề nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội truyền thống và hiện đại, chúng tôi kết hợp xem xét từ hai phương diện đồng đại và lịch đại, không tách thành hai giai đoạn riêng (truyền thống, hiện đại). Sau đây là một số yếu tố cơ bản trong ba nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội (hay của Thăng Long - Hà Nội) truyền thống và hiện đại.
1. Nguồn lực nội thể hóa (năng lực trí tuệ, tinh thần) của người Thăng Long - Hà Nội
Năng lực trí tuệ, tinh thần của con người được biểu hiện phong phú, đa dạng trong đời sống thực tiễn xã hội của họ. Song, do khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số yếu tố cơ bản nhất trong năng lực trí tuệ, tinh thần của người Thăng Long - Hà Nội tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế nói riêng của Thủ đô Hà Nội trong lịch sử và hiện tại. Đó là trình độ tri thức, học vấn, trình độ khoa học, công nghệ, khả năng sáng tạo, năng động của người thị dân (nội thành) và người nông dân (ngoại thành) trong đời sống hàng ngày.
1.1. Trình độ tri thức, học vấn
Thăng Long - Hà Nội từ trong chiều sâu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước. Thời kỳ tiền Thăng Long, thành Tống Bình, Đại La là trị sở của bộ máy thống trị phương Bắc trên đất An Nam đô hộ phủ.
Từ khi nước ta giành lại nền độc lập, tự chủ và đặc biệt từ khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (đổi tên Đại La là thành Thăng Long) thì nền giáo dục chính thống của dân tộc được khai mở và liên tục phát triển đến đỉnh cao của xã hội phong kiến.
Khi nhà Nguyễn dời đô vào Phú Xuân, Thăng Long vẫn là trung tâm văn hóa, giáo dục không chỉ của Bắc Hà mà của cả nước. Người Pháp thống trị nước ta đã thành lập Villa de HaNoi (thành phố Hà Nội), lấy Hà Nội làm thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Hà Nội có cơ hội để tiếp nhận nền giáo dục mới và thực sự trở thành trung tâm của nền văn hóa, giáo dục của Việt Nam và cả xứ thuộc địa Đông Pháp.
Thời quân chủ phong kiến, bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đã ghi lại nhận thức của nhà nước quân chủ Việt Nam về vai trò của tri thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp kém. Vì thế các vị đế vương thánh minh không ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia là việc cần kíp” (Bia dựng năm 1484).
Thiết nghĩ, không cần phân tích thì tư tưởng đó của cha ông ta đã làm rõ vai trò của nguồn lực tri thức, học vấn quan trọng như thế nào đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng chế độ. Chính vì vậy, nhà nước phong kiến, những minh quân, thánh chúa đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc phát triển nguồn lực trí thức của dân tộc, của thủ đô đất nước.
Với những chính sách đúng đắn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã biến Thăng Long - Hà Nội thành một trung tâm giáo dục đứng đầu cả nước gần 800 năm, tạo ra cho kinh đô một tiềm lực tri thức, học vấn dồi dào. Nếu tính từ năm 1075 với khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên đến năm 1919 kết thúc nền giáo dục Nho học, cả nước tổ chức 183 kỳ thi Hội, lấy đỗ 2.898 vị đại khoa thì ở Thăng Long tổ chức 144 kỳ, lấy đỗ 2.340 vị đại khoa.
Riêng người Thăng Long - Hà Nội đỗ đại khoa trên dưới 640 vị, chiếm tỉ lệ 1/5 của cả nước (636/2898), số trạng nguyên chiếm tỉ lệ 1/6 (7/46 vị). Cả nước có 21 làng khoa bảng (có từ 10 người đỗ tiến sĩ trở lên) thì Thăng Long - Hà Nội có 5 làng, chiếm 1/2 tổng số đó.
Những nhân tài của Thăng Long - Hà Nội xưa do nền giáo dục Nho học đào tạo đã đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước, của chế độ như: Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phan Phu Tiên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn An và Hồ Nguyên Trừng...
Cần nhắc lại tư tưởng của nhà bác học Lê Quý Đôn (gốc Thái Bình, sống và học tập, làm quan tại Thăng Long) về vai trò to lớn của tri thức đối với quốc gia dân tộc “Phi trí bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt”.
Trong thời đại ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học của Thăng Long - Hà Nội, cùng các chính sách giáo dục đào tạo của Nhà nước ta, của chính quyền thành phố Hà Nội đã tạo ra một nguồn lực tri thức, học vấn, khoa học to lớn để đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Các con số thống kê sau đây đã minh chứng điều đó.
Theo tài liệu của Bộ Giáo dục - Đào tạo, số siáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan hành chính, sự nghiệp... ở Hà Nội chiếm 65% của cả nước. Hà Nội là nơi tập trung hàng vạn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trung ương và thành phố, hàng vạn cán bộ trung cao cấp, hàng chục vạn trí thức có tình độ và tâm huyết, công nhân bậc cao, thợ lành nghề, doanh nhân giỏi, sinh viên tài năng.
Theo số liệu thống kê của Cục thống kê Hà Nội, năm 2010 Thủ đô Hà Nội đang chiếm hơn 70% cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%. Đây là nguồn lực văn hóa quan trọng và quý giá nhất, có tác động to lớn và quyết định đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có sự phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước.
1.2. Năng lực sáng tạo khoa học, kỹ thuật, công nghệ
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Hà Nội vốn có một nền khoa học, công nghệ cổ truyền từ thời đồ đồng: Với những hiện vật đồng thau mà ngành khảo cổ tìm thấy ở hầu hết huyện ngoại thành: Đồ đồng ở Đông Anh, Triều Khúc ở Thanh Trì, Ngõa Long ở Từ Liêm, Yên Tràng ở Sóc Sơn, Giao Tốt ở Gia Lâm và ở cả nội thành - Ngọc Hà ở Ba Đình - như rìu đồng, mũi tên đồng, thạp đồng, trống đồng, mũi giáo đồng... đều là những bằng chứng của một nền kỹ thuật luyện kim đã phát triển lên một trình độ cao.
Đặc biệt là trống đồng cổ Loa phát hiện năm 1982 không thua kém các trống đồng nổi tiếng được biết đến trước đó như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Với trống đồng tinh xảo như vậy, đâu phải chỉ có kỹ thuật luyện kim mà phải có cả tri thức về nhiệt luyện, về cấu trúc tạo hình, về thanh âm và cả mỹ thuật (đạt đến trình độ tinh mỹ).
Chỉ một hiện tượng đó ta có thể khẳng định, từ lâu người Hà Nội đã có những truyền thống khoa học, kỹ thuật đáng kể.
Đi đôi với trống đồng và vũ khí bằng đồng: giáo đồng, dao găm đồng, rìu đồng, mũi tên đồng... Từ mũi tên đồng đã chuyển vũ khí từ cung sang nỏ là bước tiến lớn về kỹ thuật quân sự tại cổ Loa. Đến thời trung đại người Thăng Long đã biết chế tạo súng thần cơ và người nổi tiếng là Hồ Nguyên Trừng (sau này bị bắt sang Trung Quốc).
Đồ gốm cũng phát triển rất sớm với trình độ kỹ thuật cao. Những sản phẩm sứ mà người Nhật xưa gọi là đồ gốm Kôchi chính là các sản phẩm của các lò gốm Bát Tràng. Cơ chế tạo được men sứ, nung được đồ sứ là một kỹ thuật tinh xảo bao gồm cả tri thức có tính khoa học về hóa học, vật lý, nhiệt học...
Các đồ kim hoàn Việt Nam mà các lái buôn phương Tây thế kỷ 17, 18 ca ngợi chính là do các thợ kim hoàn Định Công (Thanh Trì) làm ra. Đó là kết quả nghệ thuật đồ họa, điêu khắc và kỹ thuật luyện vàng, luyện bạc.
Về kiến trúc, Hà Nội có những công trình nổi tề như tháp Báo Thiên 12 tầng, Cửu Trùng đài cao vời vợi che bóng nửa mặt Hồ Tây. Và nguyên liệu gạch Bát Tràng không chỉ được cả nước ham chuộng mà còn xuất khẩu sang các nước láng giềng, về nhân tài kiến trúc, cần nhắc đến Nguyên An - kiến trúc sư thiết kết công trình Thiên An môn của Trung Quốc.
Sau khi nền kiến trúc phương Tây xâm nhập vào Hà Nội, nhiều kiến trúc sư nổi tiếng đã xuất hiện như Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Gia Đức, Hoàng Như Tiếp với công trình kiến trúc hiện đại nhà số 7 phố Thiền Quang.
Các nghề thủ công, mỹ nghệ cũng nói lên tài năng sáng tạo, trình độ khoa học, công nghệ của người Thăng Long - Hà Nội. Nghề dệt quanh vùng Hồ Tây, làng Vạn Phúc, La Cả (Hà Đông). Từ năm 1040, vua Lý Thánh Tông đã quyết định dùng lụa, gấm, vóc sản xuất trong nước may triều phục cho quan lại, không nhập của người Tống nữa.
Nghề làm giấy ở Thăng Long nổi tiếng là các làng quanh vùng Bưởi với các loại giấy Ma chi (làm bằng vỏ cây gai), giấy Thương lục (cho xuống nước không nát), giấy Bạch diệp (trầm hương). Từ thời xưa đã xuất sang Trung Quốc, người phương Tây mua lại cứ ngỡ của Trung Hoa.
Thời Trung đại, Thăng Long - Hà Nội còn là nơi hội tụ tài năng sáng tạo với biết bao thế hệ những thợ thủ công tài giỏi của tứ trấn vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Những người thợ tài hoa về đây để phục vụ triều đình phong kiến và mưu sinh, lập nghiệp. Chẳng hạn, nghề chạm bạc do những người thợ ở Trân Khê (Bình Giang, Hải Dương) đến; nghề kim hoàn do những người ở Đồng Sâm (Kiến Xương, Thái Bình) và Định Công (Thanh Trì, Hà Đông cũ) lên; nghề đúc, gò đồng của người Ngũ Xã do người thợ từ Gia Bình (Bắc Ninh) qua; nghề thêu do thợ từ Quất Động (Thường Tín, Hà Đông cũ) sang. Người Thăng Long - Hà Nội nổi tiếng là “Khéo tay, hay nghề”, “Đất lề Kẻ Chợ”.
Ngoài ra, Thăng Long - Hà Nội còn tích lũy một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, độc đáo chế biến từ sản phẩm của nền nông nghiệp đa dạng: giò, chả, nem, bánh chưng, bánh dầy, đặc biệt là phở và chả cá nổi tiếng thế giới. Đồng thời, Thăng Long - Hà Nội còn có nền y học cổ truyền với các làng thuốc Nam, thuốc lá của dân tộc Dao ở vùng núi Ba Vì...
1.3. Năng lực kinh doanh, buôn bán
Thăng Long - Hà Nội là đô thị lớn nhất của cả nước (trước khi Sài Gòn xuất hiện) là trung tâm kinh tế của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, nên ngoài sản xuất thủ công nghiệp thì việc kinh doanh, buôn bán là một nhu cầu có ý nghĩa sống còn. Do vậy, tài năng kinh doanh, buôn bán được đề cao, kinh nghiệm giao thương được tích lũy. Những thành ngữ “Nhất Kinh kỳ, Nhì Phố Hiến” hay “Dài như chợ Hà Nội” và Thăng Long còn được gọi là Kẻ Chợ không chỉ nói lên sự sầm uất về hàng hóa mà còn nói đến tài năng kinh doanh của người Thăng Long - Hà Nội.
Thăng Long - Hà Nội xưa với 36 phố phường vừa sản xuất vừa buôn bán, là trung tâm, đầu nối luân chuyển hàng hóa của vùng, của cả nước và với nước ngoài. Mỗi phố phường chuyên sản xuất, buôn bán một loại sản phẩm hàng hóa, điều đó nói đến tính đa dạng và tính chuyên sâu (đa ngành, đa lĩnh vực và chuyên nghiệp) của những thị dân ở đây. Thăng Long - Hà Nội xưa đã trở thành nơi cư trú và buôn bán của nhiều kiều dân nước ngoài như Trung Hoa, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Ấn Độ... Họ đem đến đây những kinh nghiệm làm ăn, buôn bán và các mối quan hệ giao thương ít nhiều đã tác động đến người thị dân bản địa.
Người Pháp đã đem đến nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa vào nước ta và vào Hà Nội. Người Hà Nội đã tiếp nhận những tri thức kinh doanh thực nghiệp ngay từ buổi đầu người Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Những năm đầu thế kỷ XX, người Hà Nội đã dấy lên phong trào Duy Tân, chủ trương “học thương xoay đủ mọi nghề” để chấn hưng đất nước. Người tiêu biểu cho phong trào Duy Tân ở Hà Nội là Lương Văn Can, Nguyễn Quyền...
Các ông không chỉ kêu gọi người Hà Nội tham gia Đông Kinh nghĩa thục mà cần học tập kinh doanh, buôn bán. Lương Văn Can không chỉ viết sách “Thương học phương châm” dạy buôn bán mà ông còn tổ chức kinh doanh tại Hà Nội và cả sang Nam Vang (Campuchia) với công ty Hưng Thạnh. Nguyễn Quyền và Hoàng Tăng Bí thành lập công ty Đông Thành Xương và Hồng Tân Hưng để buôn bán.
Sau đó các nhà doanh nhân Việt Nam ở Hà Nội phát triển với tốc độ nhanh chóng. Chính một tờ báo của người Pháp năm 1921 cũng đã tỏ thái độ kinh ngạc trước sự phát triển đó: “Những người Pháp xa Bắc kỳ sau bảy năm nay quay trở lại sẽ thấy một sự thay đổi lớn. Người Việt Nam đã có những cửa hàng lộng lẫy ở những phố sang trọng. Một trong những nhà in khá nhất ở Hà Nội là của người Việt Nam” (L’eveil economique, số 2/1/1921).
Những nhà kinh doanh tài năng ở Hà Nội như Bạch Thái Bưởi, Vũ Văn An, Đào Thao Côn, Lưu Khánh Vân, Hưng Ký, Trịnh Văn Bô và Đỗ Đình Thiện...
Ngày nay, trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Thủ đô, một tầng lớp doanh nhân tài năng đang xuất hiện trên đất Hà Nội như: Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đình Long, Nguyễn Thị Phương Thảo... đã trở thành tỷ phú, vươn tầm cao mới trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Trên đây, chúng tôi vừa điểm qua năng lực tinh thần, trí tuệ của con người Thăng Long - Hà Nội (truyền thống và hiện đại) trên một số mặt tri thức, học vấn, khoa học, công nghệ, sáng tạo, kinh doanh, buôn bán được xem như một yếu tố quan trọng của nguồn lực văn hóa, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
2. Nguồn lực văn hóa tinh thần (sản phẩm phi vật thể) của người Thăng Long - Hà Nội
Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý và cả người dân bình thường khi nói về văn hóa Thăng Long - Hà Nội đều dùng những khái niệm có tính khái quát “Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn vật”. Các khái niệm đó đã nói đến nguồn vốn văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Ở đây, chúng tôi chỉ nói đến một số yếu tố của nguồn vốn văn hóa (cũng là nguồn lực văn hóa) cơ bản trên:
2.1. Lễ hội và phong tục, tập quản
* Về lễ hội
Thăng Long - Hà Nội là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc bộ - vùng diễn ra nhiều lễ hội nhất của cả nước. Lễ hội diễn ra quanh năm, đặc biệt là hai mùa xuân và thu, thời điểm nông nhàn của cư dân sản xuất nông nghiệp.
Các lễ hội của Thăng Long - Hà Nội trong xã hội truyền thống có thể chia làm 3 loại: lễ hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp (thờ cúng các vị thần nông nghiệp: thần đất, thần nước, thần núi, thần mây, thần mưa, thần Mặt trời, thần sông nước...); lễ hội tôn vinh các anh hùng dân tộc, anh hùng làng xã có công đánh giặc, mở đất, giữ nước; lễ hội tôn giáo thờ các thần linh của các tôn giáo và các thần linh của tín ngưỡng dân tộc.
Lễ hội của Thăng Long - Hà Nội có tầm ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh không chỉ của người dân ở đây mà còn có sự lan tỏa trong tinh thần của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và ra cả nước. Có những lễ hội diễn ra trong không gian rộng lớn và thời gian kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng như lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức).
Theo tài liệu của Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thăng Long - Hà Nội có 1.095 lễ hội lớn nhỏ, chiếm 13,79% lễ hội cả nước. Trong đó, 1.070 lễ hội dân gian, 23 lễ hội tôn giáo, 2 lễ hội lịch sử; 04 lễ hội do cấp Thành phố quản lý (gồm lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội đền Đồng Nhân, lễ hội Thánh Gióng và lễ hội Chùa Hương).
Lễ hội có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đối với phát triển kinh tế, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch và dịch vụ, thu hút khách tham quan du lịch đến các lễ hội và các thiết chế văn hóa tâm linh. Lễ hội là dịp thúc đẩy sự tiêu thụ các hàng hóa dịch vụ và tiêu dùng các sản phẩm khác: ăn, ở, mặc, đi lại.
Chẳng hạn, lễ hội Chùa Hương kéo dài từ ngày 6 tháng Giêng âm lịch đến ngày 15 tháng 3 âm lịch, thu hút từ 30-40 vạn người tham gia. Lễ hội đã tạo ra công ăn, việc làm cho hàng vạn người của huyện Mỹ Đức, tiêu thụ một khối lượng hàng hóa, dịch vụ và nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng. Nếu chúng ta biết tổ chức, khai thác lễ hội tốt, hàng nghìn lễ hộ sẽ đem lại một nguồn lợi kinh tế đáng kể.
* Về phong tục, tập quán
Phong tục, tập quán của người Thăng Long - Hà Nội truyền thống cũng như hiện đại rất phong phú và sinh động đã góp phần làm nên lối sống người Thăng Long - Hà Nội, đất kinh kỳ (Kẻ Chợ). Trong phần này, chúng tôi chỉ nói đến một số phong tục, tập quán làm nên lối sống thanh lịch, tình nghĩa của cư dân Thăng Long - Hà Nội đã và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô với tư cách là một nguồn lực văn hóa.
Phong tục, tập quán đặc trưng, tiêu biểu của người Thăng Long - Hà Nội là thanh lịch. Nói như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: “Do thu hút tinh hoa khắp miền đất nước, người Hà Nội đã tập trung được nhiều đức tính tốt đẹp của dân tộc mà đặc biệt là tính thanh lịch”. Tính thanh lịch biểu hiện trong đời sống thành phong tục, tập quán, nếp sống thanh lịch “một lối sống đầy tính văn hóa”.
Phong tục, tập quán thanh lịch bộc lộ trong ngôn ngữ, cử chỉ, trang điểm, ăn mặc, giao tiếp, đi đứng, làm việc đều được chăm chút, cân nhắc, chỉnh tề, không buông tuồng, tùy tiện. “Đó là sản phẩm (văn hóa) đồng thời là động lực để người Thăng Long - Hà Nội sáng tạo ra những thành tựu rực rỡ về mọi mặt” như Nguyễn Vinh Phúc đã khẳng định.
Ngày nay, Thủ đô Hà Nội đang phấn đấu thành một Thủ đô văn minh, hiện đại, giầu đẹp vì hòa bình, thiết nghĩ, phong tục, tập quán thanh lịch trong truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy như một nguồn lực tinh thần cao đẹp.
Phong tục kết bạn, kết chạ của nhiều làng ở vùng nông thôn Thăng Long - Hà Nội xưa đến phong tục kết nghĩa giữa Hà Nội với các địa phương thời chiến tranh chống Mỹ và ngày nay là phong trào giao ước thi đua giữa Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước cũng là một sức mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tập quán tốt đẹp của người Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa to lớn đối với cá nhân và cộng đồng cũng rất phong phú. Có ý nghĩa nhất là tập quán “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Biết ơn và tôn vinh người có công với quê hương, đất nước.
Tục thờ cúng tổ tiên trong các gia đình, dòng họ, thờ cúng thần hoàng làng, tổ nghề, thờ những anh hùng dân tộc, những người có công đối với cộng đồng. Những phong tục, tập quán tốt đẹp “thuần phong, mỹ tục” đã và đang được phát huy trong đời sống cư dân Thủ đô để giáo dục đạo đức nhân sinh, để nâng cao lòng tự hào về truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội, từ đó góp phần giáo dục các giá trị cuộc sống, hoàn thiện nhân cách người Hà Nội hiện đại, văn minh, thanh lịch.
2.2. Văn chương, nghệ thuật
* Văn chương
Từ cuối thế kỷ XIX, một học giả phương Tây đã nhận xét về văn chương, nghệ thuật của Thăng Long - Hà Nội “là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, về kỹ thuật, thương nghiệp, sự giầu có, dân số đông đúc, lịch duyệt và học vấn” (De la Liraye - Paris 1884).
Có thế nói văn chương của Thăng Long - Hà Nội là văn chương của cả nước được sáng tạo ở Thăng Long - Hà Nội và văn chương của chính người Thăng Long - Hà Nội, trải qua hàng chục thế kỷ đã tạo nên một kho tàng to lớn về tác giả, tác phẩm, về công chúng tiếp nhận và sự phát triển cao về nội dung và hình thức.
- Về văn chương dân gian, Thăng Long - Hà Nội có hàng nghìn tác phẩm đủ các thể loại: truyện thần thoại, truyện cổ tích, thần tích, các giai thoại, truyện tiếu lâm và ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, truyện thơ dài... Nội dung văn chương dân gian phong phú phản ánh lịch sử dựng nước, giữ nước, hình thành phát triển của vùng đất Thăng Long - Hà Nội.
Ngoài ra, văn chương dân gian còn phản ánh đời sống lao động, sản xuất, đấu tranh xã hội, tâm hồn, tình cảm của nhân dân. Trong văn chương dân gian còn chứa đựng những tri thức, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn, buôn bán của người nông dân, người thị dân. Văn chương dân gian như một cuốn bách khoa thư về con người và xã hội của Thăng Long - Hà Nội trải qua lịch sử mấy nghìn năm qua.
Ngày nay, văn chương dân gian vẫn được tiếp tục sáng tạo trong đời sống đô thị, vẫn được trao truyền trong nhân dân. Bởi văn chương dân gian vẫn còn có ý nghĩa tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục con người, thỏa mãn nhu cầu tinh thần cho nhân dân.
Văn chương dân gian cũng góp phần vào phát triển kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp: góp phần trao truyền kinh nghiệm sản xuất, quảng bá thương hiệu ngành nghề, động viên, khích lệ sự sáng tạo và niềm tự hào về con người và mạch đất Thăng Long - Hà Nội.
Chẳng hạn, một câu thành ngữ “Giò Chèm, nem Vẽ”, “Cốm Vòng, chả Vọng” hay câu ca dao “Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây” đã nói đến thương hiệu và niềm tự hào về các sản phẩm của Thăng Long - Hà Nội.
- Về văn chương bác học, Thăng Long - Hà Nội là nơi sống và sáng tác của hầu hết nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc trong mọi thời đại. Đồng thời cũng là nơi xuất bản, truyền bá các tác phẩm văn chương bác học nhiều triều đại phong kiến ở nước ta (Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc) và đặc biệt là thời cận, hiện đại của nước ta.
Một vài con số thống kê sau đây, tuy chưa đầy đủ nhưng cũng đã nói lên mức độ phong phú, đa dạng văn chương bác học ở Thăng Long - Hà Nội: Thời Lý còn lại đến nay chừng 80 tác giả với khoảng 150 tác phẩm; Thời Trần với trên dưới 150 tác giả với hơn 1000 tác phẩm; Thời Lê với 300 tác giả để lại vài nghìn tác phẩm, riêng thời Lê sơ (thế kỷ XV) với 150 tác giả và hơn 1.000 tác phẩm.
Các tác giả nổi tiếng có thể kể đến Vạn Hạnh thiền sư, Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông, Không Lộ thiền sư (thời Lý); Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn (thời Trần); Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Thánh Tông, Lý Tử Tấn (thời Lê sơ); Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ (thời Mạc); Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương (thời Hậu Lê); Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan... (thời Nguyễn).
Giá trị của văn chương thời đó còn mãi với thời gian, thấm sâu vào tâm thức người Thăng Long - Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô anh hùng và vì hòa bình hiện nay.
Từ khi người Pháp thống trị nước ta, người Hà Nội đã tiếp nhận một nền văn chương mới, với tài năng sáng tạo những văn nghệ sĩ sống trên đất Hà Nội đã tạo ra một kho tàng thơ ca mới và tiểu thuyết hiện đại. Hàng chục những tên tuổi trong làng văn chương thời đó mãi mãi là niềm tự hào của người Thăng Long - Hà Nội như: Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, nhóm Tự lực văn đoàn...
Sau cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hà Nội đã tập hợp được một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu, họ đã sáng tạo ra một nền văn chương cách mạng “tiên phong chống đế quốc”.
Họ là những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hoặc công tác, sinh sống lâu dài ở Hà Nội, tiêu biểu như: Tố Hữu, Xuân Thủy, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Quang Dũng, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Lưu Quang Vũ (thơ); Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh...
Các tác phẩm văn chương cách mạng, hiện đại đã phản ánh và góp phần xây dựng nên phẩm chất của con người Việt Nam nói chung và con người Hà Nội hiện nay - chủ nhân của Thủ đô anh hùng của chúng ta.
* Nghệ thuật
Thăng Long xưa là thành phố “đứng đầu vương quốc về nghệ thuật” bởi sự đa dạng của các ngành nghệ thuật truyền thống vừa dân gian vừa bác học. Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ rõ nền nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội đã phát triển khá phong phú từ triều đại nhà Lý thế kỷ XI.
- Âm nhạc với các làn điệu dân ca, hát chèo, hát ca trù, trống quân, sa mạc, chèo tàu... đến nhã nhạc cung đình đã ra đời từ thời Lý, Trần, Hồ, Lê khá phổ biến trong dân gian và cả tầng lớp quý tộc.
- Múa được ghi lại từ thế kỷ XII: múa rối nước, rối que và rối bóng, múa Con đĩ đánh bồng (Triều Khúc), múa Bà Bông (Phú Xuyên), múa Cờ (hội Gióng), múa sư tử, múa Rồng... Người ta đã thống kê Thăng Long - Hà Nội có tới 50 điệu múa.
- Diễn xướng: nghệ thuật chèo ra đời từ rất lâu trong các làng xã vùng Thăng Long, nghệ thuật Tuồng được tiếp nhận từ thời Trần vào Thăng Long.
- Tranh, tượng ở Thăng Long - Hà Nội cũng phát triển rất sớm gắn với sự phát triển của Phật giáo. Sử sách đã ghi lại việc triều đình Lý - Trần cho vẽ tranh Phật, đúc tượng Phật, vẽ tranh chân dung các công thần có công chống giặc. Thời nhà Mạc, nhà vua sai vẽ tranh chân dung các vương công, tôn thất hoàng tộc.
Tranh dân gian Hàng Trống với đề tài lịch sử: Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi... đạt trình độ cao, đặc sắc không thua kém tranh Đông Hồ.
Sau này, khi người Pháp đưa nền hội họa hiện đại vào nước ta, mở trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, Hà Nội là trung tâm của nền mỹ thuật Đông Dương, nhiều họa sĩ nổi tiếng xuất hiện như Trương Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn... đã để lại một kho tàng tác phẩm nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Nghệ thuật đúc, tạc tượng của Thăng Long - Hà Nội cũng đạt đến trình độ cao với đề tài tôn giáo tín ngưỡng có các tượng Phật, thượng thần thánh tại các đền, chùa ở nội và ngoại thành. Chẳng hạn, tượng các vị La Hán ở chùa Tây Phương, tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, tượng vua Lê ở Hồ Gươm...
Nghệ thuật khảm trai, khảm xà cừ, dát vàng, gò đồng, nghệ thuật làm con rối, nghệ thuật nặn tò he rất đặc sắc. Nghệ thuật làm đồ gốm trang trí các công trình kiến trúc tại các đài, các cung điện trong Hoàng thành Thăng Long - một di sản văn hóa của thế giới.
Ngày nay, nền nghệ thuật gốm trang trí đã phát triển với bức tranh gốm dài gần 4.00 m trên đê sông Hồng đuợc ghi vào kỷ lục guinness của thế giới. Nghệ thuật gốm, sứ trang trí cùng với nền nghệ thuật điêu khắc, hội họa đã đạt được những giá trị mới trên con đường phát triển.
- Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội truyền thống và hiện đại cũng cần được ghi nhận. Các công trình thành quách, đài, các, đình, chùa, đền, miếu, khá phong phú (chúng tôi sẽ trình bày ở phần văn hóa vật thể).
- Di sản văn hóa tinh thần của Thăng Long - Hà Nội như một nguồn lực văn hóa quan trọng đó là các tri thức truyền thống (tri thức bản địa), công nghệ truyền thống của các nghề thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Trên đất Thăng Long - Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, phố nghề với 200 nghề truyền thống tinh xảo.
Ở đây, chúng tôi chỉ nói đến yếu tố tri thức, công nghệ, kỹ năng, kỹ thuật bí quyết ngành nghề là những yếu tố tinh thần của các làng nghề, phố nghề truyền thống, các làng nghề, phố nghề, sản phẩm được sản xuất với tư cách là di sản văn hóa vật thể sẽ đề cập ở phần sau.
3. Nguồn lực văn hóa vật thể hóa của Thăng Long - Hà Nội
3.1. Các nguồn lực văn hóa vật thể truyền thống
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng, bảo tồn được một nguồn tài sản văn hóa vật thể to lớn và quý giá. Đó là các khu di tích thành quách, công trình tôn giáo, công trình văn hóa, cảnh quan, thắng cảnh, phố cổ, làng cổ...
Theo số liệu điều tra chưa đầy đủ, Thăng Long - Hà Nội có khoảng hơn 3000 di tích, cảnh quan đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố (tỉnh trước đây), trong đó có 2 di tích được UNESCO công nhân là di sản văn hóa vật thể của nhân loại (Hoàng thành Thăng Long và Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Các di tích văn hóa có thể phân loại sơ bộ như sau:
- Di tích thành quách: thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long, thành cổ Sơn Tây là những công trình tiêu biểu, có giá trị.
- Di tích kiến trúc tôn giáo:
+ Chùa: chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Tây Phương, chùa Kim Liên, chùa Liên Phái, chùa Thánh Chúa, chùa Hòe Nhai, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, chùa Hương, chùa Mía, chùa Đậu...
+ Đình: đình Kim Liên, đình Quan Nhân, đình Tây Đằng, đình Vân La, đình Tây Tựu, đình Mông Phụ...
+ Đền: đền Chèm, đền Quán Thánh, đề Voi Phục, đền Đồng Nhân, đền Bạch Mã, đền Đồng Cổ, đền Đức Thánh Cả...
+ Phủ: phủ Tây Hồ.
- Di tích cảnh quan: khi di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích Phù Đổng, khu di tích Ỷ Lan, khu di tích đền Ngọc Sơn, khu di tích Phủ Chủ tịch...
- Di tích thắng cảnh: Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, núi Tản - sông Đà, núi Nùng - sông Tô, công viên Thủ Lệ, công viên Bách Thảo...
- Phố cổ, làng cổ, phố nghề, làng nghề: Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường, trong đó có các khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm. Trong các phố cổ, có 245 nhà cổ, 611 ngôi nhà cũ. Ngoài ra, tại các khu phố cổ còn có 60 đình, 859 công trình kiến trúc có giá trị.
Trên các đường phố Hà Nội còn lại hơn 900 ngôi biệt thự theo kiến trúc hiện đại kết hợp nghệ thuật kiến trúc châu Âu (Pháp, Italy) với kiến trúc phương Đông (Việt Nam). Các công trình kiến trúc nổi tiếng như Nhà hát lớn, Bảo tàng lịch Quốc gia, Phủ Chủ tịch, Lâu đài Bộ Ngoại giao, trường Đại học Đông Dương. Ngoại thành Hà Nội có nhiều làng cổ: 9 làng ở Đường Lâm (Sơn Tây) và nhiều làng khác ở Từ Liêm, Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai...
- Sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề
+ Nghề thủ công mỹ nghệ: Đúc, gò đồng, chạm vàng, bạc (4 làng, phố nghề); khảm và sơn mài (10 làng); khắc, chạm (6 làng); sơn, tạc tượng (2 làng), tranh (1 phố), chụp ảnh (1 làng), thêu (20 làng)...
+ Nghề thủ công sản xuất vật dụng: dệt tơ lụa (4 làng), dệt vải (6 làng), dệt thảm (1 làng); mũ nón (10 làng); đan mây tre (36 làng); mộc dân dụng (10 làng); gốm (1 làng)...
+ Trồng hoa, cây cảnh, cá cảnh (5 làng và phường); làm thuốc nam (26 làng)
+ Chế biến thực phẩm: giò, chả, nem (3 làng); bánh, bún (10 làng); chè búp (9 làng), chế biến các loại lương thực (20 làng).
+ Cơ khí - kim khí: chỉ tạo dụng cụ, công cụ sản xuất (10 làng- phố).
Các sản phẩm thủ công nghiệp nổi tiếng: gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, nón lá làng Chuông, gỗ mỹ nghệ Đông Anh, vàng bạc, đá quý Hàng Bạc...
Từ những con số thống kê trên cho thấy, Thăng Long - Hà Nội có một kho tàng di sản vật thể to lớn, phong phú và đa dạng. Đây là một “tài sản vô giá” mà người Thăng Long - Hà Nội và cả nước đã sáng tạo ra. Chúng đã, đang và sẽ là nguồn lực văn hóa to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô hiện nay và trong tương lai.
3.2. Nguồn lực văn hóa vật thể hiện đại (những thiết chế văn hóa)
Chúng tôi chưa thể thống kê được tất cả các thiết chế văn hóa hiện đại ở Hà Nội hiện nay (bao gồm các thiết chế của Thủ đô và của cả nước tạo ra) trên tất cả các lĩnh vực của văn hóa. Vì vậy, chúng tôi chỉ nêu một số lĩnh vực và một số số liệu có tính thống kê mà thôi.
- Số đơn vị nghệ thuật của Hà Nội (ca múa nhạc, chèo và tổng hợp, múa rối): có 6 đoàn trên tổng số 28 đoàn của vùng đồng bằng Bắc Bộ và trên 134 đoàn của cả nước (chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh). Chưa kể gần chục đoàn của Trung ương ở Hà Nội.
- Số rạp chiếu phim và Nhà hát của Hà Nội là 21 trên tổng số 70 rạp của vùng đồng bằng Bắc Bộ và trên 435 của cả nước, chưa kể rạp và nhà hát của các doanh nghiệp đơn vị văn hóa - nghệ thuật của Trung ương ở Hà Nội.
- Số cơ quan báo chí, xuất bản của Hà Nội là 20 đơn vị, chưa kể gần 100 cơ quan báo chí của Trung ương ở Hà Nội.
- Số thư viện của Hà Nội là 32 đơn vị trên 138 của cả vùng và 713 của cả nước, chưa kể hàng chục thư viện của Trung ương và của trường đại học, học viện, cơ quan nghiên cứu ở Hà Nội.
- Số công viên của Hà Nội chừng 20 công viên lớn nhỏ của Hà Nội hoặc của cả nước mà Hà Nội quản lý.
- Số bảo tàng: Hà Nội có hàng chục bảo tàng quốc gia và ngành bên cạnh bảo tàng tổng hợp của Hà Nội vừa được xây dựng.
Ngoài ra, Hà Nội còn có hàng nghìn cửa hàng cung cấp các “dịch vụ văn hóa” chụp ảnh, hiệu sách, karaoke, trang điểm, vũ trường, các galery tranh...
Nhiều công trình văn hóa lớn của Hà Nội và của cả nước được xây dựng trên đất Hà Nội như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hà Nội, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Công viên Hòa Bình, Công viên giải trí Bảo Sơn, khu liên hợp Chiếu phim Quốc gia, khu liên hợp thể thao Mỹ Đĩnh. Đây là những công trình lớn đã và sẽ thu hút đông đảo công chúng tham gia sinh hoạt văn hóa, giải trí...
Tất cả thiết chế văn hóa truyền thống (di sản văn hóa) và sản phẩm văn hóa hiện đại sẽ tạo thành nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí sẽ góp phần to lớn cho sự phát triển kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực xã hội.
Để kết luận, chúng tôi xin trả lời câu hỏi mà lãnh đạo Thủ đô Hà Nội đã đặt ra từ năm 2010 “Trong mười, hai mươi năm tới, Thủ đô sẽ phát triển bứt phá bằng những nguồn lực nào? theo phương hướng, giải pháp nào? Đó là câu hỏi đặt ra trước Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hà Nội, đồng thời thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, các cán bộ quản lý”.
Có thể thấy, đó chính là nguồn lực văn hóa truyền thống và hiện đại của Thủ đô Hà Nội mà chúng tôi trình bày trong chuyên đề này (là một trong “những nguồn lực” phải được khai thác). Chỉ tiếc là đến nay, chúng ta mới bàn đến vấn đề này, thì đã quá muộn, song dẫu sao, như người ta nói “muộn còn hơn không”.