Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam

Dịp kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL đã có tham luận, trong đó nêu giá trị thực tiễn của đề cương trong phát triển văn hóa, xây dựng con người.

De cuong van hoa anh 1

Gói bánh dịp Tết ở cố đô Huế. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.

Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ có giá trị về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa lớn lao trong việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội ở nước ta. Việc vận dụng và phát huy tinh thần, luận điểm, nguyên tắc về phát triển văn hóa được đặt ra trong Đề cương với ý nghĩa như một cương lĩnh về văn hóa của Đảng đã thực sự mang lại nhiều chuyển dịch và kết quả quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong suốt tám thập niên qua.

- Mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa từng bước được điều chỉnh theo hướng hài hòa, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân

Ngay từ khi ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm của phát triển văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh quần chúng và giới trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng để cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Qua tổng kết lý luận và tình hình thực tiễn, mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa ở nước ta từng bước được điều chỉnh theo hướng hài hòa và lành mạnh hơn thông qua việc sử dụng hợp lý các công cụ quản lý hiện đại và đổi mới cơ chế, phương thức quản lý.

Với vai trò là người lãnh đạo sự nghiệp văn hóa, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhằm thể chế hóa các quan điểm, tạo lập nền tảng và định hướng cho việc xây dựng khuôn khổ chính sách văn hóa ở Việt Nam. Trong khi đó, Nhà nước từ vị trí là người chỉ huy đã chuyển sang vai trò của nhà quản lý và bảo trợ. Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cũng thực hiện việc phân cấp, phân quyền trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc thống nhất về hành chính quốc gia và đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các cơ chế và phương tiện để thúc đẩy và hỗ trợ sự tham gia của nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa và người dân nói chung vào các đối thoại chính sách đã được xây dựng và phát triển.

Từ sự chuyển dịch mang tính cấu trúc này, vai trò của hệ thống chính sách, pháp luật được đề cao ở nước ta. Các văn bản pháp luật với vai trò là công cụ điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong từng lĩnh vực cụ thể của khu vực văn hóa được chú trọng xây dựng và hoàn thiện. Trong lĩnh vực văn hóa, hiện Việt Nam đã có 5 luật (Luật điện ảnh, Luật di sản văn hóa, Luật quảng cáo, Luật sở hữu trí tuệ, Luật thư viện), 50 nghị định, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 thông tư, thông tư liên tịch được điều chỉnh trực tiếp.

Các đạo luật này đã từng bước tạo ra một khuôn khổ pháp lý tương đối nhất quán và hợp lý, tạo lập môi trường vận hành thuận lợi cho các hoạt động văn hóa. Đặc biệt, các văn bản hiện hành đã góp phần thể chế hóa và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng, tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa của người dân.

- Phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam được phát huy, hướng tới phát triển con người toàn diện

Mỗi cá nhân công dân Việt Nam, dù ở vị trí lãnh đạo, quản lý, thực hành sáng tạo hay công chúng, đều là nhân tố có sức ảnh hưởng đến quá trình phát triển văn hóa. Phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Nền tảng tinh thần của Đề cương trong nhiều thập kỷ đã được bổ sung và phát triển qua các văn kiện sau này của Đảng, một số chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, bao gồm cả các giá trị truyền thống (yêu nước, nhân ái, đoàn kết...) và các giá trị hiện đại (năng lực sáng tạo, tôn trọng pháp luật...), đã từng bước được thể chế hóa, đưa vào các văn bản pháp luật, quy ước, hương ước làng, xã, quy chế, quy tắc, nội quy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, các chương trình nghiên cứu... được mở rộng nhằm nhận diện, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của xã hội về hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người Việt Nam.

Công tác nghiên cứu, giáo dục, đào tạo được chú trọng, trong đó kết hợp giữa dạy chữ, dạy kỹ năng, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Việt Nam. Ngoài hệ thống giáo dục chính quy, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng được đầu tư như một phương thức để nâng cao trình độ thẩm mỹ, phát triển kỹ năng và tri thức cho người dân ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt, hệ thống thiết chế văn hóa được Nhà nước chú trọng đầu tư ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần không nhỏ vào việc thu hẹp khoảng cách trong hưởng thụ văn hóa giữa các bộ phận cư dân, giúp bảo đảm nguyên tắc công bằng, dân chủ hóa trong phát triển văn hóa.

Môi trường văn hóa được cải thiện, đặc biệt là tại các thiết chế văn hóa, các đơn vị, tổ chức văn hóa. Kết quả này đóng góp không nhỏ vào việc phát huy năng lực của chủ thể văn hóa và nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Hơn thế nữa, việc xây dựng môi trường văn hóa được quan tâm một cách thực chất và có chiều sâu đã và đang tạo ra diện mạo mới cho đời sống văn hóa cơ sở, kiến tạo các quan hệ hợp tác lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

- Văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy hiệu quả, đi cùng với việc đẩy mạnh giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế

Việt Nam lưu giữ hệ thống di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong suốt những thập niên qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế đã từng bước được xác lập và vận hành trên thực tế. Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được ghi danh vào danh mục quốc gia, quốc tế như một cách ghi nhận và bảo tồn các giá trị lịch sử, giáo dục và sự đặc sắc về nghệ thuật.

Bên cạnh đó, di sản văn hóa đã và đang trở thành một yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và là mấu chốt quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến du lịch.

Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể được phát huy. Nhà nước tham gia vào quá trình này với tư cách là người bảo trợ và tạo điều kiện thông qua việc ban hành các cơ chế ưu đãi, khuyến khích và đãi ngộ đối với các cá nhân và cộng đồng liên quan.

Đi cùng việc bảo tồn văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại là một xu thế tất yếu, đặc biệt được đẩy mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Trong thời gian qua, từ việc đóng cửa với thế giới, Việt Nam đã có sự chuyển dịch tích cực sau khi ban hành chủ trương đổi mới. Chúng ta đã chủ động mở cửa hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, mở cửa thị trường văn hóa cho các doanh nghiệp nước ngoài...

Trong suốt quá trình này, nhiều giá trị văn hóa của các nước trong khu vực và trên thế giới đã từng bước du nhập vào Việt Nam, được người dân đón nhận và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, thông qua vai trò của các tổ chức quốc tế, đội ngũ cán bộ văn hóa, giới thực hành và các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã có cơ hội tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa, nâng cao năng lực và hiểu biết về văn hóa các nước, từ đó rút ra các bài học để áp dụng trong nước.

Ở chiều hướng ngược lại, nhiều hoạt động nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam, nâng cao thương hiệu và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế cũng được thực hiện (Tuần lễ văn hóa Việt Nam, Ngày văn hóa Việt Nam và các sự kiện khác). Việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển các sản phẩm văn hóa phục vụ xuất khẩu cũng được đẩy mạnh như một cách thức để gia tăng giá trị kinh tế của văn hóa và quảng bá hình ảnh của đất nước.

- Việc gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động

Việc hiện thực hóa quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam về mặt trận văn hóa tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với mặt trận chính trị và kinh tế luôn được Đảng ta chú trọng. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã khẳng định: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”. Xây dựng văn hóa trong kinh tế là một bước tiến cả trong tư duy lý luận của Đảng cũng như trong triển khai tổ chức thực hiện ở nước ta, nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa văn hóa và kinh tế; có giá trị thiết thực và ý nghĩa lâu dài thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển bền vững trong những năm tới.

Từ nhận thức này, các hành động cụ thể đã được thực hiện nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, phát huy tối đa vai trò và đóng góp của lĩnh vực này. Minh chứng điển hình cho nỗ lực này chính là việc ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào năm 2016. Chiến lược đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc kiến tạo môi trường thể chế thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa khai thác và chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ có sức hấp dẫn. Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã tích cực triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, mang lại những đóng góp nhất định vào tăng trưởng GDP của cả nước. Theo thống kê, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP cả nước năm 2018. Sự thay đổi này cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa bước đầu phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa và chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Nhìn chung, trong suốt tám thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa và con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vai trò của văn hóa như một nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển toàn diện của kinh tế - xã hội đất nước từng bước được hiện thực hóa. Văn hóa có đóng góp như một lĩnh vực độc lập và như một thành tố nằm xuyên suốt trong các lĩnh vực khác.

Các nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc đổi mới thể chế, chính sách, phương thức quản lý đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa các chủ thể, từ đó giúp phát huy năng lực và phẩm chất của con người Việt Nam, nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa và phát huy được các giá trị văn hóa. Đây là phương hướng phát triển tương ứng với khuôn khổ và mô hình phổ biến trên phạm vi quốc tế hiện nay, cũng phù hợp với bối cảnh cụ thể của Việt Nam.

Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân. Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ.

Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức. Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế còn chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa cải thiện hiệu quả tình trạng bất bình đẳng giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Giá trị lý luận của Đề cương về văn hóa Việt Nam

Toàn văn tham luận của ông Nguyễn Văn Hùng cho Hội thảo khoa học cấp quốc gia: 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - khởi nguồn và động lực phát triển.

Bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm của văn học nghệ thuật Việt Nam

Dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn học nghệ thuật cần phát huy thành tựu, không ngừng vượt lên trước vô vàn thách thức trong bối cảnh mới.

'Khong thieu tac gia nhi' hinh anh

'Không thiếu tác giả nhí'

0

Tiếp nối một chia sẻ gần đây của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Trần Minh Quốc nhận định rằng hiện nay không phải thiếu tác giả nhí, mà do các em chưa được phát hiện, phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Bạn có thể quan tâm