Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Để cải lương không phải là thể loại 'chỉ người lớn mới nghe'

Buổi học chuyên đề “tìm về diễn xướng dân gian ở Nam Bộ” đem đến cho học sinh những kiến thức cơ bản và cảm hứng để tìm hiểu về văn hóa dân gian của địa phương mình.

van hoc dan gian anh 1

Học sinh khối 10 tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) tìm hiểu về văn học dân gian. Ảnh: Thanh Trần.

Là một học sinh lớp 10, Trần Đặng Hồng Ngọc đã quen với dòng nhạc Pop thịnh hành cũng như nhiều phương tiện giải trí của thế hệ trẻ. Cải lương, hò,... trong ấn tượng của Ngọc là thể loại mà "chỉ có người lớn mới nghe”.

Trong buổi học chuyên đề “Tìm về diễn xướng dân gian ở Nam Bộ” sáng ngày 17/3, Ngọc và các học sinh lớp 10 tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã có dịp tìm hiểu về văn hoá dân gian theo một cách mới lạ và độc đáo hơn. Chuyên đề được dẫn dắt bởi nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nam bộ Huỳnh Ngọc Trảng, lồng ghép với các tiết mục cải lương, lý, đờn ca tài tử, được biểu diễn trực tiếp tại trường học.

“Mình đã hoàn toàn không sử dụng các thiết bị điện tử mà thật sự lắng nghe, bởi đây là một cơ hội để mình hiểu hơn về những nét văn hoá truyền thống, văn nghệ Nam bộ. Nó thật sự chạm đến trong tâm hồn và mình cảm thấy nó thật sự hay và ý nghĩa chứ không hề nhàm chán như từng nghĩ trước đây. Đối với các loại hình diễn xướng dân gian, có lẽ không chỉ người lớn mới nghe mà giới trẻ cũng có thể nghe và có cảm nhận riêng của mình”, Hồng Ngọc chia sẻ.

Đưa học sinh đến với văn hóa dân gian

Cô Nguyễn Thị Hồng Chương - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) - cho biết chuyên đề “Tìm về diễn xướng dân gian ở Nam Bộ” là một trong 8 chuyên đề được dự kiến tổ chức trong năm học, là một phần của môn học Giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế,... của thành phố.

“Các loại hình diễn xướng dân gian tuy đã cũ, nhưng với các em học sinh lại là mới. Trong một môi trường rất hiện đại, chúng tôi cố gắng giới thiệu cho các em những giá trị văn hóa to lớn của thế hệ ông cha ngày xưa. Từ những làn điệu dân ca với cách phối hiện đại, các em có thể hiểu hơn, yêu hơn về quê hương, về đất nước, về con người. Vì thế mỗi chuyên đề sẽ có những phương pháp khác nhau để các em học sinh đến với văn hóa dân gian bằng cái tâm, bằng sự thích thú chứ không phải miễn cưỡng”, cô Hồng Chương nói.

van hoc dan gian anh 2

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (bên phải) trong buổi nói chuyện với các em học sinh. Ảnh: Thanh Trần.

Còn đối với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và sưu tầm văn hoá dân gian như Tổng tập Văn học dân gian Nam Bộ (tập I - II - III), Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội,... - đây là một buổi chia sẻ tuy khó nhưng cũng đáng mừng vì các em đã có thể nhận diện một số loại hình diễn xướng dân gian ngay tại vùng đất mình được sinh ra và lớn lên.

“Để đem những công trình nghiên cứu mấy mươi năm ra và chia sẻ với các em trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, đây là buổi nói chuyện khó nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không thảo luận quá học thuật mà chỉ chia sẻ theo cách phù hợp nhất với các em, nhưng sau cùng, tôi muốn cho các em biết ở địa phương này cơ bản có những gì. Còn về nội dung, đặc điểm, tính chất của chúng, tôi hy vọng các em sau này có thể tìm hiểu thêm”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ.

Sự tiếp biến của văn hoá

Diễn xướng dân gian hiểu đơn giản là các hình thức thể hiện các thể loại văn học dân gian - tức thành phần ngôn từ của văn hóa dân gian. Diễn xướng dân gian ở Nam bộ bao gồm các thể loại Hò, hát, nói vè, nói thơ và các loại hình diễn xướng tổng hợp, tức các loại hình diễn xướng bao gồm ca, nhạc, múa, trò diễn.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, nói đến văn hoá dân gian Nam bộ chính là nói về một sự diễn tiến văn hoá tại vùng đất phương Nam. Kho tàng dân ca, kho tàng hát ru được những người di dân miền Bắc, miền Trung mang vào miền Nam từ những ngày đầu khai hoang. Trên hành trang đầy ắp những điệu hát câu hò, qua từng chặng đường, họ tiếp nhận dòng chảy văn hoá của các tộc người khác như người Hoa, người Khmer, người Chăm và cả của văn hoá phương Tây. Họ không chỉ thay đổi câu hát, mà còn thay đổi cả nhịp điệu để phù hợp với cuộc sống miền sông nước.

van hoc dan gian anh 3

Trích đoạn cải lương Hòn vọng phu để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho các em học sinh. Ảnh: Thanh Trần.

Các loại hình diễn xướng này được thể hiện trong các hình thái lao động (chèo ghe, cấy lúa, giã gạo...), trong môi trường sinh hoạt vui chơi, giao đãi tình cảm lẫn trong môi trường nghi lễ phong tục. Nói cách khác, chúng đảm nhận hầu hết mọi chức năng của cuộc sống cộng đồng trong thời kỳ xa xưa ở vùng đất phương Nam. Đất Gia Định - Sài Gòn đã trải qua nhiều biến cố, điệu hát câu hò vì thế cũng chịu tác động bởi lịch sử và bảo lưu những ký ức xa xăm của quá khứ.

“Nó không chỉ đem lại kiến thức mới, mà còn để lại chút gì đó xao xuyến khó tả dù bình thường mình chỉ nghe nhạc trẻ là chính”, bạn Nguyễn Hữu Trí, học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, chia sẻ.

“Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Có thể thấy, những câu hò đã lưu lại tâm tình của những người dân nghèo Nam tiến mở đất. Lắng nghe những câu ca dao, những thế hệ trẻ tuy chưa lớn lên trong thời đại mới vẫn có thể hình dung được một bối cảnh hoang vu, nguy hiểm của cộng đồng những người lưu dân đầu tiên. Những câu hát cũng là cơ sở để sáng tác ra những tác phẩm văn học dân gian, và trở nên phổ biến và lưu truyền đến ngày nay.

“Do chưa có nhiều chương trình về diễn xướng, người trẻ thường có một khoảng trống khi tìm hiểu về diễn xướng dân gian. Chúng ta thuộc rất nhiều câu ca dao, nhưng không biết câu ca dao đó khi hát lý thì như thế nào, đem ra hát hò cấy lúa, hát ru con thì sao. Công việc của tôi là đi sưu tầm, cứu vớt những gì sắp mất đi và giữ lại như một dữ liệu làm vốn liếng. Còn việc sử dụng vốn liếng đó như thế nào thì tôi để cho các thế hệ sau này quyết định”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ.

Khám phá Văn học dân gian Nam bộ qua thể loại vè

NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành bộ sách "Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ - Vè Nam bộ" do Huỳnh Ngọc Trảng và Phạm Thiếu Hương biên soạn.

Cô gái 9X ra mắt sách về diễn xướng dân gian

“Hồi bé, nội em rất thích cải lương. Em nghe cùng nội, riết rồi mê lúc nào không hay”, Hồ Phương Thảo bắt đầu như vậy khi trò chuyện về artbook "Gánh hát lưu diễn muôn phương".

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm