Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm tại hội thảo sáng 18/3. Ảnh: Minh Hùng. |
Hội thảo "Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn" diễn ra sáng 18/3 tại Bảo tàng Hà Nội nhân dịp Hội báo toàn quốc 2023 thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan. Tại đây, các lo lắng cùng kỳ vọng về tương lai của ngành báo chí được đặt ra, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang có những bước tiến vượt bậc.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã nêu quan điểm cho rằng khi biết ứng dụng AI vào công việc, chúng ta có thể loại bỏ những công việc dư thừa và đích đến của việc ứng dụng AI là làm cho công việc của nhà báo tốt hơn, với chi phí hợp lý hơn.
Nguy cơ và thách thức mà AI đặt ra
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm nói: “Hiện nay, thuật toán đang quyết định xem chúng ta xem cái gì. Chúng ta chịu ảnh hưởng của thuật toán. Nó nắm được hành vi của mình, gợi ý cho mình những gì mình muốn xem, gợi ý những bài nội dung có đồng quan điểm, khiến mình cảm thấy có lý”.
Ông cho rằng điều này rất nguy hiểm. Khi ấy, quá trình nghiên cứu, tìm tòi sẽ là quá trình chứng minh định kiến chứ không phải là đi tìm sự thật nữa.
Cái nguy hiểm của công nghệ nằm ở chỗ nó cho chúng ta những cái nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Trong quá trình ấy, công nghệ cho chúng ta biết chúng ta nên nghĩ như thế nào luôn. Vì lẽ này, cả độc giả lẫn người làm báo trong thời đại mới cần tỉnh táo.
Với sự phát triển của công nghệ, người làm báo đứng trước mối đe dọa cạnh tranh về nguồn thu mạnh mẽ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân, cho rằng với sự phát triển của công nghệ, người làm báo đứng trước mối đe dọa cạnh tranh về nguồn thu mạnh mẽ hơn trước.
Đơn cử ChatGPT hiện nay, về cơ bản là tập hợp nguồn tin từ nhiều nguồn, khi người dùng chọn hỏi ChatGPT, họ nhận được câu trả lời ngắn gọn, tổng hợp và không chọn đọc các tin bài hoàn chỉnh nữa. Điều này sẽ khiến các báo mất đi độc giả. Ông ước chừng trong tương lai, lượng truy cập của các báo sẽ giảm đi đến 50%.
Bên cạnh đó, TS Tạ Bích Loan, Trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí VTV3, nhắc đến sự cạnh tranh về lòng tin, khi mà độc giả tin rằng AI tập hợp nhiều nguồn tin nên xác đáng hơn, từ đó, không chọn đọc báo chí chính thống.
Các diễn giả trong hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”. Ảnh: Minh Hùng. |
Vẫn cần đầu tư vào AI trong báo chí
Mặc cho những nguy cơ nói trên, ông Lê Quốc Minh cho rằng nền báo chí nước nhà rất cần đầu tư ứng dụng AI vào công việc báo chí. AI không chỉ là sáng tạo nội dung, mà có nhiều chức năng khác có thể hữu ích, tối ưu báo chí, hỗ trợ các nhà báo trong việc tổng hợp thông tin, tạo biểu đồ, trình bày các dạng bài đặc biệt...
Ngoài ra, AI cũng có thể giúp cá nhân hóa trải nghiệm cho độc giả, thông qua việc theo dõi hoạt động người dùng để đưa ra những gợi ý phù hợp.
Ông khẳng định: "Con đường báo chí đang đi chắc chắn có sự đồng hành của công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Nó sẽ hỗ trợ chúng ta làm được rất nhiều việc, giảm bớt các công việc tủn mủn, lặp đi lặp lại, tốn nhiều công sức".
Khi ấy, các nhà báo có thời gian để tập trung vào những công việc đòi hỏi sáng tạo, cần cảm xúc, những công việc đặc thù như phỏng vấn đối tượng...
Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng đồng tình về điểm này, cho rằng khi biết ứng dụng AI vào công việc, chúng ta có thể loại bỏ những công việc dư thừa.
Thế giới bên trong của con người rất sâu rộng và máy móc chưa thể chạm đến được. Vì vậy, báo chí muốn phát triển, người làm báo cần biết kể câu chuyện một cách độc bản, đơn nhất.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng trí tuệ nhân tạo cho thấy chúng ta đang phí sức lực và thời gian vào những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày như thế nào. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo khiến ta đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự của công việc mình đang làm.
Ông nhận định: “Trước khi nói đến chuyện chúng ta nên làm gì, cần nói đến chuyện chúng ta không nên làm gì nữa”.
Ông cho rằng thế giới bên trong của con người cũng rất sâu rộng và máy móc chưa thể chạm đến được. Vì vậy, báo chí muốn phát triển, người làm báo cần biết kể câu chuyện một cách độc bản, đơn nhất.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: "Chúng ta chỉ dùng công nghệ có lợi cho chúng ta chứ không hùa theo những thứ công nghệ làm ta mất đi bản thể". Công nghệ chỉ là công cụ, còn cốt lõi của báo chí vẫn là con người.
"Trách nhiệm" là từ khóa mà ông Nguyễn Thanh Lâm và ông Lê Quốc Minh cho rằng người làm báo cần lưu ý khi sử dụng AI - trí tuệ nhân tạo. Ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định đích đến của việc ứng dụng AI là làm cho công việc của nhà báo tốt hơn, với chi phí hợp lý hơn.
Nhà báo có thể ứng dụng AI để giảm tải công việc, nhưng cần cảnh giác và kiểm nghiệm những thông tin mà AI mang lại. Ảnh minh họa: Cam Cottrill. |
AI có thể giúp nâng tầm báo chí
Chia sẻ tại hội thảo, ThS Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford, Giám đốc công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI, cho rằng những nhà sáng tạo, phát triển AI luôn theo rất sát giới báo chí để phân tích và học hỏi những mô hình tạo nội dung của các nhà báo.
Dù vậy, bà cho rằng đây chưa hẳn là một dấu hiệu tiêu cực. Thực tế, nó tích cực ở chỗ AI có thể hỗ trợ người làm báo.
Bà Trần Lệ Thùy đánh giá rằng hiện nay, ChatGPT mới chỉ dừng ở mức độ khơi gợi ý tưởng chứ chưa thể tạo nội dung với bằng chứng xác đáng. Những thông tin và nguồn dẫn ChatGPT đưa về còn tồn tại nhiều đường dẫn ảo.
Bà cho rằng nhà báo có thể ứng dụng ChatGPT để giảm tải công việc, nhưng đồng thời cũng cần cảnh giác và kiểm nghiệm những thông tin ChatGPT thu thập.
Trên thế giới, nhiều báo đang dần ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác làm báo. Bà cho rằng ChatGPT có thể giúp nâng tầm báo chí, giúp cho người viết viết được sâu hơn.
Bà Trần Lệ Thùy chia sẻ: "Nhà báo ngồi tìm kiếm Google không sẽ không đủ. ChatGPT có thể đem lại bức tranh toàn cảnh hơn. Nhưng sau đấy, nhà báo phải đi khai thác và kiểm nghiệm kỹ thông tin ChatGPT đem về".
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ChatGPT thực tế có thể hữu ích trong việc tập hợp thông tin, tiết kiệm thời gian nghiên cứu cho người viết và tối ưu chất lượng bài viết.
Cần hiểu rằng trí tuệ nhân tạo chưa phát triển đến mức siêu việt, vì vậy, người làm báo khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc cần luôn cảnh giác.