Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đấy giải ngân để đạt được hiệu quả cao nhất. Ảnh: Quochoi. |
Liên quan việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 29/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
"Triển khai giải pháp này, tổng quy mô hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2023 khoảng 700.000 tỷ đồng", lãnh đạo Chính phủ cho hay.
Tiếp tục giảm 2% thuế VAT
Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), nếu được thông qua quy mô giải pháp hỗ trợ này sẽ tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng…
Trường hợp thực hiện đầy đủ các chính sách về miễn, giảm thuế, Phó thủ tướng cho biết trong năm 2024 tổng quy mô của các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất vào khoảng 190.000 tỷ đồng, trong đó gia hạn là 92.000 tỷ đồng, miễn giảm là 98.000 tỷ đồng.
Về việc triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, Phó thủ tướng thừa nhận gói này thực hiện không thành công.
"Chính phủ đã báo cáo đầy đủ trong báo cáo gửi Quốc hội. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhận thấy hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% không cao, năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sử dụng để thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… nhờ đó tổng quy mô hỗ trợ đạt gần 200.000 tỷ đồng", lãnh đạo Chính phủ cho hay.
Năm 2024 tổng quy mô của các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất dự kiến khoảng 190.000 tỷ đồng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đối với những gói liên quan tới đầu tư công của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đấy giải ngân để đạt được hiệu quả cao nhất có thể.
"Trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đến thời điểm hiện nay tuy còn một số khó khăn, nhưng có thể đánh giá tổng thể kết quả đạt được là tích cực. Chính việc triển khai hiệu quả gói này đã góp phần tăng GDP năm 2023 đạt 5,05%. Quý I, GDP tăng 5,66%", Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận.
Đối với công tác quản lý thị trường vàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thời gian qua giá vàng thế giới có xu hướng tăng và giá trong nước cũng biến động tăng theo. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới lại ở mức cao.
Từ tháng 6/2022 tới nay, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN tăng cường quản lý thị trường này. Đến nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã ban hành 25 văn bản chỉ đạo. Trong đó có việc triển khai những công cụ can thiệp để bình ổn, cũng như tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với thị trường vàng.
Vừa qua, NHNN đã triển khai một số giải pháp can thiệp, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Hiện nay, cơ quan này đang đánh giá lại và sẽ triển khai những phương án mới để bình ổn thị trường vàng trong ngắn hạn.
“Về lâu dài sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trước mắt, sẽ sử dụng công cụ quản lý Nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách thực chất về hoạt động của thị trường vàng, trên cơ sở đó có những giải pháp để xử lý theo quy định để bình ổn thị trường vàng bình ổn, đưa giá vàng miếng tiến sát với giá vàng trên thị trường thế giới”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Luật Đất đai mới sẽ giải quyết khó khăn trong định giá đất
Đối với vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến đất đai, giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thừa nhận các ý kiến phát biểu đều liên quan đến tồn tại, hạn chế, yếu kém liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
"Quốc hội đã thông qua 3 luật này, đang được Chính phủ đặt quyết tâm cao sau khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giải quyết khoảng 60% những hạn chế, yếu kém liên quan đến 3 luật trên", Phó thủ tướng nói.
Nếu được Quốc hội cho phép ngày hiệu lực từ 1/7, Chính phủ quyết tâm sẽ làm đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, sẽ có 14 Nghị định, khoảng 10 Thông tư đang được xây dựng hoàn thiện.
Thủ tướng cũng đã khẩn trương chỉ đạo, làm việc với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, sự tham gia của các bộ, ngành sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, đảm bảo tính liên thông trong quá trình đưa luật vào cuộc sống.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng bất cập về định giá đất là nguyên nhân liên quan đến thất thoát trong lĩnh vực này. Ảnh: Quochoi. |
Nói đến vấn đề bất cập định giá đất, lãnh đạo Chính phủ cho rằng đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân liên quan đến thất thoát và khó khăn, đùn đẩy. Làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Phó thủ tướng Hà khẳng định những phản ánh liên quan này chỉ khó khăn trước khi có Luật Đất đai 2024. Sau khi có Luật Đất đai sửa đổi, các địa phương sẽ tin tưởng rõ ràng, cụ thể, minh bạch và có thể triển khai được.
"Chính phủ cũng đã lấy ý kiến các địa phương, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan tư vấn, hội đồng, của người quyết định giá đất", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Chính phủ, trong luật mới đã giải quyết được vấn đề làm sao để có giá đất phù hợp, sát giá thị trường. Khi có dữ liệu về đất đai sẽ áp dụng tốt phương pháp định giá đất hàng loạt theo vùng giá trị có dữ liệu từng thửa đất, từng thời điểm.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.