Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng chỉ số giá tiêu dùng chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Ảnh: Quochoi. |
Giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 29/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết quy định về thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/tháng (tương đương 48 triệu đồng/năm) áp dụng với bản thân người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Đến Luật sửa đổi năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh tăng lên 9 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 2,6 triệu/người/tháng.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Do đó, đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế tăng lên 11 triệu đồng/tháng và với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, hiện nay, người lao động có một người phụ thuộc thì thu nhập 17 triệu đồng/tháng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Người có 2 người phụ thuộc thì thu nhập trên 22 triệu đồng mới phải nộp thuế.
"Hiện nay, chưa trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh này do so với số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân là 4,96 triệu đồng. Mức giảm trừ đã cao hơn thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi tỷ lệ này ở thế giới dưới 1 lần", Bộ trưởng Phớc nói
Bên cạnh đó, theo ông Phớc, mức tăng chỉ số CPI các năm 2021-2023 chỉ khoảng 11,5%, tức chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo luật. "Điều này có nghĩa Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật", ông nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng cho biết hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2026.
"Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Trước đó, tại phiên thảo luận sáng 29/5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng mức giảm trừ hiện nay này chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống.
"Cử tri cho rằng mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng là quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, mà không nên chờ đến 2 năm nữa, nghĩa là đến năm 2026 mới được thông qua như đề xuất", đại biểu nói.
Đại biểu Thủy phân tích mức giảm trừ đối với người phụ thuộc không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế.
"Nhiều cử tri chia sẻ nếu gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng. Nếu gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình. Nếu gia đình có cha mẹ già, không chỉ có ăn uống sinh hoạt mà còn chi phí thuốc men…", đại biểu cho hay.
Vì vậy, theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh thắt lưng, buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.