Phiến quân Taliban ở Afghanistan cho biết chúng đã tung "lực lượng đặc biệt" để đối đầu với các tay súng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). So với các nhóm chiến binh địa phương và bên ngoài, Talian chiếm ưu thế thống trị trong cuộc nổi dậy ở quê nhà. Tuy nhiên, lợi thế này đang bị thách thức từ phía IS, khi nhóm cực đoan ngày càng lớn mạnh.
Đối đầu
Hai nhóm phiến quân tuyên chiến hồi đầu năm nay, sau khi IS thông báo thành lập chi nhánh ở Khorasan, lần đầu tiên mở rộng phạm vi ra ngoài thế giới Arab. Tổ chức này cũng là nhóm phiến quân đầu tiên thách thức lãnh đạo của Taliban Mullah Muhammad Omar.
Các thủ lĩnh al-Qaeda thừa nhận quyền lãnh đạo của Mullah Muhammad Omar, trong khi IS kịch liệt phản đối qua nhiều tuyên bố và video khác nhau, đồng thời tố cáo Taliban thúc đẩy các lợi ích của cơ quan tình báo Pakistan ISI.
Mullah Akhtar Muhammad Mansour, lãnh đạo Taliban bị nghi thiệt mạng trong vụ đấu súng ở làng Kichlak. Ảnh: Reuters |
Để đáp trả IS, Taliban thành lập lực lượng đặc nhiệm từ đầu tháng 10 với hơn 1.000 chiến binh, được trang bị và đào tạo chuyên sâu hơn so với phiến quân Taliban thông thường. Mục tiêu duy nhất của chúng là nghiền nát tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Các nhóm hoạt động đặc biệt được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên khả năng và kinh nghiệm chiến đấu. Chiến binh nằm vùng tại các tỉnh có sự hiện diện của IS và nhiều nơi khác như Nangarhar, Farah, Helmand và Zabul. Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm sẽ được triển khai ở bất cứ nơi nào.
Khi IS lên kế hoạch đánh chiếm Afghanistan hòng hất cẳng đối thủ, Taliban lặng lẽ ra lệnh cho các chỉ huy tấn công bằng mọi biện pháp. Để chiếm giữ hoặc giành lại các vùng lãnh thổ, từ tháng 4, hai bên đã đối đầu nhiều lần. Nangarhar, Helmand, Farah và Zabul là các tỉnh diễn ra nhiều cuộc xung đột khiến hàng trăm tay súng thiệt mạng. Các đơn vị hoạt động đặc biệt của Taliban được cho là đã giết hàng chục phiến quân IS từ tháng 10.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã sát hại hàng chục phiến quân Taliban, chủ yếu ở tỉnh Nangarhar và chặt đầu 10 tên hồi đầu năm. Chúng phục kích Taliban nhiều lần và lùng sục ở bất cứ nơi nào có thể. Hồi tháng 6, vụ việc Mawlawi Mir Ahmad Gul, một thủ lĩnh của Taliban bị ám sát ở Peshawar, được cho là liên quan đến IS.
Theo BBC, IS dường như đã bị đánh bật ra khỏi các khu vực ở phía nam và phía tây. Tuy nhiên, các nhóm chiến binh khác vẫn hoạt động ở đông Afghanistan, đặc biệt là hai tỉnh Nangarhar và Kunar. Lực lượng này cũng đang dồn lực ở phía bắc, nơi chúng muốn liên kết với các nhóm chiến binh Uzbek, Tajik, Chechnya, Uighur và dễ dàng vượt qua biên giới.
Taliban yêu cầu IS chấm dứt việc tạo ra một mặt trận thánh chiến song song. Trong bức thư gửi thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi hôm 16/6, Taliban cảnh báo IS không dòm ngó Afghanistan và khẳng định sẽ bảo vệ những thành quả đã đạt được.
Một tuần sau đó, Abu Muhammad al-Adnani, người phát ngôn chính thức của IS, cáo buộc đối thủ ở Khorasan, Libya và Syria vi phạm tôn giáo. Các tay súng được lệnh "không thương xót hay khoan nhượng" những kẻ không gia nhập IS.
Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: Al- Furqaan Media |
Các cuộc tấn công là trở ngại lớn với các chiến binh mới của IS ở Afghanistan. Nhóm cực đoan bổ nhiệm hai cựu chỉ huy của Taliban là Hafiz Saeed Khan và Abdul Rauf Khadem làm lãnh đạo Korasan. Nhưng chỉ hai tuần sau đó, Khadem chết trong cuộc không kích của Mỹ.
Hồi đầu tháng 7, một chỉ huy chủ chốt khác của IS, kẻ từng tham gia Taliban trước đây, thiệt mạng khi Mỹ dội bom ở tỉnh Nangarhar. Một vài ngày sau đó, cơ quan tình báo Afghanistan thông báo Hafiz Saeed Khan cũng chịu số phận tương tự. Trong hơn một năm qua, 1.000 tay súng IS đã chết dưới làn bom không kích của Mỹ và trong các cuộc chiến với Taliban.
Khác biệt
IS là tổ chức theo chủ nghĩa liên hồi, mưu đồ thánh chiến toàn cầu nhằm thiết lập một thực thể chính trị duy nhất bao gồm tất cả các nước và vùng lãnh thổ của người Hồi giáo.
Trong khi đó, Tiểu vương quốc Hồi giáo (tên gọi của chế độ Taliban đã bị lật đổ ở Afghanistan), khẳng định mục đích hoạt động rõ ràng là giải phóng Afghanistan, thu phục các vùng đất bị lực lượng bên ngoài chiếm giữ.
Bằng tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo, thủ lĩnh Abu Bakar Al-Baghdadi khẳng định sự trung thành của những người Hồi giáo. Trong video được công bố hồi tháng 5, IS tuyên bố không thể có hai thủ lĩnh trên thế giới, người còn lại cần bị loại bỏ.
Các tay súng Taliban ở Afghanistan. Ảnh: AFP |
Taliban là phong trào Hồi giáo cực đoan dòng Sunni. Lực lượng này từng thống trị phần lớn Afghanistan từ năm 1995 đến năm 2001. Họ tin vào Sufi giáo và có xu hướng tránh bạo lực chống lại giáo phái dòng Shia.
IS không tin vào giáo phái Sufi và coi Shia là những kẻ vô thần. Ngoài tuyên bố thành lập nhóm khủng bố Khorasan, IS cho biết mục đích của chúng là áp đặt giáo lý độc thần và đa thần.
Taliban ban hành các sắc lệnh tôn giáo chống lại tính hợp pháp và ý thức hệ của IS, đồng thời biện minh rằng cuộc chiến của họ nhằm chống lại IS trên cơ sở tôn giáo.
Thách thức với Taliban
Cơn ác mộng tồi tệ nhất hiện nay là các cuộc đào tẩu quy mô lớn sang IS.
Các tay súng Hồi giáo cực đoan đang thực hiện chiến dịch chiêu binh, hướng đến đối tượng là các chỉ huy Taliban đã bị trục xuất hoặc loại bỏ. Trong khi đó, tranh cãi nội bộ của Taliban trở nên rõ ràng khi Mullah Akhtar Muhammad Mansour được bổ nhiệm làm thủ lĩnh mới sau cái chết của Mullah Omar. Tình hình phức tạp hơn khi một phe ly khai tự tách ra hoạt động riêng. Nguồn lực tài chính của IS hay tuyên bố mức lương tối đa 500 USD một tháng được coi là mồi nhử hấp dẫn với những thanh niên thất nghiệp.
Trong một số trường hợp, chiến binh IS có nhiều cách trừng phạt và sát hại khắc nghiệt hơn so với đối thủ ở Trung Đông, đặc biệt ở tỉnh Nangarhar.
Một đoạn video được công bố hồi tháng 8 đã gieo rắc nỗi kinh hoàng và sợ hãi cho người dân ở Afghanistan, khi IS bịt mắt 10 người và buộc họ ngồi trên miệng hố chất đầy thuốc nổ.
Ở một số vùng thuộc tỉnh Nangarhar, phiến quân yêu cầu dân làng cống nạp vợ cho các chiến binh mới gia nhập, cấm hút và bán thuốc lá. Tháng 12, IS mở đài phát thanh ở tỉnh này để chiêu binh. Tại đây, chúng còn cướp phá và đốt cháy hàng trăm ngôi nhà.
Afghanistan là một trong những quốc gia nằm trong chiến lược mở rộng lãnh thổ của IS. Sau khi chiếm nhiều địa phương ở Iraq và Syria, sự nổi dậy của lực lượng tự xưng này đang đặt ra nhiều thách thức với Taliban. Taliban đang chiến đấu chống lại hai kẻ thù là IS, chính phủ Afghanistan và đồng minh quốc tế.
Nếu tham vọng thống lĩnh của IS thành hiện thực, nó không chỉ làm thay đổi các cuộc nổi dậy hiện nay, mà còn chấm dứt hy vọng về một tiến trình hoà bình ở Afghanistan. Tình hình khu vực sẽ ngày càng ảm đạm nếu các nước không có kế hoạch giải quyết bất ổn.