Bản cáo bạch niêm yết của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố mới đây tiết lộ mức lương, thưởng mà các phi công và tiếp viên của công ty này nhận được trong năm 2018.
Theo đó, tính đến cuối năm 2018, có tổng cộng 6.605 nhân sự làm việc tại hãng hàng không Vietnam Airlines, giảm 103 người so với năm trước. Trong đó, có 1.118 phi công (người Việt chiếm gần 76%), tăng 61 phi công so với tháng 9/2017.
Lương bình quân của phi công Vietnam Airlines năm 2018 là 132,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lương phi công tăng 11 triệu/tháng so với 2017
Bản cáo bạch cũng cho biết, trong năm 2018, Vietnam Airlines đã thực hiện chính sách lương cho các phi công của mình ở mức 132,5 triệu đồng/tháng, tương đương 1,59 tỷ đồng cả năm.
Nếu so với mức lương thực chi trong năm 2017, lương bình quân tháng của các phi công Vietnam Airlines đã tăng gần 11 triệu.
Trong khi đó, mức lương bình quân của các tiếp viên hàng không tại hãng nhận về năm qua là 28,9 triệu, tăng 700.000 đồng/tháng. Còn lại, các nhân viên khác ngoài HĐQT và Ban giám đốc công ty nhận được mức lương bình quân 28,8 triệu/tháng, cũng tăng tới 4,7 triệu so với năm trước đó.
Mức tăng trên chủ yếu đến từ việc Vietnam Airlines thực hiện cải cách tiền lương đối với phi công và tiếp viên từ tháng 6/2018 và đối với cán bộ quản lý, chuyên viên, kỹ sư và nhân viên khác từ tháng 7/2018 vừa qua.
Về mức lương bình quân của phi công tại Vietnam Airlines, con số này đã tăng đều khoảng 5,5% trong 5 năm qua, tuy nhiên nếu so với các đối thủ trong ngành, lương phi công tại Vietnam Airlines vẫn khá thấp.
Lương cơ trưởng Vietjet đến 240 triệu đồng/tháng
Tuy chưa công bố mức lương bình quân của các phi công, nhưng số liệu cho biết từ năm 2017 Vietjet Air đã chi khoảng 180 triệu đồng/tháng trả lương cho phi công của mình, cao hơn rất nhiều so với mức lương mà phi công Vietnam Airlines nhận được. Trong đó, lương cơ phó của Vietjet Air cũng đang dao động trong khoảng 120-140 triệu đồng/tháng, đối với vị trí cơ trưởng lên tới 180-240 triệu, tùy vào giờ bay và thâm niên.
Thậm chí, tại Jetstar Pacific (công ty con của Vietnam Airlines), mức lương các cơ phó đang nhận được cũng vào khoảng 100-120 triệu, và lương cơ trưởng trung bình là 110-160 triệu đồng/tháng.
Chưa có số liệu thống kê về mức lương mà hãng hàng không mới nhất tại Việt Nam - Bamboo Airways chi trả cho các phi công, tiếp viên của mình. Nhưng trong các thông tin tuyển dụng trước đó, hãng này luôn đưa ra cam kết mức lương, thưởng hấp dẫn nhất thị trường Việt Nam và cả khu vực.
Chính sách lương, thưởng được xem là yếu tố chính để giữ chân các phi công hiện nay. Giữa năm 2018, nhiều phi công của Vietnam Airlines đã nộp đơn xin thôi việc vì cho rằng đang nhận mức lương quá thấp so với các hãng khác tại Việt Nam.
Trong khi đó, với sự mở rộng và tăng trưởng nhanh của các hãng hàng không tại cả Việt Nam và khu vực, nhu cầu về phi công ngày càng tăng lên trong những năm gần đây.
Vietnam Airlines từng đưa ra dự báo nhu cầu phi công lên 1.293 người năm nay, tăng 175 người so với cuối năm 2018. Thậm chí, đến năm 2020 hãng sẽ cần tăng thêm 222 phi công và đến năm 2025 sẽ là 452 người để đáp ứng đủ đội bay và nhu cầu tăng trưởng của ngành.
Cũng trong năm 2018 vừa qua, Vietnam Airlines đã ghi nhận hơn 96.800 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 17% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của hãng lại giảm 2%, xuống còn gần 2.599 tỷ.
Theo kế hoạch, năm 2019, Vietnam Airlines kỳ vọng đạt 110.000 tỷ đồng doanh thu và 2.680 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 13% và 3% so với năm 2018.
Hiện tại, Vietnam Airlines chuẩn bị chuyển 1,4 tỷ cổ phiếu HVN niêm yết trên sàn HNX sang HOSE. Theo ban lãnh đạo công ty, mức giá chuyển sàn sẽ căn cứ vào giá giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất của HVN trên sàn HNX.
Với việc HVN đang giao dịch trên vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu từ cuối tháng 2 đến nay, nhiều khả năng HVN sẽ bắt đầu giao dịch trên HOSE với mức giá trên 40.000 đồng, tương đương vốn hóa công ty đạt hơn 56.000 tỷ đồng.