Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters. |
“Paris. Với mỗi chuyến thăm, khả năng phòng thủ và tấn công của Ukraine được mở rộng. Mối quan hệ với châu Âu ngày càng bền chặt”, tờ Hill dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chia sẻ trên Twitter vào ngày 14/5.
Theo AP, Pháp đã điều một máy bay tới Đức để đón ông Zelensky khi tổng thống Ukraine dừng chân ở Berlin trong khuôn khổ chuyến công du qua châu Âu.
Hai nhà lãnh đạo gặp mặt tại dinh tổng thống Pháp. Ông Zelensky cho biết đã cùng “thảo luận về những điểm quan trọng nhất trong mối quan hệ song phương” với “người bạn Emanuel”.
Trong khi đó, văn phòng của Tổng thống Macron cho biết hai nhà lãnh đạo đã xem xét các nhu cầu của Ukraine và thảo luận về mục tiêu hòa bình ở châu Âu.
Một ngày sau đó, Pháp công bố viện trợ thêm hàng chục xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép cho một số tiểu đoàn của quân đội Ukraine, đồng thời cam kết huấn luyện các binh sĩ sử dụng những thiết bị này, theo AFP.
Trong tuyên bố chung, ông Macron và ông Zelensky cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Cuộc hội đàm diễn ra một tuần sau khi một phóng viên người Pháp thiệt mạng trong vụ tấn công bằng tên lửa gần thành phố Bakhmut khi đang ở Ukraine để đưa tin về cuộc xung đột.
Trước đó, ông Zelensky cũng đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin.
“Hiện nay, Đức chỉ đứng sau Mỹ về viện trợ (cho Ukraine). Điều này rất có ý nghĩa. (Cuộc xung đột) đã đưa EU và Ukraine xích lại gần nhau hơn bao giờ hết”, ông Scholz chia sẻ trên Twitter sau cuộc gặp.
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.