Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ngày 14/5. Ảnh: AP. |
Theo hãng tin Reuters, ngày 14/5, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã tiếp đón người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, khi nhà lãnh đạo Ukraine có chuyến công du đầu tiên tới Đức kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Chuyến thăm Đức của tổng thống Ukraine nằm trong khuôn khổ chuyến công du các quốc gia đồng minh châu Âu đang tìm cách tăng cường hỗ trợ Kyiv.
Ông Zelensky từ thủ đô Rome đến Berlin lúc nửa đêm. Tại Italy, nhà lãnh đạo Ukraine đã gặp cả Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Giáo hoàng Francis.
Trước đó, hôm 13/5, Bộ Quốc phòng Đức xác nhận sẽ cung cấp gói khí tài quân sự lớn trị giá 2,7 tỷ euro (hơn 2,9 tỷ USD) cho Ukraine trong những tuần và tháng tới đây.
Gói hỗ trợ mới bao gồm nhiều chủng loại, gồm các hệ thống phòng thủ hiện đại, xe tăng, xe bọc thép cùng nhiều phương tiện, thiết bị khác.
Truyền thông Đức dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Boris Pistorius cho biết gói hỗ trợ các phương tiện quân sự mà Ukraine đang rất cần này một lần nữa cho thấy Đức "nghiêm túc với sự hỗ trợ của mình" với mong muốn sẽ giúp nhanh chóng khép lại cuộc chiến.
Theo ông, Berlin sẽ tiếp tục cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho Kyiv.
Danh sách gói hỗ trợ mới nhất này bao gồm 20 xe chiến đấu bộ binh Marder, 30 xe tăng Leopard-1-A5, 18 pháo tự hành bánh lốp, 15 pháo phòng không Gepard, 200 máy bay không người lái trinh sát, 4 hệ thống phòng không IRIS-T cùng đạn dược, nhiều đạn pháo bổ sung cùng hơn 200 phương tiện hậu cần và chiến đấu bọc thép.
Truyền thông Đức cho biết ngoài 4 hệ thống phòng không IRIS-T-SLM, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine 12 bệ phóng IRIS-T-SLS cùng hàng trăm tên lửa dẫn đường cho hệ thống này.
Đây được xem là gói khí tài quân sự lớn nhất mà Đức cung cấp để tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc chiến hồi tháng 2/2022.
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.