Những năm qua, Tổng thống Putin đã tái cấu trúc nền kinh tế vì một mục đích đặc biệt duy nhất, đó là bảo đảm nước Nga có thể đối phó với sức ép từ những lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giới chức Nga "khá tự hào, và họ có lý do để lên mặt, bởi những gì đã làm được giúp nền kinh tế đề kháng hiệu quả hơn với trừng phạt quốc tế", Alexander Gabuev, chuyên gia Trung tâm Carnegie Moscow, nhận xét.
Các biện pháp phòng ngừa kinh tế là lý do giúp giải thích vì sao Moscow dường như sẵn sàng phiêu lưu quân sự trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, dù rằng hậu quả từ những đòn trừng phạt của phương Tây sau sự kiện sáp nhập Crimea đến nay vẫn hiện hữu, theo New York Times.
"Tấm khiên" quan trọng nhất
Từ sau khi đối mặt lệnh trừng phạt cứng rắn chưa từng có của phương Tây vì sáp nhập Crimea, Điện Kremlin đã biến nước Nga thành một "pháo đài" kinh tế đúng nghĩa.
Tấm khiên quan trọng nhất của Moscow là kho dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga.
Tất cả quốc gia đều có kho dự trữ ngoại hối để chi trả cho thương mại và các khoản nợ. Phần lớn quốc gia dự trữ USD bởi tính ổn định và thịnh hành của đồng tiền này. Đối với những quốc gia nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên như Nga, kho dự trữ thậm chí cần lớn hơn để đề phòng những biến động về giá.
Từ năm 2015, Nga đã tích trữ ngoại tệ thu được thông qua bán dầu mỏ, khí đốt để mở rộng kho dữ trữ ngoại tệ lên 631 tỷ USD, tương đương một phần ba quy mô nền kinh tế cả nước. Nga hiện là nước có dự trữ ngoại hối lớn thứ 4 thế giới.
"Dự trữ ngoại hối lớn cho phép ông Putin tự do thực hiện các tính toán chiến lược", Adam Tooze, chuyên gia lịch sử kinh tế Đại học Columbia, nhận định.
Nga có đủ dự trữ ngoại tệ để ổn định nền kinh tế nếu bị trừng phạt. Ảnh: New York Times. |
Số tiền này sẽ được sử dụng để giữ bình ổn đồng ruble của Nga khi các lệnh trừng phạt mới giáng xuống. Moscow cũng có thể dùng kho dự trữ khổng lồ để chi trả cho các hoạt động của chính phủ và doanh nghiệp nhà nước.
Những năm qua, nhờ cắt giảm chi tiêu, Điện Kremlin giữ mức nợ quốc gia luôn duy trì dưới mức hai phần ba dự trữ ngoại tệ.
"Cán cân tài chính mạnh sẽ giúp Nga không trải qua khủng hoảng chính trị, kinh tế toàn diện như năm 1998", ông Tooze nhận xét.
Đặc biệt, đồng USD hiện chỉ chiếm 16% dự trữ ngoại hối của Nga. Những tài sản khác trong kho dự trữ gồm euro, nhân dân tệ và vàng.
Giảm dự trữ USD là một trong nhiều biện pháp nhằm phi USD hóa nền kinh tế, giảm thiểu nguy cơ Washington sử dụng khả năng kiểm soát các cơ chế giao dịch sử dụng đồng USD để nắm thóp nền kinh tế Nga. Một biện pháp khác là tái cấu trúc nợ doanh nghiệp sang đồng ruble thay vì USD.
Đồng thời, Nga đã chuyển một số hoạt động thương mại sang châu Á và tăng sử dụng hàng nội địa để thay thế hàng nhập khẩu
Sau năm 2014, nhiều chính trị gia, doanh nhân máu mặt của Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây, khiến họ mất nhà cửa và các khoản đầu tư ở Tây Âu. Để xoa dịu, Tổng thống Putin trao cho những người này hàng loạt hợp đồng xây dựng, khai thác béo bở ở trong nước.
"Điều này thực ra có lợi, giúp củng cố sự gắn kết của bộ máy quyền lực, bởi những nhân vật trọng yếu nhất không thể quay về với phương Tây mà sẽ phải trung thành với Moscow", ông Gabuev đánh giá.
Con bài năng lượng
Sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch thường được phương Tây coi là điểm yếu có thể lợi dụng.
Nhưng ngược lại, việc Nga củng cố khả năng đề kháng của nên kinh tế khiến vấn đề năng lượng trở thành quân bài giúp Nga ở thế cửa trên.
"Đến nay, châu Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt của Nga", Emma Ashford, chuyên gia về an ninh làm việc tại tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council, nhận định.
Nhờ siết chặt chi tiêu, chính phủ Nga có thể chi trả cho các hoạt động khi giá dầu ở mức 44 USD/thùng. Hiện nay, giá dầu đang dao động ở ngưỡng khoảng 90 USD/thùng, cho phép Moscow bảo đảm ngân sách quốc phòng ngay cả khi giá dầu giảm mạnh.
Năng lượng là con bài hữu hiệu của Nga. Ảnh: New York Times. |
Kho dự trữ ngoại hối dồi dào giúp Moscow bù đắp thiệt hại trong trường hợp xuất khẩu năng lượng sang Tây Âu gián đoạn nhiều năm. Ngược lại, kho dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ trụ được vài tháng.
Bên kia Đại Tây Dương, Mỹ - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới - rất dễ tổn thương nếu giá dầu thô, khí đốt biến động lớn.
Nga cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới đồng, nhôm và nhiều nguyên liệu thô khác, đây đều là những mặt hàng không thể thiếu cho nền kinh tế toàn cầu. Giới chuyên gia hoài nghi Moscow có lẽ cho rằng thế giới cần Nga hơn chứ không phải ngược lại.
"Tôi tin nguyên liệu thô là một phần lý do đằng sau những tính toán của Điện Kremlin", bà Ashford nói.
Gót chân Achilles của Nga
Nhưng dù có "vũ trang" cho nền kinh tế Nga thế nào, Moscow cũng không thể khiến Nga hoàn toàn "miễn dịch" trước lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Các biện pháp đang được thảo luận bao gồm phong tỏa toàn diện các ngân hàng lớn nhất của Nga, mạnh hơn nhiều lần so với những biện pháp của năm 2014", Edward Fishman, cựu quan chức chính quyền Tổng thống Barack Obama, nói.
Một khi phương Tây cấm vận triệt để hệ thống ngân hàng, bất kể dự trữ ngoại hối của Nga có lớn thế nào, khả năng sử dụng số tiền này để hỗ trợ đồng ruble và duy trì mức sống của người dân sẽ trở thành thách thức lớn.
Tổng thống Biden đe dọa cấm các ngân hàng Nga giao dịch qua các thiết chế quốc tế sử dụng đồng USD. Lệnh cấm như vậy đồng nghĩa tất cả ngân hàng Nga sẽ mất hoàn toàn khả năng giao dịch quốc tế.
"Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ không thể thanh toán cho nhà cung ứng. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không nhận được tiền thanh toán từ nước ngoài. Đáp ứng các nhu cầu cơ bản của nền kinh tế sẽ trở nên bất khả thi", George Pearkes, chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Bespoke Investment, nhận định.
Phương Tây đe dọa cô lập hệ thống tài chính - ngân hàng Nga. Ảnh: New York Times. |
Theo ông Fishman, bởi phương Tây kiểm soát các thiết chế tài chính toàn cầu, Nga sẽ không thể chống đỡ lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng.
Ngoài ra, Washington đe dọa cấm xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao cho Nga. Nếu kịch bản này xảy ra, Nga sẽ mất khả năng sản xuất các phần cứng công nghiệp và quốc phòng. Thậm chí, người dân Nga sẽ không thể mua điện thoại thông minh, đồ điện tử gia dụng.
Ông Putin có thể sẽ thảo luận vấn đề hàng hóa công nghệ cao với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Olympic Bắc Kinh tới đây. Dẫu vậy, ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc không thể thay thế các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ và Tây Âu.
Bất chấp cảnh báo của phương Tây, Moscow dường như không có ý định lùi bước. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây hiện không thể lý giải hành động của Nga là do Điện Kremlin quá tự tin hay đơn giản là coi thường những đe dọa trừng phạt.
Nếu phương Tây thực sự ra tay, các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga sẽ được triển khai ở quy mô chưa từng có tiền lệ. Hậu quả sẽ đến không chỉ với Nga mà gần như chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại cho phương Tây.
Có những dấu hiệu cho thấy dường như Điện Kremlin đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Tuần trước, Ngân hàng trung ương Nga đã dừng sử dụng lợi nhuận từ dầu mỏ để mua vào đồng USD.