Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phản bội người Kurd, TT Trump phá vỡ trật tự thế giới do Mỹ tạo ra

Rút khỏi Syria là sai lầm của ông Trump. Vị tổng thống bốc đồng phá hỏng không chỉ uy tín của Mỹ, mà cả các giá trị lõi giúp Washington duy trì trật tự thế giới hàng thập kỷ nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump là người tóm gọn rõ nhất về chính sách ngoại giao của mình. Nói về khủng hoảng ở Syria, ông tweet: “Hy vọng họ giải quyết được, còn chúng ta thì ở cách 7.000 dặm (11.000 km)”.

Ông Trump có thể đã cho rằng nước Mỹ có thể bỏ rơi đồng minh tại một khu vực nguy hiểm mà không có hậu quả nghiêm trọng. Nhưng ông đã nhầm. Việc ông bỏ rơi người Kurd sẽ khiến cả thế giới nghi ngờ nước Mỹ. Đó là điều mà cả người Mỹ lẫn thế giới đều nên lo ngại, theo Economist.

Khi ông Trump tranh cử với lời hứa đưa lính Mỹ về nhà, người Mỹ đã tán thành. Sau hai thập kỷ chiến tranh, người Mỹ đã chán với việc Mỹ phải làm cảnh sát duy trì trật tự thế giới. Một số chính khách Dân chủ cũng muốn đưa lính Mỹ ra khỏi Trung Đông, bao gồm Elizabeth Warren, đối thủ nặng ký của ông Trump vào năm sau.

“Nhưng dù sự mệt mỏi đó là dễ hiểu, việc bỏ rơi khu vực một cách thiếu suy nghĩ sẽ làm hại nước Mỹ”, Economist bình luận. Uy tín của nước Mỹ trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng, có nghĩa Mỹ phải vất vả hơn, chi nhiều tiền hơn để định hướng được các vấn đề quốc tế.

trump bo roi nguoi kurd anh 1
Chiến binh người Kurd đang ngắm bắn các phần tử nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Raqqa, Syria năm 2017. Ảnh: New York Times.

Rút khỏi Syria là thất bại về nhiều mặt

Việc ông Trump rút quân khỏi Syria là một thất bại nhiều mặt. Đầu tiên là sự nghiêm túc. Tổng thống Mỹ dường như bỏ mặc các báo cáo đã cảnh báo về thảm họa nếu Mỹ rút đi, họ sẽ để lại khoảng trống quyền lực.

Quyết định cũng được đưa ra một cách đột ngột, không ai có thời gian chuẩn bị. Người Kurd kinh ngạc và bất bình. Lính Anh thức dậy một ngày nọ và được bảo rằng đồng đội người Mỹ đang dọn đồ chuyển đi.

Thất bại tiếp theo là về lòng trung thành. Các chiến binh người Kurd ở Syria nhiều năm qua đã chiến đấu bên cạnh đặc nhiệm Mỹ để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Khoảng 11.000 chiến binh Kurd đã thiệt mạng, cùng với 5 người Mỹ.

Như vậy, Mỹ đã có một món lời lớn: nhờ liên kết khả năng tình báo tối tân của mình với một đồng minh trong khu vực, Mỹ đã có thể đánh đuổi nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới mà không quá tốn kém về người và của.

Thất bại tiếp theo, và tồi tệ nhất, của ông Trump về mặt chính sách. Quyết định của ông Trump không chỉ tạo cơ hội cho IS trở lại và củng cố vị thế của ông Assad, mà còn làm lợi cho Iran, đối thủ của Mỹ.

Lính Nga giờ đang tươi cười chụp ảnh "tự sướng" tại các căn cứ Mỹ bỏ lại. Tổng thống Vladimir Putin, vốn ủng hộ ông Assad, giờ đang giành lấy từ tay Mỹ sứ mệnh bảo đảm trật tự ở Trung Đông.

Để rút khỏi Syria một lực lượng lính Mỹ khá nhỏ (1.000 quân) và có rất ít thương vong, Mỹ đã tạo ra các xung đột xuyên biên giới, làm lợi cho các nước thù địch và phản bội đồng minh của mình, Economist bình luận.

trump bo roi nguoi kurd anh 2
Khói bốc lên từ thị trấn Ras al-Ain của Syria sau khi bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dội pháo vào ngày 16/10. Ảnh: AP.

Đối ngoại kiểu bốc đồng, không kế hoạch

Chính sách đối ngoại của Trump luôn cho thấy sự “nông cạn” và “bốc đồng”, theo Economist.

Chẳng hạn, ông rút lại quyết định tấn công Iran vào phút cuối, sau khi Iran tấn công drone của Mỹ. Nhưng khi Iran hoặc những đồng minh của Iran tấn công cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia, ông lại đứng yên.

Các quyết sách đối ngoại của ông Trump cũng tương tự chính trị nội bộ của Mỹ, với cùng một sự cường điệu và mạnh bạo vốn là “thương hiệu” của vị tổng thống Mỹ đầu tiên nhậm chức mà chưa có kinh nghiệm chính trị, quân sự hay ngoại giao.

Ông Trump đã xé bỏ các hiệp định được đàm phán tỉ mỉ, hô hào phát động chiến tranh thương mại, và hứa hẹn sự thay đổi ở những nơi khó khăn như Venezuela và Triều Tiên nhưng lại không biến thành hiện thực.

Ông Trump ra những quyết định hệ trọng tùy ý thích, mà không suy nghĩ hậu quả cũng như lập chiến lược rõ ràng để kiểm soát tình hình.

Ông coi cấm vận kinh tế như “cây đũa thần”, bao gồm cả khủng hoảng với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi lợi ích thiết yếu của các nước được đặt lên bàn đong đếm, hiếm khi các nước nghe theo Mỹ, dù đó là Nga, Venezuela hay Triều Tiên.

trump bo roi nguoi kurd anh 3
Lính Thổ Nhĩ Kỳ được chào đón ở thị trấn Akcacale gần biên giới Syria khi đang trên đường tiến vào Syria tuần trước. Ảnh: AFP.

Phá hỏng trật tự chính mình tạo ra

Bỏ rơi người Kurd ở Syria sẽ gây hại cho uy tín của Mỹ, và điều này có thể đem lại nhiều hệ quả tiêu cực cho Mỹ.

Các nước châu Âu đang cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ, và Ankara cũng đang mâu thuẫn với các đồng minh trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì mua vũ khí Nga. Rạn nứt trong NATO sẽ khiến Nga càng mạnh dạn “thử” cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các nước vùng Baltic, là các đồng minh của NATO giáp biên giới Nga.

Ở châu Á, Taliban sẽ càng lộng hành, cho rằng nếu ông Trump có thể bỏ người Kurd thì cũng có thể bỏ Afghanistan.

Trung Quốc cũng sẽ để ý, và càng mạnh dạn tuyên bố chủ quyền bất chấp sự lên án của các nước trong khu vực. Đài Loan, một đồng minh của Mỹ, sẽ càng bị đe dọa.

Các đồng minh của Mỹ sẽ càng cảm thấy phải tự bảo vệ mình. (Mỹ có nhiều đồng minh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử). Liệu Hàn Quốc, Saudi Arabia, vì lo ngại bị bỏ rơi, có quyết định phát triển vũ khí hạt nhân, để răn đe Triều Tiên, Iran và dẫn đến chạy đua vũ trang?

Bài viết nhận định những khả năng trên sẽ làm tan rã trật tự thế giới mà Mỹ đã vất vả gây dựng và duy trì từ sau Thế chiến II - trật tự đã mang lại vô số lợi ích cho Mỹ. Nếu bỏ các đồng minh, Mỹ vẫn sẽ phải đầu tư quân đội, vũ khí cho mục đích quốc phòng, nhưng lại mất đi sự hợp tác, ủng hộ quốc tế.

Quan trọng hơn, việc mất uy tín không chỉ ảnh hưởng tới quân sự. Các nước khác sẽ không ký hiệp định thương mại với Mỹ. Họ cũng sẽ dè chừng khi tham gia các thỏa thuận chống do thám công nghiệp hay các hành vi vi phạm luật quốc tế khác.

Và quan trọng nhất là các giá trị lõi của Mỹ bị đe dọa: nhân quyền, dân chủ, tin cậy, công bằng, thượng tôn luật lệ - đó là những vũ khí mạnh nhất của Mỹ.

“Nếu nhường lại thế giới cho Trung Quốc và Nga, luật lệ sẽ thuộc về kẻ mạnh. Đó sẽ là một thế giới khá bất lợi cho các nước phương Tây”, bài viết  bình luận.

Quốc tế lên án, dân Thổ Nhĩ Kỳ lại coi tổng thống là anh hùng

Dù chịu sự lên án, cấm vận của quốc tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vẫn xâm lược vùng do người Kurd kiểm soát ở Syria, vì ông đang tiến sát mục tiêu từ lâu của mình.

Lính Mỹ thấy 'xấu hổ' khi người Kurd bị Washington phản bội

Nhiều lính Mỹ cảm thấy xấu hổ khi họ bỏ rơi đồng minh cũ là những người Kurd trước đợt tấn công của lính Thổ Nhĩ Kỳ vào phía bắc Syria.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm