Ngoài cuộc tiến công áp đảo người Kurd ở biên giới Syria, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đang “ngập chìm” trong khó khăn: một loạt lệnh cấm vận từ Mỹ, bị châu Âu cấm vận mua bán vũ khí, một ngân hàng bị truy tố, Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa cô lập ở Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thế giới ngày càng bênh vực người Kurd, và mới nhất là việc quân Syria kéo lên phía bắc giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến dịch xâm lược khu vực bắc Syria do người Kurd kiểm soát vào tuần trước đang phá hủy quan hệ ngoại giao vốn đầy căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác Mỹ và châu Âu, đồng thời thay đổi hoàn toàn các ranh giới và thế liên minh trong cuộc chiến Syria 8 năm qua.
Nhưng theo giới phân tích, các thử thách trên, dù có vẻ chông gai khi nhìn từ bên ngoài, lại đang củng cố vị thế của ông Erdoğan trong nước, và cuộc chiến đang thổi bùng chủ nghĩa dân tộc vốn đã dâng cao ở nước này.
Cuộc xâm lược Syria cũng đưa ông Erdoğan tới gần hơn với một trong những mục tiêu đối ngoại quan trọng nhất của mình: phá vỡ mối đe dọa dọc biên giới từ các nhóm phiến quân người Kurd vốn thù địch với Syria, đồng thời cắt đứt quan hệ liên minh giữa Mỹ và người Kurd. Ông Erdoğan luôn coi người Kurd là đe dọa sống còn đối với đất nước mình.
Tổng thống Erdogan được các thành viên của đảng AK cầm quyền chào đón ở Ankara ngày 16/10. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ/Reuters. |
Người Thổ Nhĩ Kỳ đồng lòng ủng hộ ông Erdoğan
Tất cả đang đẩy phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thế khó. Họ khó có thể tập hợp lại để chống lại ông, càng khó có thể chỉ trích ông. Các lệnh trừng phạt từ bên ngoài cũng củng cố luận điểm mà ông Erdoğan truyền bá lâu nay rằng đang có âm mưu của các thế lực thù địch quốc tế chống lại ông và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Arab - tất cả bắt tay chống lại Thổ Nhĩ Kỳ” là dòng tít trang nhất vào ngày 16/10 của Sozcu, tờ báo vốn thường chống ông Erdoğan. “Cứ thoải mái đi”.
Tính riêng trong những tuần gần đây, đội tuyển bóng đá quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ ông Erdoğan bằng cách chào kiểu quân đội trong hai trận thi đấu quốc tế. Các ca sĩ đã ủng hộ trên mạng xã hội. Thậm chí, các nhà tổ chức lễ hội nghệ thuật lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã viết email cho toàn bộ danh sách đối tác quốc tế, lên án “sự tuyên truyền đen tối” của báo chí quốc tế về chiến dịch quân sự của nước này.
“Nhìn chung, đây là một chiến dịch thành công”, Ozgur Unluhisarcikli, nhà phân tích đứng đầu văn phòng Ankara của Quỹ Marshall Đức, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, nói với New York Times.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của các phiến quân người Kurd ở Syria, có tên viết tắt là YPG, coi đây là một nhánh của phong trào du kích đã chiến đấu nhiều thập kỷ nay chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara đã bắt đầu hoang mang khi người Kurd nổi lên kiểm soát phía bắc Syria vào năm 2012 khi nội chiến nổ ra và quân chính phủ rút đi. Lo ngại càng tăng khi người Kurd lớn mạnh hơn nhờ liên minh với Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mỹ đã bảo vệ người Kurd từ đó đến nay, và liên minh giữa hai bên trở thành “cái gai trong mắt” Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ thực sự muốn gì?
Hòa bình mong manh đã bị phá vỡ tuần trước khi Tổng thống Trump ra lệnh cho lính Mỹ rút khỏi vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Quyết định này tạo khoảng trống để Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược, và buộc người Kurd phải cầu xin quân chính phủ Syria và Nga bảo vệ.
Nga và Syria đã can thiệp nhanh hơn dự kiến, và bước đi đó là sự cản trở lớn đối với ông Erdoğan, không cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra vùng đệm lớn dọc biên giới như ông muốn.
Nhưng chiến dịch tấn công cũng đã là thành công đối với ông Erdoğan. “Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? Là ngăn không cho YPG kiểm soát lãnh thổ ở đông bắc Syria”, nhà phân tích Unluhisarcikli nói. “Dù là Thổ Nhĩ Kỳ đánh bật YPG hay là chính quyền Syria, YPG cũng đã mất dần kiểm soát”.
Ông Erdoğan từng muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, nhưng giờ đây có vẻ giữa ông Assad và phiến quân người Kurd, thì ông Assad đỡ gây hại hơn.
Ngày 16/10, ông Erdoğan nói có thể chấp nhận việc chính thể Assad tiếp quản thành phố Manbij vốn do người Kurd kiểm soát, chỉ cần phe Assad đuổi các chiến binh người Kurd khỏi khu vực.
“Chúng tôi không quá quan tâm tới việc chiếm Manbij”, ông Erdoğan nói. “Chúng tôi chỉ có một mối lo. Nga hoặc chính quyền Syria loại bỏ YPG đều được”.
Khói bốc lên từ thị trấn Ras al-Ain của Syria sau khi bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dội pháo vào ngày 16/10. Ảnh: AP. |
Ông còn kêu gọi các chiến binh người Kurd đang chống lại lính của ông ở phía đông bắc Syria hạ vũ khí và rút khỏi biên giới “ngay đêm nay”.
Cha của ông al-Assad, Hafez al-Assad, cũng là tổng thống tiền nhiệm, từng hỗ trợ cho du kích người Kurd chống lại Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách cho họ tạm lánh và tổ chức lực lượng ở Syria trong thập niên 1980, 1990. Và ông Erdoğan không phải không lo sợ kịch bản tương tự.
Nhưng ông al-Assad con là người đã liên tục nói sẽ tái kiểm soát “từng tấc đất của Syria” và ít người tin rằng ông sẽ cho người Kurd ở Syria được tự trị như hiện giờ.
Cấm vận không làm Thổ Nhĩ Kỳ nao núng
Chính sách độc tài của ông Erdoğan trong nước khiến ông bị quốc tế chỉ trích bấy lâu nay, nhưng đợt tấn công vào Syria đã khiến các nước đặc biệt phẫn nộ.
Tuần này, ông Trump tăng thuế lên sắt của Thổ Nhĩ Kỳ, hủy đàm phán một hiệp định thương mại trị giá 100 tỷ USD và cấm vận tài chính đối với ba bộ trưởng dưới quyền ông Erdoğan.
“Tôi đã sẵn sàng để ngay lập tức phá hủy kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu lãnh đạo nước này tiếp tục hành xử nguy hiểm và phá hoại “, ông Trump nói trong một thông cáo ngày 14/10.
Chiến binh người Kurd đang ngắm bắn các phần tử nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Raqqa, Syria năm 2017. Ảnh: New York Times. |
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper yêu cầu các thành viên NATO có “các biện pháp ngoại giao và kinh tế, cả đa phương lẫn song phương” để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 16/10, cả Phó tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo bay tới Ankara để gây sức ép buộc ông Erdoğan ngừng bắn.
Một số nước châu Âu, bao gồm Đức, Hà Lan và Pháp, giờ đã cấm vận các thương vụ mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 15/10, công ty xe hơi Đức Volkswagen tạm ngưng kế hoạch xây nhà máy ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng ngày, Mỹ truy tố một ngân hàng quốc doanh Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc ngân hàng này giúp Iran né cấm vận, thậm chí cáo buộc ông Erdoğan đã chỉ đạo việc này.
Một chi nhánh của Halkbank ở Istanbul. Ngân hàng này bị Mỹ truy tố ngày 15/10. Ảnh: Getty Images. |
Nhưng các biện pháp này chưa chắc đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ nao núng, theo giới phân tích. Có ý kiến chỉ ra rằng không có điều khoản nào cho việc loại bỏ một thành viên NATO khỏi khối này. Ý kiến khác nói cấm vận vũ khí của châu Âu chỉ mang tính “biểu tượng”, vì không ảnh hưởng mấy đến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, còn Mỹ thì đã loại bỏ khả năng cấm vận quân sự lên Ankara, theo New York Times.
Ngoài ra, ba bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm vận được cho là không có tài sản nào ở Mỹ. Còn hiệp định thương mại 100 tỷ USD bị hủy đàm phán thì ngay từ đầu chưa hề tiến xa. Thuế cũng khó gây thiệt hại cho Thổ Nhĩ Kỳ vì xuất khẩu từ nước này sang Mỹ vốn đã thấp.
Dù các biện pháp kinh tế trên không có lợi cho ông Erdoğan về lâu dài, ông Erdoğan đã luôn biến trừng phạt kinh tế từ bên ngoài thành lợi thế củng cố sự ủng hộ trong ngắn hạn, tự xây dựng hình tượng mình là lãnh đạo duy nhất có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ trụ vững trước các thế lực nước ngoài.
Cuộc chiến cũng khiến giới đối lập khó chỉ trích ông Erdoğan hơn, vì lo sợ bị coi là thiếu tinh thần yêu nước.
Lính Thổ Nhĩ Kỳ được chào đón ở thị trấn Akcacale gần biên giới Syria khi đang trên đường tiến vào Syria tuần trước. Ảnh: AFP. |