Phân tích
Trận hòa Leeds khiến Man City giờ mới có 4 điểm sau 3 trận. Ngay trong giai đoạn khởi đầu mùa giải, Man City đã kịp kém Liverpool 5 điểm. Mùa trước, Man City kém kình địch một điểm sau 3 vòng đầu, và con số này được nới rộng lên mức 18 điểm khi mùa giải kết thúc.
Cú trượt dài của Man City đặt ra câu hỏi: Vì đâu mọi chuyện trở nên sai lầm tại Etihad?
Đó không thể nào là tiền. Đội bóng này vừa thoát khỏi án phạt cấm tham dự Champions League cuối mùa trước, đủ rủng rỉnh chi 141 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng để mang về Nathan Ake, Ruben Dias và Ferran Torres.
Nó cũng không thể nào là chất lượng đội hình. Man City đang có 29 cầu thủ trong đội một với tổng giá trị lên tới 948 triệu bảng.
Mọi vấn đề của Man City lúc này nằm ở Pep Guardiola.
Pep Guardiola và Man City không còn là chính mình. Ảnh: Reuters. |
Vấn đề của Pep Guardiola
Không thể phủ nhận việc Pep là một trong những HLV tài ba nhất bóng đá thế giới, song mối quan hệ giữa nhà cầm quân người Tây Ban Nha với các cầu thủ luôn để lại dấu hỏi với giới chuyên môn lẫn mộ điệu.
Pep Guardiola hiếm khi nào thể hiện sự nồng ấm với các học trò. Thậm chí, nhà cầm quân người Tây Ban Nha luôn đặt ra khoảng cách nhất định với họ. Tại Man City, chỉ vài cầu thủ được Pep đặc biệt trò chuyện về những thứ ngoài bóng đá như De Bruyne hay Sergio Aguero. Còn lại, tất cả đều nhìn về Pep - một ông sếp làm công ăn lương dù cực giỏi, nhiều ý tưởng nhưng thiếu tính kết nối.
Nếu liên hệ điều này với sự đi xuống của Man City trong thời gian gần đây, tất cả sẽ thấy bức tranh chung.
Pep đã yêu cầu Man City chi hơn nửa tỷ USD trong 4 năm qua chỉ để tăng cường hàng phòng ngự, nhưng nghịch lý là người ta vẫn thấy đội chủ sân Etihad thiếu và yếu ở vị trí này. John Stones từng đến Man City với biết bao kỳ vọng nhưng sụp đổ nhanh chóng. Điều tương tự cũng tới với Benjamin Mendy, Danilo. Kyle Walker từng là hậu vệ cánh hàng đầu Premier League, nhưng giờ trở thành trung vệ lệch phải dưới tay Pep.
Mỗi khi cầu thủ không chơi đúng kỳ vọng, Pep gạt họ ra ngoài và yêu cầu mua ngay người mới. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha không tìm cách cải thiện từng cầu thủ. Ông mua hẳn một người mới và làm lại từ đầu.
Cựu hậu vệ Dante của Bayern từng nói: “Pep không trò chuyện với các cầu thủ, nên chúng tôi chẳng biết điều gì sẽ diễn ra cả”. Mario Mandzukic từng nhấn mạnh bản thân “không bao giờ” ngồi với Pep cho dù chỉ là uống trà khi ông từng chẳng giải thích gì trước khi gạt tiền đạo người Croatia khỏi đội hình Bayern cuối mùa giải 2013/14 dù lúc đó anh có cơ hội giành ngôi Vua phá lưới Bundesliga.
Chuyện Ibra mâu thuẫn với Pep như thế nào khi còn chơi tại Barca có lẽ không cần nhắc lại thêm.
Việc khai phá tiềm năng của cầu thủ không phải câu chuyện chỉ tới từ những chỉ báo chuyên môn trên sân cỏ. Klopp là bậc thầy trong việc khiến cầu thủ tin tưởng vào tài năng của chính mình thông qua giao tiếp.
Tiền vệ Wijnaldum từng kể lại trong ngày đầu tiên trở thành cầu thủ của Liverpool, anh có tới nhà Klopp nói chuyện. Ông thầy người Đức không nói gì về chuyên môn. Mọi câu chuyện đều liên quan tới gia đình. “Hầu hết sẽ đi thẳng vào công việc, nhưng chúng tôi chỉ nói về cuộc sống và đến nay vẫn vậy”, Wijnaldum nhấn mạnh.
Klopp hiểu cầu thủ sẽ thể hiện tốt nhất khả năng của bản thân khi có tinh thần thoải mái và vững vàng. Những gì Wijnaldum thể hiện tại Anfield cho thấy quan điểm và hành động của Klopp đúng đắn ra sao.
Pep không có sự kết nối chặt chẽ với các cầu thủ như Klopp. Trong những mẩu chuyện nổi tiếng nhất về nhà cầm quân người Tây Ban Nha, các cầu thủ chỉ xuất hiện như những công cụ hiện thực hóa triết lý của ông (dĩ nhiên trừ Messi),
Pep bị ám ảnh bởi bóng đá, chiến thuật, cách di chuyển của các cầu thủ. Ông muốn hôm sau phải tốt hơn hôm nay và vượt xa hôm qua. Những thay đổi vì thế tới liên tục, bất chấp các cầu thủ có thể thích nghi chúng hay không.
Cách Bayern Munich và Man City của Pep gục ngã tại Champions League suốt 7 năm qua ra sao là hệ quả của điều đó. Ông luôn thay đổi vào những thời điểm không ai nghĩ tới và gục ngã chính bởi sự thiếu ổn định đó.
Trước Lyon tại tứ kết Champions League mùa trước, Pep bất ngờ cất Ryiad Mahrez, David Silva và Bernardo Silva trên ghế dự bị để sử dụng cả Rodri lẫn Guendogan ở hàng tiền vệ, và giành suất đá chính cho trung vệ Eric Garcia. Man City thiếu sáng tạo ở tuyến giữa và lỏng lẻo ở khâu phòng ngự vì thế gục ngã trước đại diện nước Pháp.
Trước đó ở Bayern, Pep từng trằn trọc cả đêm và quyết định thay đổi đội hình trước khi tiếp đón Real Madrid trên sân nhà Allianz Arena. Kết quả là Bayern thua 0-4 và trở thành cựu vương.
Pep sẽ thất bại nếu chỉ nghĩ tới bóng đá
Thành công của Zinedine Zidane, Klopp và Hansi Flick trong nửa thập niên đổ lại cho thấy khoảng cách giữa những triết lý bóng đá đang dần bị thu hẹp. Khả năng bùng nổ của các cá nhân giờ là mấu chốt trong chiến thắng.
Không triết lý hay hệ thống chiến thuật nào đủ tốt để giúp Liverpool đè bẹp Barca 4-0 sau khi thua 0-3 lượt đi, giúp Bayern Munich nghiền nát Barca tới 8-2 hay đưa Real giành 3 chức vô địch Champions League liên tiếp. Những cầu thủ mới là người làm điều đó.
Với Klopp, bóng đá không phải chuyện sống chết. Trên The Player Tribune, nhà cầm quân người Đức thừa nhận mình và bạn gái từng “lỡ” có con khi mới 20 tuổi. Klopp đã trải qua thời thanh xuân hăng hái nhất với bỉm, sữa, bóng đá và những buổi làm thêm mệt nhoài để lấy tiền nuôi gia đình.
Klopp lạc quan đang thắng thế trước Pep Guardiola bị ám ảnh bởi bóng đá. Ảnh: Getty. |
“Đôi khi mọi người hỏi tại sao tôi luôn mỉm cười, ngay cả khi thua trận. Đó là bởi khi con trai tôi chào đời, tôi nhận ra bóng đá không phải sự sống hay cái chết. Chúng ta không thể cứu được mạng sống. Bóng đá không phải là thứ lan tỏa sự khốn khổ và thù hận. Bóng đá chỉ nên là cảm hứng và niềm vui, đặc biệt đối với trẻ em”, Klopp viết.
Quan điểm ấy giúp Klopp đang biến Liverpool thành hình mẫu của bóng đá châu Âu lúc này. Đó là đội bóng với tinh thần không chịu khuất phục và luôn lạc quan hướng tới tương lai. Những CĐV bóng đá nhìn vào Liverpool hay Klopp để thấy cảm hứng và vươn lên trong cuộc sống thường là không dư dả và đầy rẫy khó khăn.
Họ nhìn vào chiến thắng lịch sử của Liverpool trước Barca tại bán kết Champions League 2018/19, hay chức vô địch Premier League 2019/20 cũng trong mùa giải ấy để thấy sau những thất bại lớn đôi khi là những thành công, quan trọng là chúng ta đứng dậy ra sao.
Man City hay Pep Guardiola không cho người hâm mộ được cảm giác đó. CĐV thấy và học hỏi được gì khi nhìn vào thành công của Man City? Phải chi thật nhiều tiền để thành công hay ám ảnh với công việc suốt ngày đêm và tạo khoảng cách với chính những người mình làm việc cùng?
Bóng đá là môn thể thao vua bởi tính đại chúng của nó. Ai cũng có thể xem, chơi và vui vẻ cùng trái bóng tròn. Pep lúc này có lẽ không còn giữ được niềm vui vẻ như thế nữa. Ông coi bóng đá như cuộc chiến sống còn về chuyên môn và gạt đi yếu tố quan trọng nhất: con người.
Man City của Pep có thể sẽ đứng dậy nhanh chóng sau khởi đầu tệ hại này, nhưng để "The Citizens" đua đến tận cùng với Liverpool của Klopp tại Premier League thì không. Bóng đá chưa và sẽ không bao giờ là chuyện sống chết.