Trong giai đoạn bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cài cắm một điệp viên thâm nhập vào chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhờ đó, Washington phần nào nắm được các bước đi tiếp theo của người đứng đầu Điện Kremlin.
Tuy nhiên, mật vụ nói trên đã bị trục xuất khỏi Nga vào năm 2017, khiến Mỹ mất đi khả năng đoán định những kế hoạch của Tổng thống Putin.
Giới tình báo Mỹ đã mất 5 năm để tái thiết mạng lưới mật vụ xoay quanh các quan chức hàng đầu của Moscow. Giờ đây, họ đang đối mặt với bài toán hóc búa khi phải phân tích liệu ông Putin sẽ sử dụng hơn 150.000 quân đóng gần biên giới Ukraine vào mục đích gì, theo New York Times.
Nắm bắt ý đồ của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một trong những thử thách khó khăn cho các cơ quan tình báo Mỹ. Ảnh: Reuters. |
“Không ai hiểu được Tổng thống Putin đang nghĩ gì”
Cả Mỹ và Anh đều đang phần nào hình dung được những suy tính của ông Putin. Hai nguồn tình báo chính của Mỹ đến từ mặt trận kỹ thuật số và những bản phân tích các cuộc hội thoại của ông Putin với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tính toán của ông Putin đối với tình hình ở Ukraine nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào mối tương quan giữa phí tổn cho việc tham chiến và những lợi ích tiềm năng mà Nga có thể thu được từ việc đàm phán, New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.
Một số quan chức khác lưu ý rằng trong quá khứ, ông Putin từng nhiều lần đưa ra các quyết định quan trọng vào phút chót, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn của mình.
Đoán định được ý đồ của các nhà lãnh đạo vẫn luôn là nhiệm vụ khó khăn. Trong trường hợp của ông Putin, thử thách được nhân lên gấp bội khi người đứng đầu Điện Kremlin từng có kinh nghiệm là một điệp viên KGB.
Tổng thống Putin được cho là thường tránh sử dụng các thiết bị điện tử, đôi khi cấm việc ghi chú thông tin trong các buổi họp, và thậm chí trao đổi rất ít với các phụ tá của ông. Do đó, các cơ quan tình báo thường gặp khó khăn trong việc tìm hiểu về suy nghĩ và ý định của ông Putin.
Tổng thống Putin (bên phải) ngồi cùng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày 14/2. Ông Putin nổi tiếng về sự cẩn trọng trong việc trao đổi với các trợ lý thân cận. Ảnh: New York Times. |
“Không ai hiểu được Tổng thống Putin đang nghĩ gì”, Juliane Smith, Đại sứ Mỹ tại NATO, nói với báo giới hôm 15/2.
New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng lập trường cứng rắn trên trường ngoại giao của các quan chức Nga xuất phát từ thực tế rằng ngay cả họ cũng không biết được ý định thực sự của ông Putin.
Phỏng đoán
Giới chức Mỹ hiện tập trung nghiên cứu thông tin tình báo, bao gồm cả các báo cáo phân tích lẫn tài liệu thô, để trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Putin đánh giá thế nào về khả năng thành công của Nga trong chiến dịch nhắm vào Ukraine.
Thông qua quá trình phân tích và đánh giá, các quan chức của cả Mỹ và Anh đều kết luận rằng tồn tại một yếu tố nhất định thay đổi cách ông Putin nhìn nhận về vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Cụ thể, sau khi mạnh tay đầu tư cho quân đội, giờ đây Tổng thống Putin tin rằng Nga đang ở thế cửa trên so với Ukraine và thậm chí là cả châu Âu. Nguồn dự trữ tài chính của Nga cũng được cải thiện đáng kể, do đó Moscow có thể chống chịu tốt trước các lệnh trừng phạt.
Phân bổ lực lượng Nga vây quanh Ukraine tính đến ngày 13/2. Dù Nga tuyên bố đã rút một phần lực lượng, Mỹ và NATO nói không có bằng chứng cụ thể. Đồ họa: New York Times - Việt hóa: Bảo Châu. |
Gần đây, Nga đã hưởng lợi nhờ giá khí đốt và dầu mỏ tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc ông Putin càng gia tăng sức ép quân sự với Ukraine, giá xăng dầu sẽ càng tăng mạnh.
Áp lực về giá nhiên liệu nói trên đồng thời sẽ khiến một số nhà lãnh đạo châu Âu nghiêng về hướng đàm phán với Nga hơn, thay vì đe dọa đưa ra các lệnh trừng phạt.
Mặc dù các chuyên gia tình báo có kết luận tương đối giống nhau về những động thái khả dĩ của ông Putin, giới quan sát cảnh báo những đánh giá này chỉ mang tính phỏng đoán.
“Các nhà phân tích nắm bắt được cách tư duy của Tổng thống Putin và sự tức giận của ông ấy đối với phương Tây. Nhưng điều này có đồng nghĩa với việc chúng ta biết rõ ông ấy sẽ làm gì và vào khi nào hay không? Không, vì để biết được những chuyện đó thì ta phải đi guốc trong bụng ông ấy cơ”, cựu nhân viên CIA John Sipher, người từng làm việc tại Moscow, nhận định.
Washington rõ ràng đã triển khai mạng lưới tình báo vào cơ quan phụ trách kế hoạch quân sự của Nga, do đó sớm nắm được thông tin Moscow sẽ tập trung lực lượng gần biên giới với Ukraine. Giới chức Mỹ cũng từng cáo buộc Nga có âm mưu dàn dựng các cuộc đụng độ để tạo cớ đưa quân vào Ukraine.
Tuy nhiên, trong quá khứ, Tổng thống Putin từng nhiều lần khiến Mỹ sửng sốt, đơn cử như vụ sáp nhập bán đảo Crimea và quyết định triển khai lực lượng đến Syria. Do đó, những toan tính của người đứng đầu Điện Kremlin vẫn còn là dấu hỏi lớn chờ các chuyên gia tình báo của Mỹ giải đáp.