Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hai lựa chọn khó khăn cho ông Putin

Khi khủng hoảng Ukraine ngày càng leo thang, Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối diện với hai lựa chọn đầy khó khăn.

Ong Putin dung truoc lua chon anh 1

Khi theo đuổi chính sách “ngoại giao uy hiếp" với phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng trước hai lựa chọn. Một là dùng vũ lực để khiến Ukraine phải quay về với ảnh hưởng của Nga, hai là thúc đẩy quan hệ kinh tế với châu Âu. Nhưng sẽ rất khó để ông Putin đạt được cả hai mục đích, theo New York Times.

Dù tốt hơn hay xấu đi, mối quan hệ của châu Âu với Nga là một trong những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Châu Âu vẫn cần khí đốt và dầu của Nga, trong khi kinh tế Nga hưởng lợi nhiều từ điều này.

Khí đốt của Nga chiếm 40% nguồn cung của lục địa già. Tại Đức, con số này thậm chí còn lên tới hơn một nửa. Ngược lại, Moscow cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ năng lượng, vốn chiếm hơn 30% nền kinh tế và hơn 60% tỷ trọng xuất khẩu.

Ong Putin dung truoc lua chon anh 2

Các đoạn ống để lắp đặt Nord Stream 2 khi còn được tập kết ở Sassnitz, Đức vào năm 2016. Ảnh: AP.

Điều này có nghĩa là ngay cả khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, châu Âu vẫn cần tiếp tục mua năng lượng của Nga, cho dù đường ống Nord Stream 2, được thiết kế để đưa khí đốt của Nga đến châu Âu mà không cần qua Ukraine, có đi vào hoạt động hay không.

Tuy nhiên, lục địa già sau đó chắc chắn sẽ đa dạng hóa nguồn cung nhanh hơn để tránh phụ thuộc Nga, giữa lúc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững.

Quay sang Trung Quốc

Trung Quốc có thể thay thế châu Âu trong việc mua thêm khí đốt từ Nga, nhưng mọi chuyện không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Ông Alexander Gabuev, Chủ tịch Chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết ông Putin chắc chắn sẽ quay sang Trung Quốc.

“Nếu một cuộc chiến mới xảy ra ở Ukraine, ông Vladimir Putin sẽ lại cần một người bạn. Và đó sẽ là người bạn giàu có, láng giềng của Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, ông Gabuev nói.

Cả hai quốc gia đang cố gắng thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, cả ở châu Âu và châu Á.

Nhưng Nga muốn quay lưng lại với các thị trường châu Âu đến mức nào, và Trung Quốc muốn chọc giận phương Tây như thế nào vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ong Putin dung truoc lua chon anh 3

Tổng thống Vladimir V. Putin với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Sputnik.

Trung Quốc cũng có những lợi ích ngoại giao và thương mại quan trọng ở châu Âu, vì vậy nước này có thể không muốn gặp rủi ro khi “đứng quá gần" Moscow.

Hơn thế nữa, Bắc Kinh luôn tuyên bố ủng hộ biên giới quốc tế và chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề nội bộ, chẳng hạn như Đài Loan. Vì vậy, việc “chống lưng" cho Nga có thể sẽ gây khó xử.

Hơn nữa, sự rạn nứt lớn với châu Âu sẽ làm tổn hại đến uy tín của Nga với tư cách là một đối tác ngoại giao và thương mại đáng tin cậy trong thời gian dài.

Vị trí của châu Âu

Điều đó càng nhấn mạnh tầm quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) và khả năng trừng phạt Nga như một cách để răn đe ông Putin.

Mỹ cũng có thể áp dụng một số biện pháp trừng phạt kinh tế quan trọng, tác động tới ngân hàng Nga, cùng lĩnh vực nhập khẩu các bộ phận kỹ thuật quan trọng, như chất bán dẫn. Nhưng xét về mặt thương mại, Mỹ có ít ảnh hưởng hơn so với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Vì vậy, cách thức EU lựa chọn để thể hiện quyền lực kinh tế của mình sẽ là vấn đề quan trọng. Đó là lý do tại sao chính quyền Biden đã dành rất nhiều thời gian để thuyết phục các nước châu Âu.

Và bất chấp sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo, châu Âu cho biết họ đã xây dựng một danh sách các biện pháp trừng phạt cơ bản mạnh mẽ nếu Nga tấn công Ukraine. Mức độ trừng phạt có thể gia tăng tùy thuộc vào những gì ông Putin thực sự làm.

Gần đây, mặc dù đưa ra quan điểm không rõ ràng về mức độ sẵn sàng trừng phạt, chính phủ mới của Đức, với liên minh ba bên, đã cam kết thực hiện một loạt hành động nếu Nga tấn công vào biên giới Ukraine.

Tại cuộc gặp 7/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này và Mỹ "tuyệt đối thống nhất" về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, nhấn mạnh rằng "chúng tôi sẽ không hành động khác nhau, sẽ đồng hành và các biện pháp phản ứng sẽ rất khó khăn với Nga".

Ong Putin dung truoc lua chon anh 4

Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng thống Biden hôm 7/2 tại Washington. Ảnh: New York Times.

Dù vậy, rõ ràng châu Âu dễ bị tổn thương bởi các biện pháp đáp trả của Nga. Ngay cả khi chỉ cắt giảm khí đốt trong vài ngày, giá năng lượng vốn đã cao có thể tăng phi mã, khiến người dân khó chịu và thị trường chứng khoán chao đảo. Châu Âu cũng phụ thuộc vào Nga về các nguyên liệu thô quan trọng khác, từ palađi, titan đến kali.

Trong bối cảnh đó, một quan chức cấp cao của EU cho biết, điểm mấu chốt là đảm bảo rằng Nga, mục tiêu của các lệnh trừng phạt, phải cảm thấy “đau đớn hơn” các nước châu Âu.

Lựa chọn của Nga

Nếu Nga ổn định quan hệ kinh tế với châu Âu, câu hỏi đặt ra là làm cách nào để ông Putin ngăn Ukraine ngày càng xích lại gần hơn với phương Tây.

Nigel Gould-Davies, một cựu quan chức ngoại giao Anh hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng việc Nga cố gắng buộc phương Tây đồng ý với các đề xuất an ninh “không chỉ đơn giản là giải pháp thay thế cho hành động gây hấn mà còn là một màn dạo đầu”.

Ông cho rằng phản ứng cứng rắn của Mỹ và châu Âu làm giảm bớt các lựa chọn của ông Putin khi Ukraine hướng về phương Tây.

Việc Nga tăng cường quân sự xung quanh Ukraine, cùng với các cuộc tấn công mạng và cắt giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu, cho thấy sự chuẩn bị chưa từng có cho các hành động quân sự.

Tuy nhiên, ông nhận định “lựa chọn không chắc chắn này khiến Nga rơi vào tình trạng ngoại giao tồi tệ hơn”.

Ong Putin dung truoc lua chon anh 5

Một người lính Ukraine tại chiến tuyến ở miền Đông nước này. Ảnh: New York Times.

Ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie's Moscow, có cái nhìn khác. Ông Trenin lập luận trên tờ Kommersant của Nga rằng chính sách "ngoại giao uy hiếp" giúp ông Putin có thể dễ dàng tuyên bố chiến thắng ngoại giao, “buộc phương Tây phải ngồi đàm phán về các vấn đề an ninh châu Âu”. Điều đó bao gồm việc hồi sinh thỏa thuận Minsk, buộc Ukraine công nhận quyền tự trị của hai tỉnh ly khai Donetsk và Luhansk.

Theo ông Trenin, tổng thống Nga cũng có thể chấp nhận mạo hiểm và chơi trò may rủi.

Ông Putin có thể sẽ tiến hành hoạt động tấn công trên quy mô nhỏ hơn, như chiếm đóng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine, hoặc tấn công mạng làm rung chuyển chính phủ Kyiv. Mặc dù gây ảnh hưởng với Ukraine, Nga ít có khả năng bị trừng phạt bởi Washington và châu Âu hơn.

Bí ẩn toan tính của ông Putin với Ukraine

Tổng thống Vladimir Putin cho biết đề xuất ngoại giao Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra đáng xem xét, nhưng không loại trừ việc Nga tấn công Ukraine.

Nga - Belarus tập trận khiến phương Tây lo ngại

Nga và Belarus tiến hành tập trận chung kéo dài 10 ngày từ 10/2 - động thái bị phương Tây cáo buộc là bước chuẩn bị để phát động cuộc chiến với Ukraine.

Minh An

Bạn có thể quan tâm