Loài người hiện đại xuất hiện ở châu Phi hàng trăm nghìn năm trước và cuối cùng di cư tới châu Âu, châu Á và nhiều nơi khác khắp thế giới.
Tuy nhiên, các nghiên cứu mới tiết lộ trước khi thành công rời khỏi châu Phi và di tản khắp nơi, loài người hiện đại đã tuyệt chủng rất nhiều lần. Nghiên cứu cũng làm sáng tỏ vai trò của người Neanderthal - được xem là “anh em họ” của loài người tinh khôn (Homo Sapiens), tổ tiên loài người - trong quá trình phát triển này.
Theo BBC, dựa trên kết quả nghiên cứu, chỉ những người có sự pha trộn gene với người Neanderthal mới có thể tồn tại và phát triển, trong khi các dòng máu khác đã tuyệt chủng. Trên thực tế, gene người Neanderthal có khả năng đã bảo vệ loài người khỏi các căn bệnh mới chưa từng gặp phải.
Loài người từng tuyệt chủng nhiều lần
Lần đầu tiên, nghiên cứu xác định một giai đoạn ngắn cách đây 48.000 năm, khi Homos sapiens rời khỏi châu Phi và giao phối với người Neanderthal, sau đó bắt đầu mở rộng ra nhiều khu vực khác. Trước đó, Homo sapiens đã di chuyển khỏi lục địa này, nhưng các nhóm người trước khi giao phối với người Neanderthal không tồn tại lâu dài.
Giáo sư Johannes Krause thuộc Viện Sinh học Tiến hóa Max Planck nhận định những nghiên cứu mới đã viết lại lịch sử con người hiện đại.
“Chúng ta coi loài người hiện đại là một thành công lớn, xuất hiện từ châu Phi cách đây 60.000 năm và xâm nhập vào mọi hệ sinh thái để trở thành loài động vật có vú thành công nhất hành tinh”, ông giải thích. “Tuy nhiên, chúng ta đã tuyệt chủng nhiều lần trước đó”.
Trong một thời gian dài, các nhà khoa học giải mã cách tiến hóa của loài người duy nhất còn sống sót dựa trên việc quan sát hình dạng của hài cốt hóa thạch tổ tiên cách đây hàng trăm nghìn năm, đồng thời theo dõi cấu tạo cơ thể thay đổi từng chút một theo thời gian.
Hài cốt lịch sử thường rất hiếm và không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, khả năng phân tích và đọc mã di truyền từ những mảnh cốt có tuổi đời hàng nghìn năm đã vén bức màn bí ẩn về quá khứ của loài người. DNA trong các hài cốt cổ xưa có thể tiết lộ về các cá thể, cách họ liên quan đến nhau và mô hình di cư của họ.
Ngay cả khi đã giao phối thành công với người Neanderthal, người châu Âu cổ đại vẫn gặp nhiều trở ngại trong quá trình sinh tồn.Thế hệ đầu tiên kết đôi và sinh sống cùng người Neanderthal đã tuyệt chủng hoàn toàn ở châu Âu cách đây 40.000 năm, song con cháu của họ đã di chuyển khắp thế giới. Sau đó, chính thế hệ sau của những Homos sapiens lai này đã quay trở lại định cư ở châu Âu.
Bổ sung manh mối về nguyên nhân người Neanderthal tuyệt chủng
Nghiên cứu cũng đưa ra góc nhìn mới về lý do người Neanderthal tuyệt chủng ngay sau khi loài người hiện đại sinh sống tại châu Phi. Dù chưa biết chính xác nguyên nhân, bằng chứng mới giúp loại bỏ những lý thuyết cho rằng loài người hiện đại săn đuổi họ đến mức hoàn toàn biến mất, hoặc chúng ta vượt trội hơn họ về mặt thể chất và trí tuệ.
Thay vào đó, giáo sư Krause nhắc tới các yếu tố môi trường.
"Cả loài người hiện đại và người Neanderthal đều tuyệt chủng ở châu Âu vào thời điểm này", ông nói. "Nếu chúng ta, vốn được coi là tiến hóa thành công, cũng biến mất tại khu vực này, thì không có gì ngạc nhiên khi người Neanderthal có dân số nhỏ hơn rơi vào hoàn cảnh tương tự”.
Vào thời điểm đó, khí hậu rất khắc nghiệt. Theo giáo sư Chris Stringer của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, thời tiết ấm áp có thể chuyển sang lạnh buốt, đôi khi kéo dài suốt cả đời người.
"Nghiên cứu cho thấy gần cuối thời gian sống trên hành tinh này, số lượng người Neanderthal rất ít, mặt di truyền ít đa dạng hơn so với người hiện đại cùng thời. Và không lâu sau họ bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng”, ông nói.
Một nghiên cứu về DNA khác, được công bố trên tạp chí Science, cho thấy loài người hiện đại đã giữ lại một số đặc điểm di truyền quan trọng từ người Neanderthal, mang lại lợi thế tiến hóa, trong đó có hệ thống miễn dịch.
Khi loài người xuất hiện tại châu Phi, họ cực kỳ dễ mắc các bệnh mới chưa từng gặp phải. Những thế hệ sau khi giao phối với người Neanderthal đã được bảo vệ.
"Có lẽ mang trong mình DNA của người Neanderthal góp phần giúp chúng ta thích nghi tốt hơn khi sinh sống ngoài châu Phi. Chúng ta đã tiến hóa ở châu Phi, trong khi người Neanderthal tiến hóa bên ngoài châu Phi”, giáo sư Stringer cho biết.
"Bằng cách lai giống với người Neanderthal, chúng ta đã nhanh chóng cải thiện được hệ thống miễn dịch", ông kết luận.
Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu”. Là hồi ký về cuộc đời nhà văn Stefan Zweig, cuốn sách đưa độc giả đi qua thời kỳ hoàng kim của thế kỷ XIX, tiếp đến sự tàn phá kinh hoàng của Thế chiến I và thời kỳ trỗi dậy của Đức quốc xã.
Cuốn hồi ký sẽ giúp bạn đọc biết châu Âu trong những ngày tháng đó ra sao: Chân thực và thô ráp.
Đánh giá mới về lịch sử nụ hôn của loài người
Theo các nhà nghiên cứu, ghi chép sớm nhất về nụ hôn của loài người có niên đại khoảng 4.500 năm ở Trung Đông cổ đại, sớm hơn 1.000 năm so với ước tính trước đây.
Cá đuối khổng lồ từ thời khủng long trên bờ vực tuyệt chủng
Cá đuối maugean đã sống trên Trái Đất từ thời kỳ khủng long, song do môi trường sống bị đảo lộn do hoạt động của con người, loài này đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Trump và ông Tập Cận Bình điện đàm
Tối 17/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhưng không cung cấp nội dung chi tiết của cuộc này.