Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người 'thì thầm bên tai' ông Putin

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã xác định vai trò quan trọng là cầu nối đàm phán giữa Đông Âu - Tây Âu, và ông không lạc quan về triển vọng hòa bình ở Ukraine.

Vi nguyen thu chau Au hieu ro ong Putin anh 1

Khi mối đe dọa về một cuộc tấn công từ Nga nhắm vào Ukraine ngày càng gia tăng, có rất ít nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể điện đàm chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Danh sách này khá khiêm tốn, chỉ gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 1, trước đó là Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 12/2021, và người hiếm hoi còn lại là Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, theo Washington Post.

Ông Niinisto - một trong những vị nguyên thủ châu Âu có mối quan hệ lâu dài nhất và sâu sắc nhất với ông Putin đã gọi điện, đưa ra lời khuyên cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo thế giới khác về căng thẳng với Moscow.

“Tôi đang cố gắng giúp đỡ”, ông nói. “Họ biết rằng tôi hiểu Putin”.

Tờ Sunday Times của Anh gần đây thậm chí còn mệnh danh Tổng thống Niinisto là “người thì thầm bên tai ông Putin”.

Tuy nhiên, tổng thống Phần Lan cho biết ông không lạc quan về tình hình ở Ukraine, theo New York Times.

Ông Putin đang thay đổi?

Tổng thống Niinisto, 73 tuổi, cho biết vai trò của ông không chỉ đơn thuần là người điều hành quốc gia Bắc Âu, truyền tải thông điệp giữa Đông và Tây, mà còn là “sứ giả” giải thích suy tính giữa các bên.

Sự rời bỏ chính trường của bà Angela Merkel - người trong nhiều năm với tư cách là Thủ tướng Đức đã dẫn đầu các cuộc đàm phán của châu Âu với ông Putin - đã khiến vai trò của ông Niinisto trở nên ngày càng quan trọng, đặc biệt là khi nguy cơ chiến tranh mỗi lúc một lớn.

Trước và sau cuộc trò chuyện cuối cùng với ông Putin ngày 22/1, ông Niinisto nói rằng đã nhận thấy sự thay đổi ở vị tổng thống Nga. “Trạng thái của ông ấy, cách ông ấy đưa ra các quyết định, tính dứt khoát - điều đó đang thể hiện rõ sự khác biệt”, ông nói, tin rằng người đứng đầu Điện Kremlin đang cảm thấy phải nắm bắt “động lực mà ông ấy có bây giờ”.

Vi nguyen thu chau Au hieu ro ong Putin anh 2

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: TASS.

Trước đó, Tổng thống Putin từng khẳng định chưa có ý định phát động chiến tranh với Ukraine, dù điều này không được các nước phương Tây tin tưởng.

Ông Niinisto nhận định căng thẳng khó có thể lắng xuống khi các bên đối lập vẫn tranh cãi về thỏa thuận Minsk. Các yêu cầu khác của Nga dường như cũng gây nhiều áp lực lên châu Âu và Mỹ, mà theo tổng thống Phần Lan, điều này đồng nghĩa với căng thẳng.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Dagens Nyheter của Thụy Điển xuất bản ngày 12/2, Niinisto nói rằng ông "rất lo lắng" rằng chiến tranh sẽ nổ ra ở Ukraine nếu căng thẳng không được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao.

Ông Niinisto đã thảo luận tình hình nhiều lần với nhà lãnh đạo Nga, gần đây nhất là trong cuộc điện đàm hồi cuối tháng 1.

Nhận định của ông Niinisto càng được củng cố hơn khi Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto chỉ ra rằng một cuộc chiến toàn diện sẽ có tác động đáng kể trên toàn châu Âu.

Ông nói với báo Yle vào tối 12/2 rằng Phần Lan cũng có thể gánh hậu quả nếu xung đột nổ ra ở Ukraine. Ví dụ, vấn đề về tiếp cận năng lượng và thực phẩm sẽ gặp một số bất lợi. Ngoài ra, thương mại với Ukraine và Nga sẽ trở nên khó khăn hơn.

Niinisto và Putin

“Mọi người đã cường điệu khi nói rằng tôi hiểu nhiều về Putin hoặc suy nghĩ của ông ấy”, Tổng thống Niinisto khiêm tốn.

Mối quan hệ với ông Putin đã được ông Niinisto nuôi dưỡng hơn một thập kỷ, qua nhiều cuộc gặp gỡ, vô số cuộc điện thoại và một trận khúc côn cầu.

Vi nguyen thu chau Au hieu ro ong Putin anh 3

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng chơi khúc côn cầu năm 2012. Ảnh: Văn phòng tổng thống Phần Lan.

Quan hệ của ông Niinisto với nhà lãnh đạo Nga còn được biểu hiện rõ qua một số sự kiện khác. Chẳng hạn, sau khi nhận được sự ủng hộ từ bà Merkel, ông Niinisto năm 2020 đã đề xuất đến ông Putin về việc cho phép chính trị gia đối lập Aleksei A. Navalny - đến Đức để điều trị. Văn phòng của ông Navalny sau đó đã cảm ơn ông Niinisto.

Alexander Stubb, cựu Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phần Lan, người thường tháp tùng ông Niinisto trong các cuộc gặp với ông Putin, cho biết: “Ông ấy là người đáng để tham khảo ý kiến khi muốn biết về vùng đông bắc của châu Âu, và đặc biệt là khi muốn tìm hiểu suy nghĩ của ông Putin”.

"Ông ấy là một bậc thầy trong quyền lực chính trị và trong việc tìm kiếm sự cân bằng phù hợp”, ông Stubb nói thêm.

Ông Niinisto đã nâng cao được quyền lực của bản thân trong một cuộc họp quan trọng về an ninh quốc gia do ông điều hành và từ việc trích dẫn hiến pháp, trong đó tuyên bố rằng chính sách đối ngoại của quốc gia phải do “tổng thống hợp tác cùng chính phủ để lãnh đạo”.

“Chính tổng thống là người dẫn dắt việc hợp tác”, ông Niinisto nói rõ, khẳng định vị thế đứng đầu của mình.

Theo các nhà quan sát chính trị Phần Lan, chính sách đối nội là nhiệm vụ của thủ tướng, hiện là bà Sanna Marin. Bà Marin hồi tháng 1 đã khiến ông Niinisto giận dữ khi nói với Reuters rằng khó có khả năng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO khi bà còn đương nhiệm.

Khi được hỏi tuyên bố của bà Marin có mang tính xây dựng không, tổng thống nói: “Tôi vẫn chỉ nói rằng tôi không thấy có thiệt hại lớn nào”.

Việc có gia nhập NATO hay không là vấn đề quan trọng ở Phần Lan, đóng vai trò như một công cụ chiến lược trong quan hệ với ông Putin.

Vi nguyen thu chau Au hieu ro ong Putin anh 4

Tổng thống Niinisto và Tổng thống Putin tại Điện Kremlin vào tháng 10/2021. Ảnh: AOP.

Ông Niinisto cho biết Tổng thống Putin từng nói có thể biến Phần Lan từ láng giềng thân thiện thành “kẻ thù” nếu nước này gia nhập NATO.

Tuy nhiên, ông Niinisto - người luôn tự hào về pháo binh ấn tượng của Phần Lan - thường xuyên khẳng định đất nước của ông có quyền trở thành thành viên của liên minh quân sự này. “Tôi cũng đã nói điều đó với Putin, rất rõ ràng”, ông nói.

Thái độ vừa thân thiện, vừa cứng rắn mà vẫn giữ được hòa khí của tổng thống Phần Lan với nhà lãnh đạo Nga đã cho thấy sự hiểu biết của ông về người đứng đầu điện Kremlin.

Không chỉ giữ quan hệ cho riêng mình, ông Niinisto sẵn sàng đưa ra lời khuyên hợp lý cho các nhà lãnh đạo muốn đàm phán với thổng thống Nga. Ông từng cố gắng đưa ra một số gợi ý cho ông Trump trước cuộc gặp thượng đỉnh vào năm 2018 ở Helsinki, nói rằng rằng ông Putin "là một chiến binh" và "ông ấy sẽ tôn trọng người tôn trọng ông ấy".

Ông Niinisto cũng đã nói điều tương tự với ông Biden trước cuộc gọi của tổng thống Mỹ với ông Putin về vấn đề Ukraine vào tháng trước.

Ông hy vọng mối quan hệ của mình với ông Putin, và những "động thái nhỏ" mà nó có thể tạo ra, sẽ giúp các đối tác của ông tránh được một nguy cơ lớn ở Ukraine.

“Đây là thời điểm nguy hiểm,” ông nói.

Xe tăng, máy bay, tên lửa Nga phô diễn hỏa lực thị uy Ukraine Hàng nghìn phương tiện chiến đấu của Nga đồng loạt nhả đạn phô diễn sức mạnh trong cuộc tập trận chung với Belarus, khi căng thẳng với Ukraine đang diễn biến phức tạp.

Ông Putin và ông Macron điện đàm 100 phút

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm 1 giờ 40 phút ngày 12/2 về khủng hoảng Ukraine.

Ông Biden cảnh báo ông Putin

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đồng cấp Nga hôm 12/2 rằng phương Tây sẽ đáp trả một cách dứt khoát đối với bất kỳ cuộc tấn công nào vào Ukraine.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm