Ông Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm khoảng một tiếng hôm 12/2 (giờ Mỹ), sau khi Washington và các đồng minh cảnh báo quân đội Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.
Khi điện đàm, ông Biden nói với tổng thống Nga rằng Mỹ đang thúc đẩy biện pháp ngoại giao, nhưng sẵn sàng cho "các kịch bản khác", Nhà Trắng cho biết, theo Reuters.
Ông Biden cảnh báo thẳng thắn với Tổng thống Putin rằng Mỹ sẽ "nhanh chóng áp đặt những cái giá đắt đối với Nga" nếu nước này tấn công Ukraine.
Ông Biden nhấn mạnh cuộc tấn công sẽ "gây ra đau khổ cho con người trên diện rộng và làm giảm vị thế của Nga".
Một tuyên bố của Nhà Trắng sau đó cho biết Tổng thống Biden nói rõ với Tổng thống Putin rằng trong khi Mỹ vẫn chuẩn bị cho biện pháp ngoại giao, cũng như phối hợp đầy đủ với các đồng minh và đối tác, "chúng tôi cũng sẵn sàng cho các tình huống khác”.
Một quan chức Mỹ nói với các phóng viên rằng cuộc điện đàm “chuyên nghiệp và thực chất”, nhưng “không mang lại thay đổi cơ bản nào”.
Tổng thống Biden điện đàm với ông Putin vào ngày 12/2. Ảnh: AP. |
Quan chức này nói thêm rằng vẫn chưa rõ liệu ông Putin đã đưa ra quyết định tiến hành hành động quân sự hay chưa.
Thông báo của Điện Kremlin sau điện đàm cho biết Tổng thống Putin nói Moscow sẽ xem xét các ý kiến mà ông Biden đưa ra nhằm giải quyết các yêu cầu an ninh của Nga. Tuy nhiên, chúng vẫn không giải quyết được các mối quan tâm cơ bản nhất của Moscow.
Yuri Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Putin, nói trong khi căng thẳng leo thang vào nhiều tháng, “tình hình đã được đẩy đến mức phi lý” trong những ngày gần đây, theo AP.
Ông Biden đã đề cập đến các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng đối với Moscow, nhưng “vấn đề này không phải là trọng tâm trong cuộc trò chuyện với nhà lãnh đạo Nga”, ông Ushakov cho biết thêm.
Nga phủ nhận ý định tấn công Ukraine, dù tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới nước này và đưa quân đến tập trận ở nước láng giềng Belarus.
Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Putin diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ Chiến tranh Lạnh. Các quan chức Mỹ tin rằng họ chỉ có vài ngày để ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn ở Ukraine.
Trong một dấu hiệu để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, Mỹ ra kế hoạch sơ tán hầu hết nhân viên khỏi đại sứ quán ở thủ đô Kiev. Anh cùng các quốc gia châu Âu khác cũng kêu gọi công dân rời Ukraine.
Hôm 12/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đã trao đổi với người đồng cấp Nga rằng thái độ quyết liệt hơn nữa của Nga có thể dẫn đến một phản ứng xuyên Đại Tây Dương, với mức độ "kiên quyết, thống nhất và quy mô lớn”.