Cố vấn của ông Zelensky đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga ngày 10/2 theo thể thức Normandy, do Đức và Pháp làm trung gian.
Cuộc gặp tập trung vào giải quyết xung đột ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, đã không có bước đột phá nào sau 9 giờ đàm phán. Các bên chỉ đồng ý tiếp tục thảo luận ở một thời điểm khác, Washington Post đưa tin.
Ukraine cho biết họ sẵn sàng hợp tác trong vấn đề nhân đạo, nhưng việc không đưa ra được tuyên bố chung cho thấy Tổng thống Zelensky đang chờ những điều khoản tốt hơn.
Dù có những lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tấn công quân sự vào Ukraine nếu các biện pháp ngoại giao thất bại, ông Zelensky vẫn cứng rắn trước Moscow, một phần đến từ sức ép của Quốc hội.
Ông Zelensky có thể đối mặt với sự phản đối gay gắt ngay trong đảng của mình nếu công nhận lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donbass.
Phó chánh Văn phòng Điện Kremlin Dmitry Kozak cho biết phía Ukraine đã thể hiện lập trường cứng rắn, khiến việc đi đến giải pháp hòa giải - được gọi là hiệp định Minsk - là bất khả thi.
Trong khi đó, người đồng cấp Ukraine Andriy Yermak nói rằng cách Kyiv có cách tiếp cận “đối thoại mang tính xây dựng”, và các bên đều đồng ý hiệp định Minsk phải được thực hiện.
Ngoại trưởng Nga, Pháp, Đức và Ukraine gặp gỡ tại Berlin. Ảnh: Reuters. |
Hiệp định Minsk lần đầu được thỏa thuận năm 2014 với hy vọng các bên ngừng bắn ở vùng Donbass, nhưng nhanh chóng sụp đổ, khiến xung đột ở miền đông Ukraine kéo dài đến năm thứ tám.
Rào cản chính nằm ở việc Ukraine từ chối đàm phán và công nhận lực lượng ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass.
Ngược lại, Moscow muốn lực lượng ly khai được trao nhiều quyền hơn trong quá trình hoạch định chính sách - điều mà Kyiv từ chối vì có thể ảnh hưởng đến cơ hội gia nhập khối quân sự NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Ông Kozak cũng chỉ trích châu Âu không có nhiều ảnh hưởng trong vai trò trung gian hòa giải.
"Ấn tượng của tôi là phương Tây không có tác động nào lên lập trường của Ukraine trong cuộc đàm phán", ông nói.