Trong cuộc phỏng vấn ngày 16/9 với CBS News tại Nhà Trắng, người dẫn chương trình Scott Pelley hỏi tổng thống Mỹ rằng ông sẽ nói gì với người đồng cấp Nga Vladimir Putin "nếu ông ấy cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân hóa học hoặc chiến thuật”.
“Đừng. Đừng. Đừng! Ông sẽ thay đổi cục diện cuộc xung đột, không giống bất cứ điều gì kể từ Thế chiến II”, ông Biden trả lời.
Khi được hỏi về phản ứng của Mỹ nếu trường hợp này xảy ra, ông Biden từ chối đưa ra bình luận cụ thể. “Những điều họ thực hiện sẽ quyết định phản ứng của nước Mỹ”, Tổng thống Biden nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP. |
Tháng trước, người đứng đầu Vụ Không phổ biến vũ khí và Kiểm soát Vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Trofimov đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng Moscow đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine. Ông khẳng định những cáo buộc này là “vô căn cứ và không thể chấp nhận được”, theo TASS.
Ông Trofimov không loại trừ rằng điều này được thực hiện “có chủ ý nhằm tăng cường thái độ chống Nga”.
Nước Nga chỉ “sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả những kẻ xâm lược sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc đe dọa sự tồn tại của nhà nước”, ông này khẳng định.
“Không có kịch bản giả định nào liên quan đến tình hình Ukraine”, ông nói.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là những vũ khí có thể sử dụng ở khoảng cách ngắn, trái ngược với vũ khí hạt nhân chiến lược có thể được phóng trên khoảng cách xa hơn.
Hôm 15/9, chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ gửi thêm 600 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhà Trắng cho biết đây là lần thứ 21 nước Mỹ chuyển giao vũ khí và thiết bị tới Ukraine.
Gói viện trợ này bao gồm nhiều loại đạn dược và thiết bị từng được lực lượng Ukraine sử dụng tại các khu vực phía đông và phía nam. Gói hệ thống vũ khí mới nhất nâng tổng số tiền viện trợ của Mỹ cho Ukraine lên gần 15,9 tỷ USD.