Ông Biden phát biểu tại hội nghị COP27 hôm 11/11. Ảnh: Reuters. |
Tuyên bố trên được ông Biden đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập, AFP đưa tin.
“Cuộc khủng hoảng khí hậu liên quan tới an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh quốc gia và mọi sự sống trên hành tinh này”, ông Biden nói.
Trong bài phát biểu, ông Biden nói rằng nước Mỹ “sẽ đạt được” mục tiêu cắt giảm phát thải 50-52% vào năm 2030, so với mốc năm 2005.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng công bố kế hoạch tăng cường nỗ lực cắt giảm phát thải khí methane - một trong những tác nhân chính khiến Trái Đất nóng lên - bằng cách kiểm soát lượng methane thoát ra từ các mỏ dầu khí, cũng như buộc các công ty phải hành động.
“Để có thể ‘bẻ cong’ đồ thị phát thải một cách lâu dài, mọi quốc gia cần tăng cường nỗ lực”, ông Biden nói. “Trong hội nghị này, chúng ta cần làm mới và nâng tầm các tham vọng về khí hậu. Nước Mỹ đã hành động, mọi quốc gia khác cũng phải hành động. Đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của giới lãnh đạo toàn cầu”.
Tuyên bố của ông Biden nhận được phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế. Ông Ani Dasgupta, Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), nhận định chương trình nghị sự về khí hậu của ông Biden “đậm nét nhất” trong các đời tổng thống Mỹ.
Dù vậy, ông Dasgupta chỉ ra Mỹ vẫn đang chưa chi đủ tiền trong cam kết đóng góp 100 tỷ USD/năm về khí hậu, vốn được các nước giàu hứa với các nước nghèo từ năm 2009.
Trong bài phát biểu dài 22 phút, ông Biden bị ngắt lời trong một khoảng thời gian ngắn bởi một nhóm người biểu tình. Những người này - là những nhà vận động trẻ hoặc là người bản địa từ Mỹ - kêu gọi ông Biden dừng thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thạch, Guardian cho biết.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.