Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nokia: Vì sao nên nỗi?

Thông tin có tác động như quả bom nổ trong thế giới điện thoại di động nói riêng và thế giới thương hiệu nói chung, nhưng lại có phần như đã được báo trước: tập đoàn Microsoft mua lại bộ phận điện thoại di động của Nokia với giá 7,2 tỷ USD.

Chậm chân và không hợp thời

Thật ra thì Nokia đã hợp tác với Microsoft để có loại điện thoại di động thông minh chạy hệ điều hành Windows của Microsoft. Nhưng sau phi vụ mua bán này, hãng Nokia không còn sản xuất điện thoại di động nữa. Rồi đây, Microsoft sẽ làm gì với thương hiệu vốn lừng danh một thủa mà nay đã bị sứt đầu mẻ trán này là chuyện của tương lai.

Đối với thương hiệu điện thoại Nokia, vụ mua bán này chẳng khác gì một cú nốc ao đầy đau đớn và cay đắng. Điện thoại di động Nokia đã từng thống trị thế giới điện thoại di động suốt 14 năm liền. Nokia luôn đi tiên phong với cải tiến sáng tạo không ngừng. Từng có thời bỏ xa những đối thủ cạnh tranh tiền nhiều danh lớn như Samsung hay Apple mà giờ thương hiệu phải đối mặt với nguy cơ bị biến mất.

Một góc nhà máy Nokia tại Bắc Ninh.

Nguyên nhân thất bại trước hết của thương hiệu điện thoại di động này là đã không nắm bắt được xu thế điện thoại di động thông minh lấn át điện thoại di động cổ điển do Apple khởi xướng năm 2007 với loại điện thoại iPhone. Nokia đã quá coi trọng "phần cứng" mà sao nhãng quá mức và quá lâu "phần mềm" trong điện thoại di động. Nokia không có được sự kết hợp hài hoà giữa "phần cứng" và "phần mềm" trong điện thoại di động như Samsung hay Apple. Nokia chậm chân hơn nhiều so với Samsung hay Apple ở cả ba phương diện quyết định nhất đối với điện thoại di động thông minh là màn hình cảm ứng, những ứng dụng trên điện thoại di động và mức độ dễ sử dụng hay còn được gọi là tính thân thiện đối với người sử dụng. Điện thoại di động thông minh của Nokia được công nhận là tốt, thậm chí rất tốt, nhưng lại không còn hợp thời nên ngày càng không được ưa chuộng.

Danh tiếng thương hiệu

Thương hiệu có được danh tiếng nhờ nhiều vào chất lượng, nhưng tồn tại và phát triển được hay không lại dựa cậy chính vào sản phẩm mang tên thương hiệu có được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn để sử dụng hay không.

Nokia đã sơ cứng trong tư duy kinh doanh và phần nào đã ngủ quên trong hào quang của thành quả đã đạt được. Vụ mua bán với Microsoft tuy là sự giải thoát đối với hãng Nokia nói chung, nhưng lại là bi kịch đối với thương hiệu điện thoại di động Nokia. Sự trượt dốc của thương hiệu này quá nhanh nên tác động của nó có phần còn tàn nhẫn đối với đất nước và con người Phần Lan. Bao năm qua, Nokia là biểu tượng và hiện thân cho nước này như Coca Cola đối với nước Mỹ. Nó là niềm tự hào của người Phần Lan và là bằng chứng về khả năng sáng tạo và kinh doanh của người Phần Lan. Cái kết cục này là điều có thể được báo trước vì cuộc khủng hoảng của thương hiệu đã xuất hiện từ lâu. Nokia đã chống đỡ nhưng cuối cùng không chống đỡ nổi nên thương hiệu mới ra nông nỗi này.

Tại thị trường VN, Nokia ký kết thỏa thuận thuê đất dài hạn với Cty TNHH VSIP Bắc Ninh và xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động mới của mình tại Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Bắc Ninh. Nhà máy tại VSIP Bắc Ninh là nhà máy đầu tiên của Nokia tại Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Ban đầu Nokia sẽ đầu tư khoảng 200 triệu euro (khoảng 280 triệu USD) với các khoản đầu tư thêm được hoạch định cho các giai đoạn sau.

Những thiết bị di động của Nokia lần đầu tiên được giới thiệu tại VN vào năm 1996 và hiện nay Nokia là một trong 10 thương hiệu được ưa chuộng nhất tại VN.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn có thể quan tâm