Microsoft đã quyết chi hơn 7 tỷ USD để “đưa Nokia về dinh” với mục tiêu cải thiện tương lai cho mảng di động của hãng. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi về khả năng “đổi vận” mà vụ thâu tóm này mang lại cho hai “gã khổng lồ” đang tụt hậu trên thị trường di động cạnh tranh đầy khốc liệt.
CEO Stephen Elop của Nokia (trái) và CEO Steve Ballmer của Nokia. |
Theo báo Wall Street Journal, Microsoft đang nuôi hy vọng rằng, việc sở hữu mảng di động của Nokia sẽ giúp cả hai bên hóa giải vấn đề mà họ đã không thể giải quyết nổi bằng mối quan hệ đối tác. Đó là giành vị thế thống trị trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone) từ tay hai đối thủ Apple và Google.
Sau gần 3 năm hợp tác với Nokia, Microsoft có được vị trí số 3 trên thị trường smartphone toàn cầu, nhưng phần mềm di động của hãng chỉ chiếm thị phần khoảng 4%, so với tổng mức thị phần 90% nằm trong tay phần mềm của Apple và Google. Những chiếc smartphone của Nokia chỉ còn chiếm một thị phần không đáng kể từ chỗ nắm gần một nửa thị trường trước khi chiếc iPhone của Apple xuất hiện.
Đối với Microsoft, để tạo ra sự đột phá, hãng cần phải tạo ra được những thiết bị di động hấp dẫn cả người tiêu dùng và khách hàng doanh nghiệp, bên cạnh tìm ra cho mình một chỗ đứng ở mảng sản xuất phần cứng, và giành sự ủng hộ từ các cổ đông và các nhà phát triển ứng vốn đang giữ thái độ hoài nghi. Một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là sáp nhập trơn tru 32.000 nhân viên của Nokia vào quân số 100.000 nhân viên hiện có.
Các nhà đầu tư cổ phiếu Microsoft có vẻ như không tin tưởng lắm vào tương lai của “cuộc hôn nhân” Microsoft-Nokia. Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba vừa rồi, giá cổ phiếu Microsoft giảm 4,6%, xóa sạch thành quả tăng có được sau khi Giám đốc điều hành (CEO) Steve Ballmer tuyên bố sắp sửa về hưu.
Cũng vào thứ Ba, ông Ballmer nói rằng, Google và Apple sẽ không giữ mãi được thế thượng phong trên thị trường di động. Bên cạnh đó, Microsoft có tiềm lực tài chính rất mạnh. Doanh thu của hãng mỗi năm đạt hơn 70 tỷ USD, và vụ thâu tóm Nokia sẽ chẳng gây “hề hấn” gì đối với dự trữ tiền mặt 77 tỷ USD.
Trao đổi với giới phân tích qua điện thoại, ông Ballmer nói rằng, Microsoft cần phải trở thành một nhà sản xuất phần cứng thay vì chỉ cung cấp phần mềm cho máy tính, điện thoại và các thiết bị khác. “Để thực sự đạt được tầm nhìn về những gì có thể làm cho khách hàng, chúng tôi đã điều chỉnh cách nghĩ của mình”, Ballmer nói.
Tuy nhiên, để chuyển mình hoàn toàn thành một nhà sản xuất phần cứng, Microsoft sẽ phải trở thành một công ty rất khác so với hiện nay. Và giới phân tích có vẻ không tin Microsoft sẽ làm được điều này.
“Tôi luôn xem Microsoft là nơi mà công nghệ di động sẽ chết. Tôi không dám chắc là liệu vụ thâu tóm Nokia sẽ cho phép họ sản xuất ra được những chiếc điện thoại tốt hơn so với ở thời kỳ hai hãng liên minh”, nhà phân tích Michael Morgan thuộc công ty ABI Research nhận định.
Nếu không tạo ra được những thiết bị di động có ảnh hưởng, Microsoft có nguy cơ sẽ mắc kẹt trong chiếc vỏ sò của chình mình. CEO Ballmer gọi vụ thâu tóm Nokia là một động thái “mạnh bạo” nhằm đưa Microsoft tăng tốc ở mảng di động, nhưng có rất nhiều mối nguy hiểm đang đợi “đại gia” phần mềm trong kế hoạch này.
Cho đến nay, các nhà phát triển ứng dụng vẫn chưa tỏ ra hào hứng với thông tin Nokia sắp về chung một nhà với Microsoft. Trong khi đó, các nhà phát triển ứng dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ Microsoft thu hẹp khoảng cách với đối thủ về những ứng dụng có trên điện thoại chạy Windows. “Chúng tôi không thể dồn lực để hỗ trợ nền tảng này. Nó quá nhỏ bé”, ông Patrick Geuder, Giám đốc phát triển kinh doanh của hãng sản xuất trò chơi video Minecraft, phát biểu.
Microsoft hầu như không có kinh nghiệm ở mảng sản xuất thiết bị ngoài máy chơi game Xbox. Cuộc thử nghiệm đầu tiên với chiếc máy tính bảng Surface đã thất bại với mức doanh số èo uột trong năm đầu tiên. Quý trước, hãng đã đánh tụt giá trị lô hàng Surface tồn kho một khoản 900 triệu USD.
Vụ thâu tóm Nokia cũng đồng nghĩa với việc từ giờ trở đi, các nhà sản xuất thiết bị di động khác sẽ càng ngại tính chuyện sử dụng Windows hơn. Nokia đến nay vẫn là nhà sản xuất chính các smartphone chạy Windows, trong khi các hãng khác như Samsung hay HTC đều dành trọng tâm vào hệ điều hành Android.
Sau khi thâu tóm Nokia, Microsoft phải tạo ra được một phân khúc thị trường nằm ở giữa phân khúc các sản phẩm giá rẻ và phân khúc những sản phẩm sành điệu. Đến nay, Windows Phone chưa đủ rẻ để tạo sức hấp dẫn đối với những người tiêu dùng bình dân chọn điện thoại Android, và cũng chưa đủ đẹp để lôi kéo những người tiêu dùng trung thành với những thiết bị cao cấp từ Apple và Samsung.
Ngoài ra, Microsoft cần tránh xung đột cũ-mới xảy ra khi tiếp nhận một loạt nhân viên mới từ Nokia. Vụ thâu tóm Nokia là vụ mua lại lớn thứ nhì từ trước tới nay của hãng, sau vụ mua lại Skype với giá 8,6 tỷ USD vào năm 2011. Bên cạnh đó, nhiều cổ đông cũng tỏ ra không hài lòng khi Microsoft mua lại Nokia, vì cho rằng lẽ ra hãng nên cắt giảm chi tiêu vào những mảng hoạt động kém hiệu quả.