Đặt bút viết những dòng thơ về mẹ, hẳn là, sẽ luôn đong đầy những ấm áp yêu thương, luôn dung chứa những triết lý hiếu đạo.
Và sẽ thế nào, nếu tác giả của những vần thơ viết về mẹ, lại còn là một tiến sĩ Triết học? Phải chăng, với đặc dày sự suy tư và vốn sống chiêm nghiệm, có thể được biểu đạt ở một tầng nấc lý luận hàn lâm, sẽ kén độc giả lắm thay?
Câu trả lời có thể là có, hoặc, cũng có thể là không hẳn sẽ như thế. Những vần thơ viết về mẹ của một tác giả, dẫu có là ngành nghề nào, công tác trong lĩnh vực nào, cũng đều là những chắt chiu cảm xúc chân thành của một người con. Lớn lao đó, nhưng cũng giản dị đó. Như chính tình cảm thiêng liêng của mẹ dành cho con.
Và như tập thơ Những đêm trăng không đầy của tác giả Hà Thiên Sơn chẳng hạn. Trong hơn 70 bài thơ của hơn 130 trang sách, những vần thơ về mẹ cứ tự nhiên tuôn đầy bằng những dòng chữ trong veo, thân thuộc.
Đó là hình ảnh người mẹ gánh gồng tất thảy nắng mưa gian nan nhân sinh, bằng đôi chân can trường bước qua biết bao ngả rẽ quanh co của cuộc đời. Bỗng một ngày như bao ngày, chúng ta mơ hồ đau đáu nhận ra: “Bàn chân mẹ ngày một mỏng hơn, Mẹ gánh cả hai mùa mưa nắng” (Bến sông xưa, trang 14).
Hay đó là thói quen mẹ luôn lo xa, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh, từ thuở xuân xanh đến khi bạc mái đầu, lúc nào cũng chịu thiệt thòi, để vun vén cho mái ấm gia đình luôn đủ đầy hạnh phúc: “Tay cày, tay cấy chẳng dời / Mẹ tôi lam lũ, từ thời xuân xanh / Chắt chiu, mẹ thích để dành / Phòng khi bất trắc, chẳng lành mai sau / Mẹ thường giấu kín nỗi đau / Nặng lòng vị ngọt trầu cau quê nhà” (Mẹ tôi, trang 71-72).
Và còn có cả hình ảnh người mẹ chồng rất mực tinh ý, rất mực tâm lý, tròn vẹn thương yêu con dâu như con ruột: “Lần đầu em về làm dâu / Chưa quen bếp núc, đến câu chào mời / Mẹ thường chỉ tủm tỉm cười / Ngày xưa mẹ cũng một thời như con / Em vui giấc ngủ không tròn / Học ăn, học nói, lối mòn học đi / Chồng yêu, chồng chỉ thầm thì / Mẹ thường hay hỏi có gì chưa con?” (Làm dâu, trang 63).
Và còn gì nữa khi nghĩ về mẹ, khi viết thơ về mẹ, nhiều lắm, những tâm tư, những hình ảnh về mẹ trong những vần thơ mà tiến sĩ triết học Hà Thiên Sơn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) muốn sẻ chia, gửi gắm.
Sẻ chia để tỏ bày những nghĩ suy, những góc nhìn về người mẹ trong cuộc sống. Gửi gắm để trao truyền những thông điệp về người mẹ, từ hôm qua đến hôm nay, từ thế hệ ngày trước đến thế hệ mai sau. Từ đó, sau tất cả, để chúng ta biết yêu thương, trân trọng mẹ nhiều hơn.
Có thể nói, Những đêm trăng không đầy là một tập thơ chất chứa thương yêu về mẹ biết nhường nào, rất hợp để mỗi người con cùng chiêm nghiệm, đặc biệt trong Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.