Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những tờ báo khuyết chân dung

Những tờ báo chỉ đề cập thoáng qua trong ghi chép người đương thời, thậm chí là trong các báo đồng nghiệp. Tuy thông tin nhỏ giọt, chúng tôi cũng vẫn thâu tóm lại.

Những trang báo xưa. Ảnh: Nhật Vũ.

Báo Thanh niên Nghệ Tĩnh: Thông tin về báo này thực sự là mới mẻ đối với chúng tôi. Trong hồi ký Hồi ức về cha tôi Ưng Bình Thúc Giạ Thị, bà Tôn Nữ Hỷ Hương (sinh năm 1937) có cho hay, dạo cha bà, tức cụ Ưng Bình làm Tuần phủ Hà Tĩnh, vốn là một nhà thơ, cụ thường xướng họa thơ với cụ Hoa Nhi Nguyễn Xuân Anh, người mà thời gian 1927-1928 làm Chủ nhiệm báo Thanh niên Nghệ Tĩnh. Đây là một tờ báo chữ Hán.

Tờ Dân báo: Theo Nguyễn Công Hoan trong hồi ức Nhớ gì ghi nấy, tờ Dân báo khi ra đời, “viết những bài mạt sát những nhà yêu nước, như cụ Ngô Đức Kế chẳng hạn”. Hành động ấy của báo này nhận ngay sự phẫn nộ của người dân, tòa soạn bị đập phá, biên tập viên của báo thì sau bị vạch mặt là toàn bọn bồi bút của thực dân Pháp. Kết cục là báo này tự đình bản, biến mất khỏi làng báo, nhưng vì là ký ức, nên Nguyễn Công Hoan không rõ năm nào.

Chuyện này An Nam tạp chí sau có đề cập đến, nêu rõ Dân báo ở Hà Nội, bị học sinh đập phá. Ấy là thông tin từ nhà văn của Tấm lòng vàng An Nam tạp chí. Nhưng báo này được đề cập là ở Hà Nội, chúng tôi chưa được thực mục sở thị báo đó cụ thể như thế nào. Cũng lưu ý là Dân báo ở Hà Nội này khác Dân báo ở Sài Gòn.

Tạp chí Công hội đỏ: Tờ tạp chí này của Tổng công hội đỏ. Trong hồi ký Chặng đường nóng bỏng, Hoàng Quốc Việt có ghi về Ngô Gia Tự, có đoạn: “Cùng các đồng chí khác sáng lập Đông Dương Cộng sản đảng. Anh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Anh còn tham gia lãnh đạo sáng lập ra Tổng công hội đỏ, xuất bản báo Búa liềm của Đảng và tạp chí Công hội đỏ của Tổng công hội”.

Báo Hồn cách mệnh: Ấy là tên tờ báo làm cơ quan ngôn luận cho Việt Nam quốc dân đảng, theo lời kể của Nhượng Tống trong tác phẩm Nguyễn Thái Học viết giữa năm 1945. Là đảng viên của đảng, không chỉ thế, còn có chân trong tổng bộ của tổ chức này thời gian đầu, Nhượng Tống nhớ Hồn cách mệnh được in thạch bản, phát hành ngầm trong nội bộ Việt Nam quốc dân đảng.

Vẫn lời Nhượng Tống, tòa soạn Hồn cách mệnh ở đường Sơn Tây, Hà Nội. Địa chỉ này cũng được xác nhận trong Bút chiến đấu. Ký Con Đoàn Trần Nghiệp là người coi việc ấn loát, Chủ bút là Chủ tịch Việt Nam quốc dân đảng Nguyễn Thái Học. Là tờ báo của một tổ chức yêu nước hẳn hoi, có chức năng tuyên truyền, nhưng tòa soạn Hồn cách mệnh lại vắng như chùa Bà Đanh.

Ngoại trừ Đoàn Trần Nghiệp giữ việc in ấn, chẳng có ai khác cả. Mà nhà in máy móc không, giường ghế không, độc mỗi cái bàn để viết và khi ngủ thì thành cái giường mà làm giấc Nam Kha luôn. Nhượng Tống còn nhớ có lần viết bài cho báo, ở lại đêm nơi tòa soạn: “Tôi đã nằm đó mà đọc cho anh Nghiệp viết mấy bài báo trong kỳ sắp ra!”. Việc tổ chức một tờ báo sơ sài đến vậy, cũng thật lạ với một tổ chức như Việt Nam quốc dân đảng.

Số phận của Hồn cách mệnh ra sao? Theo như Cách mạng cận đại Việt Nam (do Trần Huy Liệu, Văn Tạo và Hướng Tân biên soạn) thì báo này là tờ báo duy nhất của Việt Nam quốc dân đảng và “cho đến tháng 2 năm 1929, trước ngày bị bại lộ mới xuất bản được số đầu, in bằng thạch”.

Báo Ý kiến chung: Trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt, mà lại là nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo, nhưng các tù nhân cộng sản vẫn ra báo được như thường. Hoàng Quốc Việt còn nhớ thời gian 1933-1934, ở Banh 2 xuất bản tờ Ý kiến chung, tập hợp những cây bút mà ông cho là rất cừ, viết nhiều như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Bùi Công Trừng.

Là báo xuất bản trong nhà lao, Ý kiến chung được viết tay bằng bút sắt trên giấy khổ nhỏ chỉ bằng 1/4 vở học trò. Về nội dung, “báo phổ biến các kinh nghiệm tranh đấu, từ những mẩu chuyện cụ thể mà phân tích về mục đích, phương pháp, khẩu hiệu tranh đấu, thắng lợi và thất bại”, hồi ký Chặng đường nóng bỏng ghi.

Trần Đình Ba / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY