Tác phẩm "Làm đĩ" của Vũ Trọng Phụng và "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố được in trên "Tiểu thuyết nhật báo" số 199 và 200. Ảnh: Trần B.A. |
Trên trang bìa 4 sách Phi thiên nhạn của Văn Tuyền được nhà in Mai Lĩnh xuất bản năm 1938 cho biết Tiểu thuyết nhật báo chính là chuyển đổi từ Tiểu thuyết thứ ba mà thành và được xuất bản hàng ngày, mỗi ngày một bộ truyện khác nhau dài 16 trang, bán với giá ba xu, có sự cộng tác của nhiều ngòi bút danh tiếng.
Tam Lang Vũ Đình Chí viết loại xã hội, Ngô Tất Tố viết loại lịch sử, Phạm Cao Củng viết loại nhi đồng, Văn Tuyền (cũng là Phạm Cao Củng) viết loại võ hiệp, Phượng Trì viết loại trinh thám. Ngoài ra còn có Lê Thị Thăng viết Tôi trốn sang Tàu loại phiêu lưu.
Thông tin từ chính báo này, thì Tiểu thuyết nhật báo số 1 ra ngày 9/2/1938. Số 1 này trong “Lời giới thiệu” cho biết đăng truyện Tôi trốn sang Tàu, là truyện thực từ đời của tác giả Lê Thị Thăng:
“Tôi trốn sang Tàu các bạn đọc tưởng như mình cùng tác giả đương lưu lạc ở nơi khách địa, khi thì đóng vai mệnh phụ, khi thì trá hình Nam nhi, khi ở lầu cao, khi nằm sàn đất, lúc đi bộ hàng nghìn cây số, khi cưỡi ngựa vượt mấy trăm đỉnh núi thật cao”.
Trong trí nhớ của Phạm Cao Củng được ghi lại nơi Hồi ký Phạm Cao Củng, thì Tiểu thuyết nhật báo được Đỗ Xuân Mai của nhà Mai Lĩnh xuất bản sau khi xin được giấy phép xuất bản từ Hà Nội nhân thấy truyện kiếm hiệp Tàu bán chạy.
Tiếng là báo, nhưng Tiểu thuyết nhật báo lại ở dạng sách truyện, mà sau này được biết tới là loại truyện ba xu: “Theo óc thương mại của anh Đỗ Xuân Mai thì ra loại nhật báo này, tòa soạn chỉ cần có một người độc nhất, khỏi lo các bài bình luận thời sự, tin tức, và nhất là các vấn đề kiểm duyệt thì không hề có chuyện khó dễ bao giờ, lại chẳng phải lo đi xin quảng cáo của ai vì tự nó đã dư thừa nuôi sống nó rồi”, Hồi ký Phạm Cao Củng ghi.
Số lượng in của Tiểu thuyết nhật báo cũng rất đáng nể khi mỗi lần in, là 10.000 cuốn. Trên báo này, Phạm Cao Củng với bút danh Văn Tuyền và Trần Lang, tiếp tục làm mưa làm gió với cây bút của mình, giúp cho Tiểu thuyết nhật báo bán chạy như tôm tươi dù mang tiếng là… truyện ba xu. Trong số những tác phẩm của Phạm Cao Củng có mặt trên Tiểu thuyết nhật báo với bút danh Trần Lang, đơn cử có Bịp đời và Bùa chú, cũng qua đó cho thấy được một phần diện mạo của Tiểu thuyết nhật báo.
Trên Tiểu thuyết nhật báo số 268 (số đặc biệt), ra ngày 29/9/1939 đăng Bùa chú của Trần Lang, ngoài ra đăng phụ thêm Bàn ma trò chơi ở Bắc Kỳ và Xây ma trò chơi ở Nam Kỳ. Số này dày tới 110 trang.
Tiểu thuyết nhật báo số 296 (số đặc biệt), ra ngày 26/12/1939 đăng phóng sự khảo cứu Bịp đời của Trần Lang. Qua hai số trên, thấy rằng toàn bàn chuyện khoa học huyền bí liên quan đến những thuật như thôi miên, yểm bùa, gọi hồn… Viết khoa học huyền bí thì Phạm Cao Củng lấy bút danh Trần Lang như đã xác nhận trong Hồi ký Phạm Cao Củng, còn viết truyện Tàu giả thì mang bút danh Văn Tuyền.
Tác phẩm Tắt đèn của Vũ Trọng Phụng đăng trên Tiểu thuyết nhật báo số 199; Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng được in trên Tiểu thuyết nhật báo số 200, ra ngày 21/2/1939. Như vậy Tiểu thuyết nhật báo không chỉ viết truyện Tàu giả, mà còn ôm nhiều lĩnh vực khác, miễn là hút được độc giả tìm mua đọc.