Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghiệp đoàn báo chí 100 năm trước

Làm báo dưới chế độ thực dân, chịu sự kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền hạn chế quyền tự do báo chí, các báo để bảo vệ nhau, đã liên hiệp lại.

Bìa 1 và trang cuối "Điều lệ Nam Kỳ báo chương hội". Ảnh: Đình Ba.

Dạo năm 1917, ở Nam Kỳ có Nam Kỳ báo chương hội (Syndicat de la Press Cochinchinoise). Hội này được lập ra với mục đích có quy định rõ trong Điều thứ hai, Chương thứ nhứt Điều lệ của Hội:

“1. Bào chữa lợi quyền về nghệ viết báo của các hội viên và binh vực nghiệp quyền về nghề làm báo; 2. Làm cho các hội viên được có quyền hành thêm; 3. Giúp đỡ hội viên khi nào vì chức trách mà phải đến tụng đình, khi đau ốm cùng khi thống thiếu; 4. Phân đoán về những việc bất hòa xãy [xảy] đến cho các hội viên, khi nào hai dàng đến cầu phân xử”.

Hội sở của Nam Kỳ báo chương hội đóng tại Sài Gòn. Hội có Điều lệ được thông qua bởi cuộc Đại hội của Hội ngày 6/9/1917, in thành điều lệ do Nhà in Nguyễn Văn Của thực hiện (Statuts du Syndicat de la Press Cochinchinoise - Điều lệ Nam Kỳ báo chương hội (Có đại hội nhóm, ngày 6 Septembre 1917, ưng thuận)).

Tuy nhiên, theo nội dung trong Điều lệ của Nam Kỳ báo chương hội, thấy rõ ràng tổ chức này có những sự thiên lệch đáng kể, khó mà giữ được sự độc lập trong hoạt động khi quy định Hội trưởng danh dự của Hội là Toàn quyền Đông Dương, Thống đốc Nam Kỳ là hội viên danh dự (Điều thứ 5, Chương thứ hai), Quản lý Hội gồm 9 hội viên hành sự, trong đó phải có ít nhất 6 người là dân Tây (Điều thứ 21, Chương thứ tư)…

Ở Nam Kỳ, Tổng lý Trương Duy Toản của Sài Thành nhật báo, trong số 50, ra ngày 21/1/1931 của báo này đã kêu gọi anh em báo giới quốc văn Nam Kỳ lập “Báo giới tương tế hội” vì tổ chức này có quan hệ đến quyền lợi, nghĩa vụ của báo chí. Ông cũng mời các đồng nghiệp tham gia cuộc họp bàn tính dự định ấy vào lúc 8 giờ tối thứ bảy, ngày 24/1/1931 tại Nam Kỳ khuyến học hội ở số 76 Lagrandière, Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM).

Hội Ajac (Association des Journalistes Annamites de Cochichine) được lập ra, là hội tương tế của làng báo Nam Kỳ. Trong sách Gương người xưa, Tế Xuyên cho biết Ajac không được thảo luận về vấn đề chính trị, tôn giáo, và điều lệ phải soạn bằng tiếng Pháp, bản dịch ra quốc ngữ chỉ là bản phụ.

Nguyễn Văn Sâm, Chủ nhiệm của Đuốc Nhà Nam đã được cử làm Hội trưởng đứng ra điều khiển hội. Khác với các hội tương tế, ái hữu bấy giờ, Ajac với tính chất là hội của người làm báo, nên cứng đầu cứng cổ hơn, trong mắt nhà cầm quyền, rõ ràng đây là cái dằm khó chịu phải nhổ. Dịp đó rồi cũng tới, vẫn lời Tế Xuyên thì năm 1939, lấy cớ hội làm chính trị, trái với điều lệ của hội nên chính quyền giải tán Ajac. Riêng Nguyễn Văn Sâm thì bị đưa đi an trí ở Sóc Trăng.

Ở Sài Gòn thì hội đoàn của báo chí liên hiệp, giúp đỡ bảo vệ nhau là thế. Còn ở Hà Nội, riêng về báo của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong hồi ký Chặng đường nóng bỏng, Hoàng Quốc Việt cho biết từ năm 1937, Trường Chinh làm giám đốc chính trị tất cả các tờ báo Đảng ở Bắc Kỳ.

Trần Đình Ba / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY