Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuần báo có ích của nhà Tân Dân

Tự giới thiệu là "tờ báo của khắp mọi người, là người bạn có ích của hết thảy mọi nhà", "Ích hữu" cũng là nơi để anh em văn nghệ nhà Tân Dân thi thố tài năng viết lách.

Báo "Ích hữu" số 1, và mục "Trước đèn" do Lãng Nhân phụ trách. Ảnh: Trần Đình Ba.

Dù tòa soạn nằm ở Hà Nội, nhưng Ích hữu mới ra đời, đã mở rộng đối tượng độc giả ra xa hơn phạm vi địa lý của báo. Trên Tân văn số 78, là số đặc biệt ra ngày 29/2/1936 được xuất bản tại Sài Gòn, đã dành 1/4 trang 17 cho phần quảng cáo báo Ích hữu với nội dung đây là tuần báo ra ngày thứ ba, số 1 được ra ngày 25/2/1936 với giá 5 xu/số.

Tờ tuần báo này “là tờ báo của khắp mọi người, là người bạn có ích của hết thảy mọi nhà, là tờ báo khác hẳn những tờ báo đã có, phần nhiều mục chưa thấy ở báo nào. Đứng đắn, có ích, hoạt động, vui vẻ là những tính chất cốt yếu của Ích Hữu Tuần Báo”, phần tin quảng cáo ghi.

Đúng như mẩu tin quảng cáo trên về mặt thời gian, xem Ích hữu số 1, thì số báo này được đề ngày 25/2 - 2/3/1936. Ngay trang nhất, đã đề đây là “số này biếu”, tức báo được biếu cho độc giả có nhu cầu đọc. Từ số 2, ngày 3-9/3/1936 thì đề “số này bán”.

Khi mới ra, trang nhất của báo trình bày đồng nhất và đơn giản về mặt hình ảnh, chỉ khác về màu sắc qua các số, là hình ảnh người đàn ông vấn khăn đầu rìu, đóng khố, hai tay vung cuốc chim về phía sau lấy đà. Xem số 19, ra ngày 30/6/1936 đã thấy trang nhất trình bày khác đi với hình minh họa cho tiểu thuyết Tiếng gọi của rừng thẳm của Lan Khai.

Trong mục “Tin làng văn” điểm về báo và sách của Thanh Nghệ Tĩnh số 82, ra ngày 6/3/1936, có mẩu tin giới thiệu về sự ra đời của Ích Hữu: “Ích Hữu Tuần báo đã ra số 1, mỗi số 5 xu, một năm 2,5 đồng. Báo quán tại nhà in Tân Dân, 93 Rue du Coton Hanoi”. Thông tin tự thân ngay từ số 1, ra ngày 25/2 - 2/3/1936 của Ích hữu cho biết đây là tờ tuần báo ra ngày thứ Ba. Tòa soạn ở số 93 phố Hàng Bông, Hà Nội.

Ở trang nhất, báo có “Lời phi lộ” để kính cáo đồng bang cùng độc giả về sự xuất hiện của mình. Lời ấy dẫu ngắn gọn, nhưng cũng là đủ để tỏ bày:

Ích Hữu Tuần Báo là tờ báo của khắp mọi người, là người bạn có ích của hết thảy mọi nhà. Ích Hữu muốn làm một tên quân dọn lối của quốc dân trên con đường tiến hóa. Đứng đắn, có ích, hoạt động, vui vẻ là những tính chất cốt yếu của Ích Hữu Tuần Báo.

Đó là những lời chúng tôi đã dùng để cổ động cho tờ báo này, mà cũng là những lời chúng tôi nêu lên đầu Ích Hữu Tuần Báo làm cái đích cho chúng tôi hàng ngày noi theo. Trước khi bắt tay vào việc, chúng tôi có lời trân trọng kính chào các bạn độc giả và các bạn đồng nghiệp”.

Nói về sự ra đời của Ích hữu, không đâu bằng lời kể của người trong cuộc, hiểu rõ tường tận về báo, mà liên đới ở đây, có Vũ Bằng. Tác giả Bóng ma nhà mệ Hoát còn nhớ sau khi đã có Tiểu thuyết thứ Bảy, Truyền bá, ông Vũ Đình Long làm đơn xin mở tiếp một tờ báo nữa, đó chính là tờ Ích hữu đang được nói tới ở đây.

Tờ này ra đời để “làm một cơ quan sưu tầm, bình luận để làm chỗ phát biểu ý kiến của anh em, nhân tiện cũng là để nói lên quan điểm văn nghệ, văn hóa, xã hội của nhóm Tân Dân”.

Trong quãng thời gian có mặt trên thị trường báo chí, tờ tuần báo này giữ khung nội dung theo lời Ngọc Giao là không thể thiếu được: một tiểu thuyết dài về tình yêu hấp dẫn tương tự Hồng lâu mộng, Tây sương ký”. Và sở dĩ báo được độc giả ủng hộ là vì “nội dung đáp ứng thị hiếu người đọc qua những cây viết chắc tay như Trúc Khê, Nguyễn Đỗ Mục, Vũ Lang, J. Leiba Thanh Tùng Tử…”.

Trong ấn tượng về những điểm nhấn của Ích hữu, Ngọc Giao còn kỷ niệm về những tác phẩm, tác giả đã góp phần làm cho báo hút được độc giả như truyện dài lịch sử Phấn son Phi Yến của thi sĩ Thanh Tùng Tử, truyện dài Vết xe phu tử của Vũ Lang…

Trần Đình Ba / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY