Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tờ báo được Tản Đà làm thơ khen mừng

Báo "Sống" dầu có một cái duyên ngắn ngủi với nhà văn, nhưng nhà văn không bao giờ quên nó và vẫn giữ những cảm tình êm dịu với nó.

Báo "Sống" số 1 và nhà thơ Đông Hồ. Ảnh: TL.

Báo Sống này là tuần báo, ra số đầu tiên ngày 22/1/1935 tại đất Sài Gòn. Trong số 1 này có những bài như “Báo Sống ra đời cuộc nông tiến của người Việt” (Văn Liễn), “Nặng nghiệp má đào” (Đồ Nam), “Phê bình Nửa chừng xuân” (Thiếu Sơn), thơ “Miệng cười” (Đông Hồ), truyện ngắn “Tình trong sạch” (Mộng Tuyết)…

Việc ra đời báo Sống, Nguiễn Ngu Í thông tin là được chủ trương bởi nhóm Trí Đức học xá ở Hà Tiên lên Sài Gòn với những Đông Hồ, Trúc Hà Trần Thiêm Thới, Mộng Tuyết, Bạng Hải Trùng Ngân…

Mục đích của việc ra Sống là để thực hiện những biên khảo chỉn chu và thực hành văn chương trong sáng, mà theo lời Mộng Tuyết là “cổ động tuyên truyền cho việc dạy và học Quốc ngữ”. Là những người yêu quốc văn, nên Sống ngay cả việc kiểm soát chính tả cũng rất chú ý.

Thực ra thì lúc ra báo Sống, Mộng Tuyết cho biết chỉ có Trúc Hà là ở Sài Gòn, trực tiếp đứng tên xin xuất bản báo, lại có em ruột là Trúc Phong Trần Văn Quyện lên giúp. Đông Hồ và Mộng Tuyết lúc ấy vẫn ở Hà Tiên, viết bài gửi lên cho báo, và mời Đồ Nam, Tản Đà viết bài.

Tòa soạn tính ra gồm có 7 nam và 1 nữ là Mộng Tuyết, nên Mộng Tuyết được đặt biệt danh là “Hà Tiên Cô”. Chúc mừng báo Sống xuất hiện, Tản Đà có bài thơ mừng trên số 2, ra ngày 29/1/1935:

"Được nghe tin Sống mới ra đời,

Nam Bắc xa xôi gửi mấy lời.

Lục tỉnh ước sao co đất lại,

Ba Vì chung để đội trời chơi.

Nghìn năm hoa thảo màu xuân mới,

Nửa bức sơn hà nét mực tươi.

Sống ở trên đời cho đáng sống!

Xin đừng gượng gạo sống như ai".

Tham gia trực tiếp xây dựng tờ báo, Mộng Tuyết hồi tưởng về Sống trong bộ hồi ký Núi Mộng gương Hồ. Báo Sống do Đông Hồ làm Chủ bút nhưng phải đến Sống số 8, ra ngày 19/3/1935 mới ghi Đông Hồ ở vị trí Chủ bút.

Về tên báo, cũng rất đáng lưu ý khi tên Sống được liên hệ từ một câu trên Nam phong tạp chí là “Con cá nó sống vì nước, nước ta sống vì tiếng ta đó”. Chính vì cái tên ngắn gọn này nên cũng sinh ra phiền cho việc xin xuất bản báo, vì nhà cầm quyền nghĩ đây là tờ báo tranh đấu, nên điều tra tới 3, 4 tháng rồi mới cho phép xuất bản.

Tên gọi ấy còn ồn ào cả khi báo đã ra vì dư luận đồn thổi, Sống là tờ báo Việt ngữ của báo La Lutte. Hai tờ báo này lại cùng một đường nối dài vì tòa soạn La Lutte ở đường Lagrandière, còn tòa soạn báo Sống ở đường Frère Louis.

Ngay khi báo mới ra, kinh phí để xuất bản báo cũng không được dồi dào, nếu không nói là khá hẻo. Mộng Tuyết biết được tình hình của báo, phải gửi cả vòng vàng của mình lên để góp vốn giúp báo duy trì. Để có kinh phí cho việc ra báo, Mộng Tuyết, rồi Lê Thị Đức, Lê Thị Thượng, và Trần Hữu Trang, thường gọi Tư Trang, là tác giả vở cải lương Đời cô Lựu nổi tiếng phải đi cổ động ở khắp nơi để kêu gọi độc giả mua báo.

Sau 30 số xuất bản, Mộng Tuyết tâm sự, vì không tự túc được kinh phí, báo phải tự đình bản. Là tờ tuần báo, Sống sống được 1 năm rồi ngừng dẫu được độc giả Nam Kỳ chú ý, “báo Sống dầu có một cái duyên ngắn ngủi với nhà văn, nhưng nhà văn không bao giờ quên nó và vẫn giữ những cảm tình êm dịu với nó vì nó đã có một khuôn mặt “bảnh bao” trên văn đàn”, Nguiễn Ngu Í đã ghi lại nhận xét của tác giả Chim Hải Yến về báo Sống như thế.

Trần Đình Ba / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY