Kể từ sau lần "thất trận" vào năm 2020, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố vô căn cứ rằng kết quả cuộc bầu cử 4 năm trước bị "thao túng". Cựu tổng thống cũng được cho là đã lên kế hoạch phủ nhận kết quả kiểm phiếu nếu thất cử vào ngày 5/11.
Chính trị gia 78 tuổi được cho là sẽ tái hiện kịch bản năm 2020 khi sử dụng tin đồn thất thiệt và khai thác những lỗ hổng trong luật bầu cử để nỗ lực lật ngược kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Cùng lúc đó, các nhà lập pháp và quan chức bầu cử đã siết chặt quy định về việc kiểm phiếu. Vào tháng 12/2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật cải cách bầu cử, một dự luật lưỡng đảng, khiến cho quá trình can thiệp vào kết quả kiểm phiếu trở nên khó khăn hơn.
Đặc biệt, ông Trump giờ đây không còn là người đứng đầu Nhà Trắng, do đó không còn những ưu thế nhất định về mặt quyền hạn so với thời điểm 2020.
Dẫu vậy, giới quan sát vẫn dự đoán rằng cuộc bầu cử năm nay sẽ đối mặt với một số nguy cơ và khó có thể diễn ra một cách suôn sẻ, tờ New York Times nhận định.
Ít nhất 186 vụ kiện liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020 đã được đệ trình, theo dữ liệu từ tổ chức Democracy Docket.
Nhiều vụ kiện quan trọng trong số này đã được định đoạt. Đơn cử, các thẩm phán ở Georgia phán định rằng quan chức bầu cử các cấp địa phương không được phép phủ nhận kết quả kiểm phiếu.
Một số thẩm phán ở North Carolina cũng bác đơn khiếu nại của các đảng viên Cộng hòa trong nỗ lực gạch tên 225.000 cử tri khỏi danh sách bỏ phiếu.
Các vụ kiện tụng liên quan đến nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 có thể gây hoang mang và tạo bầu không khí hỗn loạn trước thềm ngày bầu cử 5/11. Ảnh: Atlanta Journal-Constitution. |
Nhiều toà án đang làm việc hết công suất để xử lý các vụ kiện trước ngày bầu cử 5/11. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 115 khiếu nại chưa được giải quyết. Những trường hợp này có thể bị lợi dụng để gây ra tình trạng hỗn loạn hậu bầu cử, theo New York Times.
"Những lùm xùm pháp lý này gây tắc nghẽn hệ thống bầu cử, sau đó một số người lại chỉ vào những bất cập ấy và nói rằng quá trình bầu cử không diễn ra một cách hiệu quả", Lizzie Ulmer, phó chủ tịch Trung tâm Dân chủ Mỹ, nói.
Bên cạnh những rắc rối về mặt pháp lý, tình trạng thông tin sai sự thật bị lan truyền rộng rãi cũng là trở ngại lớn đối với cuộc bầu cử 2024.
4 năm trước, ông Trump đã sử dụng mạng xã hội để kích động cử tri, phần nào dẫn đến cuộc bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, cản trở quá trình chuyển giao quyền lực.
Năm nay, Internet một lần nữa tràn ngập những thông tin không được kiểm chứng và khiến người dùng mất phương hướng.
Sau khi mua lại mạng xã hội Twitter và đổi tên nền tảng này thành X, tỷ phú Elon Musk đã loại bỏ một lượng lớn quy định về việc đăng tải thông tin liên quan đến cuộc bầu cử.
Được biết đến là một người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump, tỷ phủ gốc Nam Phi nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật nổi bật lan truyền các thuyết âm mưu liên quan đến cuộc bầu cử.
Những tuyên bố vô căn cứ về việc máy bỏ phiếu có khả năng "thay đổi phiếu bầu" đã được lan truyền mạnh mẽ trên X. Một chi nhánh của đảng Cộng hoà ở Nevada thậm chí còn thúc đẩy tin đồn thất thiệt này.
"Chúng ta cần hiểu và thông cảm. Hàng triệu người phải làm việc thông qua hàng triệu quá trình khác nhau, với hàng triệu cử tri và hàng triệu phiếu bầu, một vài sơ sót là chuyện khó tránh", ông Gabriel Sterling, người điều hành văn phòng bang Georgia, nói.
"Cần phải hiểu rằng sai sót không phải là gian lận", ông Sterling nói thêm. "Nhiều người không chịu hiểu điều này, họ lợi dụng những sai sót để phục vụ mục đích chính trị. Đó là thực tế".
Tương tự năm 2020, kết quả bầu cử năm nay nhiều khả năng sẽ không được công bố ngay trong đêm bầu cử vì việc kiểm phiếu tại các bang chiến trường có thể mất nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày để hoàn tất.
Biên độ giữa hai ứng viên tổng thống càng sít sao, các đơn vị truyền thông càng cần nhiều thời gian để tuyên bố kết quả sau cùng. Năm nay, dựa theo kết quả khảo sát cử tri, khoảng cách trong cuộc đua giữa ông Trump và bà Harris được dự đoán sẽ rất sát.
Trên thực tế, độ trễ này là tình trạng thường gặp trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông Trump được cho là đang lên kế hoạch tuyên bố quá trình kiểm phiếu chậm trễ xuất phát từ những nỗ lực gian lận chống lại ông, theo Rolling Stones.
Tuyên bố gian lận này nhiều khả năng được hậu thuẫn bởi một loạt các vụ kiện chóng vánh và những lời khai về các điểm bất thường từ một số nhân chứng cho rằng đã nhìn thấy những tình huống khả nghi trong quá trình kiểm phiếu.
Vào năm 2020, ông Trump và các đồng minh đã khởi động quá trình kiện tụng hậu bầu cử bằng nhiều vụ kiện và nỗ lực phủ nhận kết quả kiểm phiếu tại nhiều địa phương.
Năm nay, chiến dịch tranh cử của ông Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã chuẩn bị một bộ máy pháp lý có tính tổ chức với mục tiêu "bảo vệ tính toàn vẹn và chính danh của cuộc bầu cử", theo New York Times.
Nhiều luật sư dày dạn kinh nghiệm đã được ông Trump huy động và sẽ tham gia vào nỗ lực pháp lý nói trên.
Ông Trump được cho là đã chuẩn bị kĩ lưỡng cho nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử một lần nữa. Ảnh: Shutterstock. |
Sau những lùm xùm pháp lý năm 2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật cải cách bầu cử. Theo đó, chỉ thống đốc các bang có quyền cử đi các đại cử tri chính thức để bỏ phiếu tại Quốc hội. Đạo luật cũng quy định rằng các bang hoàn tất quá trình nói trên trước ngày 11/12.
Nếu một ứng viên tổng thống tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử, hai nhánh còn lại trong hệ thống tam quyền phân lập, bao gồm Tối cao Pháp viện và Quốc hội, sẽ phải hành động.
Toà án Tối cao Mỹ không có vai trò cụ thể nào trong quá trình bầu cử. Trong lịch sử, cơ quan này cũng đã cố gắng tránh xa các mâu thuẫn chính trị.
Tuy nhiên, những bất đồng hoặc các khiếu nại pháp lý liên quan đến cuộc bầu cử đều nhận phán định cuối cùng từ Tòa án Tối cao, đơn cử như những lùm xùm giữa hai ứng viên tổng thống George W. Bush và Al Gore.
Mặt khác, theo Hiến pháp, Quốc hội được chỉ định vai trò chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống vào ngày 6/1 thông qua quá trình bỏ phiếu đại cử tri.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, quá trình nói trên bị gián đoạn bởi một số đảng viên Cộng hoà thuộc lưỡng viện.
Theo luật mới, việc phản đối các đại cử tri hiện phải đạt được sự đồng thuận từ ít nhất 20% nghị sĩ thuộc mỗi viện. Tiêu chuẩn này cao hơn song vẫn có khả năng đạt được nhờ vào những đảng viên trung thành ở hai viện.
Dẫu vậy, việc duy trì sự phản đối các đại cử tri đòi hỏi sự ủng hộ từ đa số Thượng viện, vốn là một thách thức cho những người muốn ngăn cản quá trình chứng nhận kết quả bầu cử.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.