Chuyện ông Donald Trump nhiều khả năng từ chối thừa nhận kết quả bầu cử nếu thất bại vào ngày 5/11 dường như không phải tin mới, ít nhất là đối với giới chính trị Mỹ.
Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy cuộc cạnh tranh giữa ông Trump và bà Kamala Harris vẫn ở thế sít sao trong nhiều tháng liền. Trong khoảng thời gian đó, cựu tổng thống đã cố gieo vào đầu các cử tri rằng trường hợp duy nhất ông có thể thất bại là khi đối thủ gian lận trong cuộc bầu cử.
"Tôi có thể thua chứ, nhưng chỉ khi họ gian lận, đó là trường hợp duy nhất có thể xảy ra", ông Trump nói tại một buổi mít tinh hồi tháng 9.
Ông Trump cũng đã nhiều lần từ chối trả lời thẳng rằng liệu ông có chấp nhận kết quả cuộc bầu cử năm nay hay không, chỉ nói rằng ông sẽ đồng thuận nếu kết quả được đảm bảo "công bằng, hợp pháp và ổn".
Toan tính của ông Trump được cho là sẽ được hậu thuẫn bởi một hệ thống có tổ chức. Ảnh: New York Times. |
Thượng nghị sĩ JD Vance, ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa, thậm chí còn thẳng thừng hơn khi tuyên bố ông không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020.
Tuy nhiên, những nỗ lực được chuẩn bị sẵn để khước từ kết quả bầu cử trong trường hợp ông Trump bại trận thậm chí còn kỹ lưỡng hơn, được hỗ trợ bởi bộ phận đảng cánh hữu cùng một bộ máy pháp lý lớn và có tính tổ chức cao.
"Nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử lần này của họ được tính toán kĩ càng hơn, chiến lược hơn và có tính tổ chức cao hơn", Sean Morales-Doyle, giám đốc chương trình quyền bầu cử tại Trung tâm Tư pháp Brennan, nhận xét.
Một cuộc khảo sát được công bố gần đây bởi Viện Nghiên cứu Tôn giáo Cộng đồng cho biết 20% đảng viên Cộng hoà cho rằng ông Trump nên từ chối thừa nhận kết quả bỏ phiếu nếu thất cử.
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân từng tham gia vào nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử 2020 hiện vẫn giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền nhiều địa phương. Do đó, những người này nắm trong tay quyền chứng nhận kết quả kiểm phiếu.
Được dẫn dắt bởi Cleta Mitchell, một đồng minh của ông Trump, đảng Cộng hoà đã tổ chức một đợt giám sát quy mô lớn đối với các văn phòng kiểm phiếu và cả cử tri thuộc nhiều khu vực bầu cử, theo Guardian.
Một báo cáo của tổ chức giám sát Trách nhiệm và Đạo đức Công dân (CREW) ở Washington cho biết ít nhất 35 quan chức từng từ chối thừa nhận kết quả bầu cử năm 2020 hiện vẫn tại chức.
Ông Trump nhiều khả năng sẽ viện đến các công cụ pháp lý để nỗ lực can thiệp vào kết quả bầu cử năm nay. Ảnh: New York Times. |
Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hoà (GOP) đã dành nhiều tháng kiện tụng liên quan đến các cáo buộc gian lận bầu cử. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng GOP không có cơ hội chiến thắng những vụ kiện này trước ngày bầu cử 5/11.
Tuy nhiên, những lùm xùm pháp lý này gián tiếp tạo ra hình ảnh hỗn loạn và cảm giác bất ổn cho các cử tri, Guardian nhận định.
Giới chuyên gia nhận định rằng trong trường hợp ông Trump cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử năm nay, khả năng thành công của cựu tổng thống là rất thấp.
Tính đến cuối tháng 10, các thẩm phán đã bác 61 đơn khiếu nại liên quan đến nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử và giới chuyên gia đoán rằng điều tương tự sẽ xảy ra trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.
Nỗ lực từ chối kết quả bầu cử của ông Trump được dự đoán sẽ bắt đầu vào đêm 5/11 (giờ Mỹ) - thời điểm phiếu phổ thông bắt đầu được tổng kiểm.
Tương tự năm 2020, kết quả bầu cử nhiều khả năng sẽ không được công bố ngay trong đêm bầu cử vì việc kiểm phiếu tại các bang chiến trường có thể mất nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày để hoàn tất.
Biên độ giữa hai ứng viên tổng thống càng sít sao, các đơn vị truyền thông càng cần nhiều thời gian để tuyên bố kết quả sau cùng. Năm nay, dựa theo kết quả khảo sát cử tri, khoảng cách trong cuộc đua giữa ông Trump và bà Harris được dự đoán sẽ rất sát.
Trên thực tế, độ trễ này là tình trạng thường gặp trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông Trump được cho là đang lên kế hoạch tuyên bố quá trình kiểm phiếu chậm trễ xuất phát từ những nỗ lực gian lận chống lại ông, theo Rolling Stones.
Tuyên bố gian lận này nhiều khả năng được hậu thuẫn bởi một loạt các vụ kiện chóng vánh và những lời khai về các điểm bất thường từ một số nhân chứng cho rằng đã nhìn thấy những tình huống khả nghi trong quá trình kiểm phiếu.
Kịch bản 6/1/2021 sẽ khó xảy ra lần nữa. Ảnh: New York Times. |
Sau khi nộp các đơn khiếu nại, đội ngũ của ông Trump có thể chuyển sang phủ nhận kết quả kiểm phiếu ở cấp địa phương.
Trong quá khứ, quá trình tổng hợp số phiếu bầu ở các cấp địa phương thường được đảm nhận bởi những quan chức chính phủ và họ thường không có quyền phủ quyết kết quả bỏ phiếu.
Tuy nhiên, kể từ năm 2020, một số đảng viên Cộng hoà thân cận với ông Trump đã chấp nhận ý tưởng rằng các quan chức địa phương có quyền phủ nhận kết quả kiểm phiếu - hành động vốn bị các chuyên gia xem là bất hợp pháp.
Trên khắp nước Mỹ, một số quan chức trong các hội đồng bầu cử địa phương đã từ chối chứng nhận kết quả kiểm phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ với những lý do mơ hồ về vấn đề gian lận. Không nỗ lực nào trong số này thành công.
Tại bang chiến trường Georgia, các ủy viên đảng Cộng hoà ở hạt Fulton đã hai lần từ chối kết quả kiểm phiếu trong năm nay. Một thẩm phán địa phương đã phải can thiệp để chính thức hoá kết quả bầu cử tại hạt này.
Cuối cùng, ông Trump và đảng Cộng hoà có thể nỗ lực can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử bằng cách thách thức Quốc hội thông qua kết quả kiểm phiếu đại cử tri vào ngày 6/1/2025. Tuy nhiên, đây là một rào cản khó nhằn với cựu tổng thống, theo Guardian.
Vào tháng 12/2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật cải cách bầu cử, một dự luật lưỡng đảng, khiến cho quá trình can thiệp vào kết quả kiểm phiếu trở nên khó khăn hơn.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Tri Thức - Znews giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.