Với sự trỗi dậy mạnh mẽ và các chiến lược tàn bạo, IS có vẻ lấn át al-Qaeda, ít nhất về phương diện thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Mối đe dọa từ tổ chức đã gây ra vụ khủng bố ngày 11/9 như đã lùi vào quá khứ so với các chiêu thức tấn công và hành quyết con tin của IS.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, al-Qaeda thực chất đang cố tình "kín tiếng", sau khi rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm của IS, và đang dần chiếm lại vai trò dẫn đầu trong phong trào thánh chiến.
Chiến lược kiên nhẫn của al-Qaeda
Từ lâu, al-Qaeda đã theo đuổi chiến lược "kiên nhẫn" nhằm tiến tới thiết lập một triều đại Hồi giáo trên toàn cầu. Song song với những nỗ lực kích động, nhóm này luôn tìm cách biện minh lý do để tiến hành các cuộc chiến chống phương Tây lâu dài.
Chiến lược của al-Qaeda rõ ràng tương phản hoàn toàn với chính sách hiếu chiến và quyết liệt của IS. Tổ chức khủng bố tự xưng này đã tuyên bố thành lập "triều đại", lấy lãnh thổ là một số khu vực ở Iraq và Syria, sau khi tách ra khỏi al-Qaeda từ năm 2014.
Các tay súng nhóm phiến quân Nursa thân al-Qaeda ở Syria. Ảnh: AP |
Giờ đây, trong bối cảnh IS ngày càng đối mặt với nhiều sức ép từ trong lẫn ngoài, như bị liên quân không kích dồn dập, nguồn tài chính bị thu hẹp, phiến quân đào tẩu... cho thấy "sự kiên nhẫn" của al-Qaeda đã chứng tỏ hiệu quả.
Tại Syria, trong khi quân đội Syria và các nước tập trung phần lớn nguồn lực để đối phó với IS, nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra thân al-Qaeda đang củng cố ngay giữa lực lượng đối lập của Syria, chiếm giữ một số địa phương làm căn cứ.
Tại Somalia, lực lượng Al-Shabab liên kết với al-Qaeda đang có những cuộc tấn công đánh dấu sự trở lại, chiếm lại những vùng lãnh thổ từng bị mất, khi quân đội chính phủ ngày càng yếu kém và không thể cản lùi bước các tay súng.
Trong khi đó, ở Yemen, nhóm phiến quân al-Qaeda ở bán đảo Arab đã trở thành một thế lực đáng gờm. Chúng phối hợp cả với những lãnh đạo địa phương, tỏ ra tôn trọng phong tục, văn hóa bản địa ở Yemen, nên thiết lập được sự ủng hộ vững chắc từ chính người dân.
"Al-Qaeda đang làm những điều ngược lại với IS, khi tổ chức này lặng lẽ giảm quy mô các cuộc chiến và phát triển chân rết ăn sâu vào những cộng đồng địa phương để củng cố sự ảnh hưởng. Al-Qaeda đã xác định vai trò gắn kết không thể xóa bỏ, nhằm theo đuổi tầm nhìn lâu dài về một triều đại Hồi giáo toàn cầu", Jennifer Cafarella, chuyên gia về Syria tại Viện nghiên cứu chiến tranh (Washington) nhận định.
Thủ lĩnh al-Qaeda,
Ayman al-Zawahiri (áo trắng) - người thay thế vai trò của ông trùm bin Laden sau năm 2011, đã tuyên bố đối đầu với tênAbu Bakr al-Baghdadi (áo đen) là kẻ đứng đầu của IS. Ảnh: Mirror |
Bà Cafarelle khẳng định, lý tưởng này của al-Qaeda sẽ được sự ủng hộ ở các địa phương, đây là điều mà IS không có.
Nhà nghiên cứu Katherine Zimmerman (Viện American Enterprise, Mỹ) nói al-Qaeda có cơ hội phát triển không chỉ do bị Mỹ và phương Tây tạm thời "quên", mà còn do tổ chức này tỏ ra thích nghi nhanh với hoàn cảnh.
"Việc bám rễ từ các nhóm địa phương khiến mạng lưới này càng khó bị triệt hạ tận gốc".
Bài học từ IS
Việc IS thu hút sự chú ý và cả lòng trung thành, từ những chiến binh thánh chiến trên toàn thế giới, từ phương Tây, thế giới Arab, châu Á... dựa vào việc tận dụng sự lan tỏa của mạng xã hội.
Nhiều tổ chức cực đoan, như các nhóm ở Libya và Somalia, đã thay đổi lòng trung thành, chuyển từ al-Qaeda sang ủng hộ IS do cho rằng IS có cơ hội vươn ra toàn cầu hơn.
Do vậy, bài học đầu tiên của al-Qaeda chính là sử dụng mạng internet hiệu quả hơn.
"Việc al-Qaeda liên lạc qua mạng không phải là điều mới, nhưng trước đây nó chỉ gói gọn trong những đối tượng thân cận nhất và đã được mã hóa. Trong khi đó, IS công khai toàn bộ các thông điệp, xử lý thông điệp chuyên nghiệp buộc người tiếp nhận phải ghi nhớ sâu", Zimmerman phân tích.
IS buộc cả thế giới chú ý vì những lần xử tử con tin hoặc hành quyết tập thể. Nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến tổ chức này bị phương Tây quyết tâm tiêu diệt. Ảnh: Mirror |
Trên thực tế, al-Qaeda cũng có một tạp chí trực tuyến bằng tiếng Anh, xuất bản từ tháng 7/2010. Tuy nhiên, nội dung nghèo nàn và hình thức không bắt mắt, sử dụng tiếng Anh vụng về, khiến chúng không được theo dõi nhiều bằng những video hành quyết con tin hay xử tử tập thể của phiến quân IS.
Bên cạnh đó, một trong những phương châm mà al-Qaeda luôn cố gắng thực hiện là chiêu dụ bằng cách thuyết phục, chứ không dùng sức mạnh để cưỡng ép như IS đã làm.
Tại Syria, nhiều phong trào phản đối nhóm Nursa vẫn diễn ra. Tuy nhiên, bà Cafarella chỉ ra rằng, phụ nữ ở nhiều vùng do phe đối lập kiểm soát tại tỉnh Idlib đã chọn trùm khăn kín người.
Các lực lượng cai quản nơi này không áp đặt việc trùm kín như cách mà IS đã làm tại các căn cứ của chúng, hành động của những phụ nữ này hoàn toàn dựa trên tự nguyện, theo Cafarella.
"Nursa đã đi theo cách tiếp cận của al-Qaeda, đó là giới thiệu quan điểm tôn giáo một cách mềm mỏng và nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên địa phương", nhà nghiên cứu này nói.
Trong khi đó, Zimmerman cho rằng, nếu IS bị liên quân đánh bại, phong trào Hồi giáo cực đoan cũng không vì thế mà mất đi.
Những tổ chức ở Afghanistan, vùng cận sa mạc Sahara, hay Tây Âu sẽ nhanh chóng tìm một cá nhân và tổ chức mới để lãnh đạo. "Khi đó, al-Qaeda sẽ nắm lại vị thế dẫn đầu", bà dự đoán.