Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao Libya là sai lầm tồi tệ nhất của Obama?

Tổng thống Mỹ Barack Obama mới thừa nhận khủng hoảng Libya là sai lầm lớn nhất của ông. Quả thật, sự hỗn loạn tại quốc gia Bắc Phi đang trở thành hiểm họa đối với phương Tây.

Ông Obama mô tả Libya là "đống bầy hầy" Ảnh: Getty Images

Đã có nhiều tranh cãi về tuyên bố của ông Obama trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Fox News ngày 10/4. Một số nhà phân tích cánh hữu cho rằng trên thực tế, sai lầm tồi tệ nhất của ông Obama không phải là Libya, mà là quyết định rút quân khỏi Iraq năm 2011, mở đường cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy.

Những người khác khẳng định “đống bầy hầy Libya” thực tế là trách nhiệm của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ. Khi còn giữ chức vụ đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Clinton quyết liệt ủng hộ Mỹ can thiệp vào Libya dù ông Obama nhiều lần tỏ ý ngần ngại.

Dù ai phải giơ đầu chịu báng thì có một thực tế không thể phủ nhận là chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và NATO hồi năm 2011 đã dẫn tới kết cục thảm họa đối với Libya.  Quốc gia Bắc Phi từng một thời thịnh vượng rơi vào hỗn loạn, các tổ chức quân sự liên tục đụng độ đẫm máu để tranh giành quyền lực.

tong thong My Obama thua nhan Libya la sai lam toi te nhat anh 1
Cảnh hoang tàn tại thành phố Benghazi ở Libya do chiến tranh. Ảnh: Reuters

Hiểm họa đối với châu Âu

Khi còn nắm quyền, cựu lãnh đạo Lybia Muammar Gadhafi thắt chặt kiểm soát khu vực bờ biển để ngăn dòng người tị nạn đổ sang châu Âu. Nhưng ngay sau khi chính quyền Gadhafi bị lật đổ, một Libya hỗn loạn trở thành cửa ngõ để hàng triệu người di cư và tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi ùa tới, vượt Địa Trung Hải vào châu Âu với giấc mơ đổi đời. Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II nổ ra.

Tận dụng cơ hội trời cho, IS vươn vòi bạch tuộc tới Libya, nhanh chóng chiếm giữ thành phố Sirte, quê nhà của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi. Đến nay, IS đã kiểm soát gần 300 km đường bờ biển Libya. Chỉ cách bờ biển Italy vài trăm km, IS là mối hiểm họa đe dọa cả châu Âu.

Ông Obama mô tả điều ông nuối tiếc nhất là Mỹ và NATO đã không lên một kế hoạch thiết lập trật tự ở Libya sau chiến dịch can thiệp quân sự lật đổ ông Gadhafi. Như vậy, chính quyền Obama cùng Pháp và Anh cũng đã lặp lại sai lầm của chính quyền cựu tổng thống Mỹ George W. Bush sau cuộc xâm lược Iraq hồi năm 2003.

Nhưng trên thực tế, Mỹ và NATO đã đi sai nước cờ ngay từ phút đầu tiên. Còn nhớ khi phát động chiến dịch can thiệp quân sự, NATO khẳng định đó là “cuộc can thiệp kiểu mẫu” vì mục đích nhân đạo, giải cứu thường dân trước nguy cơ bị lực lượng Gadhafi tắm máu.

Điều tra của Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer thuộc Trường Harvard Kennedy cho thấy hồi năm 2011, trái với tuyên truyền của báo chí phương Tây, chính quyền Gadhafi không kích động bạo lực ở Libya bằng hành vi tấn công người biểu tình hòa bình.

Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) có bằng chứng cho thấy tại 4 thành phố xảy ra bạo động ở Libya tháng 2/2011, chính người biểu tình mở cuộc tắm máu trước. Chính quyền Gadhafi tổ chức chiến dịch tấn công các nhóm nổi dậy vũ trang nhưng không bắn giết thường dân.

Chỉ nhân danh nhân đạo

Báo chí phương Tây thống kê hơn 2.000 người thiệt mạng trong những ngày đầu cuộc nổi dậy bùng lên tại thành phố Benghazi nhưng AI sau đó xác định chỉ có 233 người thiệt mạng trên toàn Libya. Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cũng xác định trong chiến sự ở thành phố Misura, quân đội Gadhafi không tấn công thường dân và chỉ 257 người thiệt mạng.

tong thong My Obama thua nhan Libya la sai lam toi te nhat anh 2
Các tay súng IS hành quyết tù nhân ở Libya Ảnh: Getty

NATO tuyên bố mục tiêu bảo vệ thường dân nhưng thực tế ý đồ chính là lật đổ Gadhafi. Các bằng chứng cho thấy máy bay NATO bắn phá dữ dội các vị trí của lực lượng Gadhafi bất chấp sự hiện diện của thường dân.

NATO cũng hỗ trợ các nhóm nổi dậy. Họ liên tục bác bỏ nhiều đề xuất ngừng bắn của chính quyền Gadhafi trong khi các đề xuất này có thể giúp chấm dứt bạo lực và ngăn cảnh thường dân đổ máu. Khi NATO chính thức can thiệp giữa tháng 3/2011, quân đội Gadhafi đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn Libya. Số người thiệt mạng chỉ là 1.000.

Nhưng sự xuất hiện của NATO đã tạo điều kiện cho các nhóm nổi dậy phản công, khiến cuộc nội chiến kéo dài thêm 7 tháng làm ít nhất 7.000 người nữa thiệt mạng. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan bị áp chế dưới thời Gadhafi được dịp tung hoành. Cả kho vũ khí của quân đội Gadhafi, bao gồm 15.000 tên lửa đất đối không, rơi vào tay Hồi giáo cực đoan.

Và thế là Libya rơi vào biển máu. Một chiến dịch lấy lý do nhân đạo trở thành công cụ giết người, thao túng quyền lực, do đó dẫn tới sự hỗn loạn. Hơn 5 năm đã trôi qua, Libya vẫn đang là lò lửa nóng bỏng ngay sát sườn châu Âu.

Ông Obama đã thừa nhận sai lầm. Chuyên gia Sarah Brockmeier thuộc Viện Chính sách công toàn cầu (Đức) nhận định có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách, các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự ở Mỹ, Pháp và Anh cũng nên ngồi lại, phân tích các bước đi thảm họa trước, trong và sau chiến dịch Libya để rút ra bài học và tránh một tấm thảm kịch tương tự trong tương lai.

Obama thừa nhận sai lầm lớn nhất trên cương vị tổng thống

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sai lầm tồi tệ nhất trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông là thiếu kế hoạch đối phó với hậu quả của cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Libya năm 2011.

Những quốc gia hỗn loạn nhất thế giới

Các nước trong danh sách những quốc gia hỗn loạn nhất phải đối mặt với nội chiến kéo dài, phiến quân cực đoan tấn công và đói nghèo triền miên.


Diệp Trà

Bạn có thể quan tâm