Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Di sản đáng buồn của Obama tại Trung Đông

Sau khi Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria, truyền thông quốc tế lại đặt câu hỏi phải chăng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã qua mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama ở khu vực Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama không quan tâm quá nhiều đến Trung Đông Ảnh: Reuters

Khoảng thời gian giữa tháng 3/2016 cũng là dấu mốc 5 năm kể từ ngày nổ ra cuộc biểu tình phản kháng đầu tiên chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ngọn lửa đối kháng bùng lên thành cuộc nội chiến tương tàn kéo dài đến tận bây giờ. Tất cả khởi đầu từ cuộc biến động chính trị - xã hội chưa từng thấy tại Trung Đông, ban đầu được gán cho cái tên mĩ miều là “Mùa xuân Arab”.

Mùa xuân với ý nghĩa là khởi đầu của dịu êm, hy vọng, đâm chồi nảy lộc… Nhưng “Mùa xuân Arab” đã gây ra những hậu quả rất nặng nề đối với Trung Đông - Bắc Phi, ảnh hưởng đến thế giới. Đã có những nhà nước sụp đổ và tan vỡ hoàn toàn dẫn đến nội chiến đẫm máu như Libya, Syria và Yemen. Có quốc gia chìm sâu trong bất ổn chính trị - xã hội - an ninh như Ai Cập.

Từ bỏ Trung Đông

Một đất nước được xem là hình mẫu của sự chuyển giao chính quyền trong hòa bình là Tunisia hiện cũng bị đe dọa bởi cực đoan và khủng bố. Al-Qaeda hồi sinh ở Yemen. Xung đột Syria gây những hệ lụy thảm khốc. Ước tính gần 300.000 người chết, đất nước bị tàn phá tan hoang, làn sóng tị nạn bùn lên ở châu Âu. Và từ mảnh đất hoang tàn ấy cái quái thai Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy…

Đã có nhiều nhận định khác nhau về nguyên nhân của những biến động khủng khiếp từ “Mùa xuân Arab” ở Trung Đông - Bắc Phi. Nhưng có một yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng lớn. Đó là khoảng trống mà Mỹ để lại tại khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bước vào Nhà Trắng từ đầu năm 2009.

Trước đó, từ sau Thế chiến II và sự ra đời của nhà nước Israel vào năm 1948, nói đến Trung Đông là người ta nghĩ ngay đến cuộc xung đột Arab - Israel, thường được gọi là “vấn đề Palestine”. Trong thời gian 6 thập niên ấy, chuyện gì xảy ra ở khu vực này cũng đều do Mỹ một tay điều phối. Các quốc gia trong khu vực, dù là Arab, Palestine hay Israel, khi xảy ra căng thẳng với nhau, thậm chí là chiến tranh, cũng đều trông cậy vào Mỹ “xử lý”.

Trên thực tế, dù cho việc “dàn xếp” của Mỹ thiên lệch thế nào, mọi vụ xung đột ở khu vực này rồi cũng hạ nhiệt. Mãi rồi, trông chờ vào Mỹ trở thành tật. Bất ngờ, Obama lên nắm quyền và thực thi đường lối “từ bỏ Trung Đông”. Ông công khai quảng bá ý tưởng này ngay khi vận động tranh cử năm 2008, bắt đầu bằng cam kết rút hết quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Di san dang buon cua tong thong My Barack Obama o Trung Dong anh 1
Thành phố Aleppo ở Syria tan hoang vì chiến tranh Ảnh: NRP

Khi vào Nhà Trắng hồi đầu năm 2009, Obama thực thi ngay đường lối chiến lược “từ bỏ Trung Đông”, tập trung vào 3 nội dung chính. Đó là nhanh chóng rút khỏi Iraq, giải quyết dứt điểm xung đột Israel - Palestine và không can dự vào bất cứ cuộc xung đột nào nữa ở khu vực này. Và đến cuối năm 2011, Mỹ rút quân khỏi Iraq.

Lập tức cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai dòng Hồi giáo Suna (báo chí phương Tây phiên âm là Sunni) và Shi’a ở Iraq bùng lên. Dòng Shi’a phải nương tựa Iran để giành ưu thế. Nhà nước Hồi giáo Shi’a Iran có cớ nhảy vào Iraq, khiến dòng Suna thêm phẫn nộ và quyết cầm súng “tự vệ”. Do đó, tổ chức al-Qa’eda Iraq - từng đã bị lực lượng Mỹ thời cựu Tổng thống George W. Bush đánh tan tác từ năm 2008 – có cơ hội hồi sinh.

Nội chiến Suna - Shi’a

Al-Qaeda tại Iraq chính là tiền thân của IS. Tranh chấp quyền lực tại Iraq cũng trở thành “nội chiến” giữa hai dòng Shi’a và Suna trên phạm vi Trung Đông. Một phe là các chính quyền Arab do người Suna kiểm soát, bên kia là Iran. Cuộc tranh chấp Shi’a - Suna lan rộng sang hầu hết các quốc gia khu vực Đông Arab.

Nội chiến Syria đậm đặc hận thù Suna (phe đối lập) - Shi’a (dòng họ Alawi của tổng thống al-Assad). Nội chiến Yemen cũng là giữa phiến quân Houthi theo dòng Shi’a với chính phủ hợp pháp ở nước này do người Suna lãnh đạo… Người Arab quen “nếp” cầu cứu Mỹ đứng ra giải quyết để ngăn cản Iran “bành trướng” sang khu vực của họ. Nhưng Obama kiên định lập trường “không can thiệp”.

Arab đành “tự lực” đương đầu với Iran. Saudi Arabia trở thành thủ lĩnh của khối Arab, đứng ra thành lập “liên minh vũ trang Arab” trực tiếp can thiệp vào Yemen từ đầu năm 2015, đánh phiến quân Houthi. Saudi Arabia cùng với các quốc gia Arab phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ (cũng do đảng theo dòng Suna cầm quyền) hậu thuẫn trực tiếp cho các nhóm vũ trang đối lập Syria để chống quân đội al-Assad được Iran và Nga hậu thuẫn.

Với cuộc tranh chấp Palestine - Israel, chính quyền Obama tập trung toàn lực ngoại giao trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai nhằm đạt giải pháp “hai nhà nước”, nhưng bất thành. “Vấn đề Palestine” hầu như chìm nghỉm trước những hỗn loạn khác khắp Trung Đông. Chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netaniyahu bất mãn với ông Obama, đặc biệt chống phá dữ dội các nỗ lực đàm phán với Iran của Mỹ.

Và ông Obama không có phản ứng gì đáng kể trước làn sóng “Mùa xuân Arab” bùng phát và lan tràn khốc hại sang nhiều quốc gia Arab. Cuộc cách mạng đó lật nhào nền trật tự tồn tại trong nhiều quốc gia Trung Đông - Bắc Phi, làm bùng phát hỗn loạn, tranh giành, tạo môi trường cho cực đoan, khủng bố hồi sinh và phát triển. Đến nay, ngoài Syria, các nước Ai Cập, Libya, và Yemen… vẫn ngụp lặn trong bạo lực và bất ổn.  

Chính sách đối ngoại của ông Obama đối với Trung Đông - Bắc Phi chẳng những bị các đồng minh của Mỹ trong khu vực phản đối mà còn bị nhiều chính trị gia ở Washington, D.C. phản ứng và công kích. Không phải ngẫu nhiên nhiều người cho rằng đường lối đối ngoại của Obama ở Trung Đông nói riêng và trên thế giới nói chung bị coi là “nhu nhược”, “thụ động”, làm mất vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu, tạo điều kiện cho các đối thủ như Nga và Trung Quốc trỗi dậy và lấn tới.

Nguyễn Ngọc Hùng

Bạn có thể quan tâm