|
Ngày 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter xác nhận với báo chí rằng thủ lĩnh số 2 trong lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thiệt mạng trong một trận không kích của liên quân. Y là Rahman Mustafa Qaduli (còn có một số biệt danh như Abu Ala Afri và Haji Imam), cố vấn thân cận của kẻ đứng đầu IS, Abu Bakr Baghdadi. Giới chức Mỹ cho biết, trong hàng ngũ IS, Qaduli được xem như "bộ trưởng tài chính" với sức ảnh hưởng lớn.
Mỹ đặt mục tiêu truy quét bộ máy lãnh đạo IS
Tin tức về cái chết của phó tổng tư lệnh IS đánh dấu tổn thất lớn thứ 2 của tổ chức này trong cùng một tháng. Trước đó, vào ngày 15/3, quân đội Mỹ cũng thông báo "bộ trưởng chiến tranh" của IS, Omar al-Shishani, đã bỏ mạng tại Syria. "Về cơ bản, chúng ta đang loại trừ có hệ thống 'bộ máy nhà nước' của IS", Bộ trưởng Carter nói ngày 25/3.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định liên quân đang truy sát các thủ lĩnh của IS. Ảnh: Washington Times |
Nguồn tin của Los Angeles Times cho biết, việc tiêu diệt Qaduli là một phần trong giai đoạn chiến dịch mới kéo dài 18 tháng của liên quân, bao vây và đột kích các căn cứ của IS vào ban đêm. Chiến dịch bước đầu tỏ ra hiệu quả khi liên quân đã tiêu diệt hoặc bắt sống được một số thủ lĩnh cao cấp, thu giữ những vật dụng quan trọng cho công tác tình báo, như máy tính xách tay hoặc điện thoại. Các cuộc thẩm vấn phiến quân cũng thu được một số thông tin đáng kể.
Dẫu vậy, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng thừa nhận việc chỉ tiêu diệt các lãnh đạo IS không đủ để kết thúc những mối đe dọa khủng bố từ lực lượng này. "Đây đều là những gương mặt gạo cội đối với IS. Chúng có kinh nghiệm, có tầm ảnh hưởng, nên việc loại trừ các nhân vật này là một mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, vị trí lãnh đạo có thể thay thế. Chúng ta chắc chắn sẽ truy đuổi những thủ lĩnh phiến quân", Bộ trưởng Carter nói.
Shishani, 'bộ trưởng chiến tranh" của IS đã bị Mỹ tiêu diệt. Ảnh: RT |
Giới chức Iraq cho rằng ngày càng nhiều thường dân sống trong lãnh thổ của IS, các thủ lĩnh phiến quân mà đặc biệt là những chiến binh nước ngoài, không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của bộ máy IS. "Khi IS còn vững mạnh, chúng có thể nhanh chóng thay thế các vị trí lãnh đạo thiệt mạng. Tuy nhiên, tôi không cho rằng điều này có thể lặp lại trong bối cảnh hiện nay. IS đang yếu dần, thua cuộc trên nhiều mặt trận", Muhammed Ibrahim, Chủ tịch ủy ban an ninh tại hội đồng tỉnh Nineveh, nói trên Wall Street Journal.
Tấn công ở nước ngoài để che giấu thất bại?
Sau khi chiếm quyền kiểm soát thành phố Mosul và miền Bắc Iraq cùng với đông bắc Raqqa của Syria, IS tuyên bố thành lập "triều đại" Hồi giáo, không ngừng tìm cách mở rộng lãnh thổ. Nhưng dưới sức mạnh tấn công dữ dội và dồn dập của liên quân do Mỹ dẫn đầu, căn cứ của IS đang dần bị thu hẹp, các địa điểm quan trọng như mỏ dầu, kho vũ khí bị phá hủy, buộc chúng phải chuyển hướng sang phát động tấn công ở những mục tiêu nước ngoài như phương Tây.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến công du Bỉ ngày 25/3 khẳng định: "Lý do mà IS phải đẩy mạnh hoạt động ra ngoài Trung Đông là vì 'triều đại' của chúng đang sụp đổ ngay trước mắt. Lãnh thổ của phiến quân đang bị co hẹp, các thủ lĩnh bị tiêu diệt, nguồn lợi nhuận bị phá hủy, các chiến binh bỏ trốn".
Daniel Benjamin, nhà phân tích tại Đại học Dartmouth và cựu chuyên viên chống khủng bố ở Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng tình với phát biểu của ông Kerry. "Đây là điều rất quan trọng đối với IS, để chứng minh rằng chúng vẫn còn trong cuộc chiến, còn khả năng phát động tấn công nhằm vào phương Tây. Mỹ càng không kích càng làm tăng sức ép buộc IS phải tiến hành nhiều vụ khủng bố hơn nữa ở nước ngoài, điển hình như vụ đánh bom ở Brussels gần đây", ông nói trên Los Angeles Times.
Ngoài ra, một trong những biện pháp tăng cường lực lượng của IS là kêu gọi những phần tử cực đoan từ khắp các nước đến gia nhập. Tuy nhiên, Christopher Harmer, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Washington, Mỹ), cho rằng sau hàng loạt vụ không kích của liên quân cũng như liên tiếp bị đẩy lùi trên chiến trường, IS đã chuyển trọng tâm sang yêu cầu các chiến binh "giữ nguyên vị trí".
Najim Laachraoui , nghi phạm còn sống trong vụ khủng bố ở Brussels. Ảnh: AFP |
"Vòng cung chiến lược của cuộc chiến đã thay đổi. Chúng muốn các chiến binh tấn công ở chính quê hương hoặc xung quanh. 'Triều đại' vẫn giữ vị trí trung tâm, nhưng nó hiện giờ chỉ là một phần trong một chiến trường toàn cầu", ông Harmer nhận định.
IS đã chứng tỏ chúng có khả năng truyền bá tư tưởng cực đoan ra toàn thế giới bằng Internet, qua những sản phẩm được đầu tư về hình ảnh và nội dung. Những cuộc tấn công gần đây ở Paris và Brussels cho thấy mạng lưới IS đang bám rễ sâu ở châu Âu, lôi kéo được những phần tử ủng hộ để cung cấp tài chính, hỗ trợ vũ khí và kể cả làm giả nhận dạng cho các nghi phạm.
"Quả thực chúng đã mất đáng kể lãnh thổ ở Syria và Iraq. Nhưng bạn không cần phải kiểm soát một căn cứ đủ lớn mới có thể huấn luyện cho chiến binh cách tiến hành khủng bố thành công ở châu Âu", Brian Fishman, chuyên gia về khủng bố tại Quỹ New America (Washington), trả lời trên New York Times.