Một ngày sau khi UBND TP.HCM cho phép hàng quán mở bán mang đi, hầu hết chuỗi F&B vẫn chưa có động thái hoạt động trở lại.
Theo khảo sát ban đầu, một số doanh nghiệp cho biết đang cân nhắc mở lại "trong thời gian ngắn", còn cụ thể khi nào và mở những chi nhánh nào thì chưa thể chia sẻ. Các chuỗi cà phê như Starbucks, Highlands Coffee, Waynes Coffee, The Coffee House hay nhà hàng Vua Cua hiện cũng chưa mở lại cửa hàng nào.
Họ cho biết phải có hướng dẫn cụ thể từ các cấp phường, quận và TP mới có thể yên tâm hoạt động.
Thiếu hụt nguyên liệu và nhân sự
Trong lúc này, nhiều doanh nghiệp đã rục rịch chuẩn bị để kịp thời mở lại ngay khi được phép. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp ngành F&B, việc hoạt động trong giai đoạn này vẫn còn nhiều khó khăn.
Trên fanpage chính thức, Phúc Long thông báo sẽ tăng cường mở cửa hoạt động nhiều cửa hàng hơn nữa trong thời gian tới, phục vụ bán mang đi hoặc giao hàng qua tài xế công nghệ.
Đai diện Phúc Long cho biết sau thông báo của TP, công ty hôm nay mới họp bàn kế hoạch vận hành lại. Tuy nhiên, chưa thể mở cửa lại ngay vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng hàng hoá bấy lâu nay bị ngưng lại, đặc biệt là nguồn nguyên liệu tươi.
Nhiều chuỗi F&B lớn tỏ ra quan ngại trước phương án kinh doanh bán mang đi với các điều kiện nghiêm ngặt của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đại diện một chuỗi 14 quán cà phê ở TP.HCM cũng cho biết cái khó nhất là vấn đề nhân sự. Lý do là lượng lớn nhân viên đã về quê, không thể quay lại TP.HCM, chưa kể những người làm việc trong giai đoạn tới cũng phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Trong khi đó, việc giới hạn nhân sự ở mỗi điểm bán khiến họ khó phục vụ số lượng đơn hàng lớn như trước đây.
"Tùy tình hình nhân sự và hướng dẫn từ chính quyền về việc mở cửa, cấp giấy đi đường..., chúng tôi sẽ cân nhắc xem có nên cho hoạt động lại tất cả chi nhánh hay không", đại diện chuỗi nói.
Ông Hoàng Việt, CEO Laha Cafe, cũng cho hay các nguồn cung đầu vào cho chuỗi hiện chưa có đủ, đồng thời chi phí mọi nguyên liệu đều tăng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp không thể tổ chức cho nhân viên ăn ở tại chỗ, trong khi yêu cầu về giấy xét nghiệm, giấy đi đường chưa có hướng dẫn rõ ràng. "Giờ mở chỉ có lỗ thêm, nên tôi cứ quan sát các doanh nghiệp khác mở lại xem sao, ổn thì mở sau cũng được", ông Việt nói.
Khó đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch nếu mở cửa
Trước đó, từ ngày 9/7, toàn bộ nhân sự của Laha đã được cho nghỉ việc tạm thời, trong đó có gần 40 người ở khối văn phòng và khoảng 300 nhân viên ở các cửa hàng.
CEO Laha Cafe cho biết với hơn 20 chi nhánh tự vận hành và 129 chi nhánh nhượng quyền, bình quân chi phí cố định hàng tháng cho mặt bằng và nhân sự của toàn chuỗi lên đến gần 1 tỷ đồng. Suốt nhiều tháng qua, tất cả dịch vụ bán tại chỗ và bán mang đi đều ngừng lại nên doanh thu hoàn toàn không có, ông chưa biết phải xoay xở như thế nào.
Tương tự, đại diện Starbucks cũng tỏ ra quan ngại trước quy định "3 tại chỗ" đối với nhân viên tại các cửa hàng.
"Mặc dù không quá khó khăn về mặt nguyên liệu, về mặt cơ sở vật chất và nhân lực, chúng tôi vẫn cần phải đợi hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mới có thể đánh giá khả năng sẵn sàng của các cửa hàng. Bài học về '3 tại chỗ' tại các khu công nghiệp vẫn còn đó nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể nào cho các cửa hàng kinh doanh đồ ăn thức uống", đại diện Starbucks nói thêm.
Theo ông Mai Trường Giang, CEO Otoke Chicken và Chewy Chewy, doanh nghiệp F&B hiện nay đang phải chi trả rất nhiều chi phí và chấp nhận lỗ để duy trì mô hình kinh doanh mang đi.
Các doanh nghiệp cho biết chi phí đầu vào để hoạt động kinh doanh lại vào thời điểm này quá lớn, hầu hết sẽ phải chịu lỗ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thứ nhất, chi phí đầu vào tăng cao đến từ hoạt động logistic và trả lương cho người lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải thanh toán tiền thuê các mặt bằng kinh doanh. Một số chủ nhà đồng ý giảm giá thuê song cũng không ít chủ nhà chỉ chấp nhận lùi thời gian thanh toán đến khi nào cửa hàng hoạt động trở lại.
Thêm nữa, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 cứ 2 ngày một lần, xin giấy đi đường cũng là một khoản chi lớn và dễ làm ảnh hưởng đến tâm lý người lao động.
Thứ hai, việc giao hàng hiện nay của các cửa hàng cũng gặp nhiều kho khăn do giá giao hàng tăng vọt, lực lượng shipper không đủ, phí hoa hồng cho các ứng dụng giao hàng công nghệ là 20-30%. Chưa kể đến Thành phố vẫn còn nhiều điểm phong tỏa, chưa thể giao hàng nội quận dễ dàng.
Vấn đề thứ ba ông Mai Trường Giang nhấn mạnh là lực lượng người lao động. Theo ông, nguồn nhân sự hiện tại chỉ đủ cầm cự cho từng cửa hàng, hầu hết nhân viên đã trở về quê và còn nhiều người chưa được tiêm vaccine ở địa phương.
Đối với những nhân viên đang trụ lại ở TP.HCM, không ít người trong số họ vẫn đang ở trọ, khả năng nhiễm bệnh cao hoặc kẹt trong các khu vực bị phong tỏa. Quan trọng nhất là rủi ro nhiễm Covid-19 cho người lao động khi làm việc trở lại trong giai đoạn dịch bệnh còn phức tạp.
"Vì vậy, chúng tôi sẽ theo dõi thêm và đưa ra kế hoạch mở lại khi tình hình ổn định hơn", ông khẳng định.
Theo khảo sát của Zing, dù không ít hàng quán ở TP.HCM đã mở lại trên các nền tảng giao đồ ăn, thay vì bán các món ăn chế biến sẵn mang đi như trước, những cửa hàng này chuyển sang bán thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó, do thiếu hụt lực lượng tài xế giao hàng khiến tỷ lệ nhận đơn hàng mang đi rất thấp.