Những tài xế phân tâm
Bạn bị phân tâm khi lái xe nếu không nhìn đường, tay không cầm vô lăng, hay không để tâm vào nhiệm vụ lái xe an toàn. Chuyện này xảy ra không chỉ khi bạn với tay lấy điện thoại, nhắn tin khi lái xe, kiểm tra email, chụp và đăng hình, hay xem một đoạn video, mà cả khi bạn xoay sang với tay lấy gói khoai tây chiên ở ghế sau nữa.
Làm nhiều việc một lúc đằng sau tay lái đã trở thành lý do gây tai nạn chết người thường xuyên. Hành vi đó khiến nhiều người chết hơn hẳn do bọn khủng bố. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh, mỗi ngày ở Mỹ có khoảng tám người thiệt mạng trong những vụ tai nạn giao thông liên quan tới các tài xế bị phân tâm.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Law Offices. |
Tin nhắn cuối cùng
Đang là tối Giáng sinh, và người phụ nữ trẻ háo hức về nhà. Nhưng cô không bao giờ về được tới nhà. Khi chỉ còn cách nhà vài dặm, cô tăng tốc không phanh lao thẳng vào chiếc xe tải. Mặt đường khô ráo, tầm nhìn tốt, ít xe cộ, và lính cứu hỏa ở hiện trường vụ tai nạn tự hỏi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Khi thi thể cô được đưa ra khỏi đống đổ nát, họ tìm thấy chiếc điện thoại di động còn nguyên vẹn trên sàn xe. Trên đó là tin nhắn cuối cùng của người phụ nữ ấy: “Quay lại ngay.”
Bấy giờ là 8 giờ 14 phút tối ngày 21 tháng 6 năm 2014, và Laura đang lái chiếc Mazda 3 về phía bắc trên đường Route de la Station ở L’Isle-Verte. Cô đang gửi tin nhắn cho một người bạn. Hai phút sau, lời đáp lóe sáng trên điện thoại iPhone của Laura và cô đã mở tin nhắn ra xem lúc chiếc xe đang tới giao lộ với đường ray trên đỉnh một ngọn đồi. Đèn đỏ chỗ giao cắt đã bật, chuông reo và đầu máy xe lửa đang tiến tới đã kéo còi bốn lần. Nhưng Laura vẫn lao vun vút. Chiếc xe lửa đâm vào xe của Laura ở tốc độ 64 km/giờ.
Xin chào. Tôi là Jenna. Có thể nói tôi chưa từng có câu chuyện gì thực sự kịch tính. Tôi chưa từng mất đi người thân nào vì một tài xế vừa lái xe vừa nhắn tin. Nhưng theo nghĩa nào đấy thì tôi cũng có câu chuyện của mình.
Vài tuần trước tôi đang ngồi trong xe thì thấy một người đàn ông lái chiếc xe màu đỏ vừa chạy vừa nhắn tin đằng sau chúng tôi. Anh ta đột ngột rẽ và suýt nữa thì đâm vào chúng tôi. Anh ấy suýt nữa đâm vào hông xe tôi. Cha tôi đã ấn còi xe đầy giận dữ, ông suýt nữa thì mất cô con gái duy nhất. Và anh biết điều tồi tệ nhất là gì không? Sau đó người đàn ông nhìn lên, mặt anh ta tỏ vẻ hối lỗi, rồi trở lại nhắn tin ngay lập tức! Tôi cá là có ngày anh ta sẽ giết chết một ai đó. Đừng vừa lái xe vừa nhắn tin. Tôi mới 12 tuổi. Tôi còn quá nhỏ và chưa muốn chết.
Thường thì nạn nhân của tình trạng lái xe phân tâm chết chẳng vì lý do gì cả. Tin nhắn gây phân tâm được gửi và nhận thường chỉ là về những chuyện lặt vặt. Người ta chết chỉ vì thôi thúc phải với tay lấy chiếc điện thoại, vốn kiểm soát ta bằng kỹ thuật củng cố gián đoạn. Làm sao chúng ta giành lại được quyền kiểm soát? Có một cách là dành ra nửa tiếng đồng hồ và lắng nghe kỹ những người đã không được may mắn.
Nhiều năm trước, hãng AT&T đã tiếp cận nhà làm phim huyền thoại người Đức Werner Herzog để làm một phim tài liệu về vấn nạn vừa lái xe vừa nhắn tin. Herzog đồng ý và đã làm ra bộ phim đầy ám ảnh From One Second to the Next (Từ giây này sang giây kế tiếp). Các nạn nhân và những người đã phạm lỗi công khai nói về thảm kịch mà họ đã trải qua hay gây ra.
Một bà mẹ có con trai bị liệt toàn thân nhớ lại cuộc đời họ đã bị hủy hoại ra sao, rồi một nam thanh niên đã giết chết ba đứa trẻ khi đang nhắn “anh yêu em” cho vợ mình. Một trường hợp mà Herzog không được quyền đưa vào phim là nam thanh niên đang nhắn tin cho bạn gái thì đâm sầm vào đứa trẻ đi xe đạp. Cô bạn gái đang ngồi ngay cạnh anh ta trên ghế hành khách.
Ngoài các buổi chiếu ở rất nhiều trường cấp ba, phim From One Second to the Next còn xuất hiện trên YouTube. Sau khi xem phim, tôi nhìn vào số lượt xem. Chỉ khoảng vài chục ngàn. Để so sánh, các video “Cách thắt cà-vạt hoàn hảo” hay “Cách kẻ mi mắt” dễ dàng có hàng triệu lượt xem.
Bình luận